300.000+

Xét nghiệm HIV

Hơn 300.000 người sử dụng dịch vụ xét nghiệm & tự xét nghiệm HIV tại cộng đồng

81.000+

Sử dụng PrEP

Hơn 81.000 người đã & đang sử dụng biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)

)
Fanpage
Xóm cầu vồng

Trang dành cho cộng đồng đồng tính nam lớn nhất tại Việt Nam

Tham gia ngay a
Fanpage
cô nàng gợi cảm

Trang thông tin và chia sẻ hướng đến cộng đồng chuyển giới nữ cùng các thông tin cổ vũ phong trào LGBT

Ghé thăm ngay a
Fanpage
PrEP4U

Trang chiến dịch PrEP4U - PrEP cùng bạn! dành cho nhóm đối tượng học sinh, sinh viên

Tham gia ngay a

THÔNG TIN NỔI BẬT

Lạng Sơn: Tập trung can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm đối tượng di biến động

Lạng Sơn: Tập trung can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm đối tượng di biến động

(Chinhphu.vn) – Những năm qua, bệnh HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được kiểm soát, số lượng tử vong ngày càng giảm. Tuy nhiên vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt trong nhóm đối tượng di biến động và nguy cơ cao nhiễm HIV. Tình hình lây nhiễm mới HIV có xu hướng gia tăng

Theo số liệu thống kê, đến hết tháng 3/2024, toàn tỉnh có 3.145 trường hợp nhiễm HIV, trong đó 937 trường hợp còn sống; 154/200 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV.

Giai đoạn 2019 – 2023, trung bình mỗi năm toàn tỉnh phát hiện 30,6 trường hợp nhiễm HIV mới, giảm 13,8 trường hợp so với bình quân giai đoạn 2014 – 2019 (44,4 trường hợp/năm). Mặc dù số người nhiễm trung bình hằng năm giảm so với giai đoạn trước, nhưng trong giai đoạn này, số người nhiễm mới lại tăng qua từng năm.

Đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong những năm gần đây, tỉ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao đã giảm đáng kể và tỉ lệ chung trong cộng đồng được kiểm soát ở mức 0,21% (mục tiêu dưới 0,3%). Tuy nhiên, do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc tiếp cận xét nghiệm đối với nhóm nguy cơ cao và người bệnh tiếp cận với xét nghiệm tải lượng virus nên tình hình lây nhiễm mới HIV có xu hướng gia tăng, chuyển dịch nguồn lây, lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục và xuất hiện nhiều ở nhóm người đi làm ăn xa, công nhân ở các khu công nghiệp.

Ghi nhận ở huyện Cao Lộc cho thấy, năm 2023, toàn huyện phát hiện 6 trường hợp dương tính với virus HIV, trong đó có 4 trường hợp là người dân đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, cả 4 trường hợp này đều bị nhiễm qua quan hệ tình dục. Cùng với Cao Lộc, tại một số huyện như Hữu Lũng, Văn Lãng, Tràng Định… cũng có đối tượng nhiễm mới là người dân đi làm công nhân ở các khu công nghiệp ngoài tỉnh.

Đại diện Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng cho biết: Trong năm 2023, chúng tôi đã tiến hành xét nghiệm đối với hơn 1.600 trường hợp và phát hiện 6 trường hợp dương tính với virut HIV, đều là công nhân trở về từ các khu công nghiệp.

Trên thực tế, trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện thì tỉ lệ người lây qua đường tình dục trên địa bàn tỉnh tăng lên một cách đáng lo ngại, từ 66,7% năm 2022 lên 92,7% năm 2023, trong đó tập trung chủ yếu ở nhóm người đi làm ăn xa, công nhân ở các khu công nghiệp, không có đủ kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS.

Ông Đào Đình Cường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, trước thực trạng số ca lây nhiễm HIV có xu hướng gia tăng ở nhưng người đi làm ăn xa, Trung tâm đã chủ động tham mưu Sở Y tế tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế tuyến xã tăng cường phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xét nghiệm HIV (thực hiện hằng tháng và cao điểm vào tháng 6 và tháng 12). Đồng thời, áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm cho những đối tượng có nguy cơ cao, tập trung vào những gia đình có người đi làm ăn xa.

Theo đó, các cơ sở y tế đã tăng cường tuyên truyền, chuẩn bị đầy đủ test nhanh xét nghiệm HIV và tư vấn xét nghiệm HIV cho các đối tượng có nguy cơ cao. Từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ sở y tế đã phối hợp tuyên truyền, tư vấn xét nghiệm cho trên 6.820 lượt người, phát hiện 5 trường hợp nhiễm HIV đưa vào quản lý, điều trị thuốc ARV, nâng tổng số bệnh nhân hiện đang quản lý điều trị ARV lên 823 người.

Đại diện Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc cho biết, trong năm 2023, Trung tâm đã tiến hành xét nghiệm HIV cho trên 700 trường hợp. Năm nay, để phát hiện sớm và áp dụng các biện pháp can thiệp giảm tác hại nhất là ở đối tượng người đi làm ăn xa, trung tâm đã và đang tăng cường tuyên truyền, xét nghiệm HIV cho các đối tượng có nguy cơ cao, tập trung vào nhóm gia đình, đối tượng đi lao động ngoại tỉnh về địa bàn và các thời điểm thích hợp…

Tăng cường truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng

Trong thời gian tới, để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động huy động cộng đồng, tăng cường phối hợp trong phòng, chống HIV/AIDS; thường xuyên can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho các nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao, nhất là người đi làm ăn xa, làm công nhân ở các khu công nghiệp.

Trong đó, các cơ sở y tế tiếp tục quan tâm phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn nắm bắt danh sách những người đi làm ăn xa, làm công nhân ở các khu công nghiệp để đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao hiểu biết về HIV và vận động sử dụng các biện pháp can thiệp dự phòng như: cung cấp bao cao su và bơm kim tiêm miễn phí; phụ nữ mang thai phải khám thai định kỳ và làm xét nghiệm HIV… Từ đó, hạn chế nguồn lây, giảm số người mới nhiễm HIV, từng bước tiến tới mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Bên cạnh đó, ngành y tế tỉnh cũng sẽ tăng cường công tác truyền thông, đẩy mạnh công tác truyền thông phù hợp đến từng đối tượng.

Để phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả, truyền thông luôn đóng vai trò rất quan trọng, vì thông qua truyền thông góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về các nguy cơ, sự lây lan và các biện pháp phòng tránh, giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, đồng thời tăng kết nối và thúc đẩy các dịch vụ về dự phòng, chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, HIV tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp, đường lây truyền HIV đang thay đổi qua quan hệ tình dục không an toàn trong cả các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, người sử dụng ma túy tổng hợp, người bán dâm và bạn tình của các nhóm đối tượng trên. Vì vậy khoa đã tham mưu đơn vị tăng cường truyền thông, đặc biệt chú trọng đến các nhóm đối tượng đích, đến cộng đồng với hình thức đa dạng.

Trước tiên, các cấp, ngành, đoàn thể đã lồng ghép các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS vào các lĩnh vực sức khỏe và xã hội khác trong các sự kiện truyền thông, các hội nghị, hội thảo, cuộc họp, treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi… Nội dung truyền thông tập trung vào các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định mới liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, việc truyền thông được chú trọng ở những nhóm đối tượng có nguy cơ cao như: người sử dụng ma túy, người bán dâm, bạn tình của người nhiễm HIV… Từ năm 2023, Sở Y tế tỉnh đã phối hợp với các cấp, ngành liên quan tổ chức 4.331 cuộc truyền thông trực tiếp với trên 171.950 lượt người tham gia.

Song song với đó, những năm gần đây, ngành y tế đã đa dạng hóa phương thức truyền thông cho phù hợp với tình hình mới, đăng tải thông tin, thông điệp về HIV/AIDS qua mạng xã hội (Facebook, Zalo…). Theo đó mỗi năm, các cơ sở y tế cập nhật, đăng tải hơn 100 bài viết tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS trên mạng xã hội thu hút hàng nghìn lượt người quan tâm, chia sẻ.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 14 cơ sở xét nghiệm sàng lọc HIV bao gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn và 11 trung tâm y tế huyện, thành phố. 200/200 trạm y tế xã, phường thị trấn đều có cán bộ chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS. Khi nghi ngờ có nguy cơ lây nhiễm HIV, người dân cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, làm xét nghiệm miễn phí và áp dụng các biện pháp can thiệp kịp thời.

Việc tăng cường tuyên truyền, chủ động xét nghiệm và nâng cao hiệu quả điều trị sẽ từng bước đẩy lùi HIV/AIDS, giúp người bệnh duy trì sức khỏe tốt, hướng đến mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Theo Tiếng Chuông Chính Phủ

PrEP – Giải pháp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả cho phụ nữ bán dâm tại Bắc Giang

PrEP – Giải pháp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả cho phụ nữ bán dâm tại Bắc Giang

(Chinhphu.vn) – Nguy cơ nhiễm HIV từ hoạt động mại dâm là rất cao do liên quan đến hoạt động tình dục không an toàn, có thể dẫn đến truyền nhiễm virus HIV. Số liệu thống kê cho thấy, người nhiễm mới HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16-29 (38%) và 30-39 (36%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (63%) và qua đường máu (23%).

Hoạt động mại dâm ở Việt Nam, đặc biệt tại các thành phố lớn là một vấn đề khá nhạy cảm và phức tạp. Số lượng người hành nghề mại dâm vẫn đang tăng và độ tuổi ngày càng trẻ hơn. Tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm mại dâm nữ và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đều gia tăng

Uớc tính mỗi năm tại Việt Nam phát hiện khoảng 3.000-5.000 nam nhiễm HIV mới từ gái mại dâm. Tỉ lệ nhiễm HIV này càng ngày càng gia tăng. Hiện nay phần lớn gái mại dâm đa số “nghiện” ma túy, trong đó có một tỉ lệ lớn gái mại dâm thường xuyên sử dụng chung bơm, kim tiêm. Điều đó nói lên tính nguy cơ “kép” đối với gái mại dâm.

Tại Bắc Giang, theo số liệu thống kê từ Trung Tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong năm 2023, số ca nhiễm HIV mới qua đường tình dục, trong đó có lây truyền qua phụ nữ bán dâm lên đến 91,94%. Tỉ lệ này cho thấy việc lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn ở tỉnh là rất lớn, đòi hỏi phải có biện pháp hữu hiệu trong phòng, ngừa lây truyền qua đường tình dục nhất là cho đối tượng phụ nữ bán dâm.

Giải pháp điều trị PrEP trong dự phòng lây nhiễm HIV cho phụ nữ bán dâm và một số đối tượng đích khác như nhóm quan hệ đồng tính (MSM), chuyển giới, tiêm chích ma túy, bạn tình dị nhiễm được triển khai tại Bắc Giang từ tháng 10/2020.

Đến nay sau 3 năm triển khai hoạt động đã có 337 lượt khách hàng sử dụng dịch vụ, số khách hàng sử dụng dịch vụ PrEP ít nhất một lần năm 2022 đạt 68%, năm 2023 đạt 98,3%, ti lệ duy trì điều trị PrEP từ 3 tháng trở lên năm 2022 đạt 58,8%, năm 2023 đạt 38,3%.

Tỉ lệ khách hàng là phụ nữ bán dâm tham gia điều trị PrEP tại tỉnh chưa ở mức cao do khó tiếp cận đối tượng, một số đối tượng dấu danh tính, nghề nghiệp nên việc thống kê, báo cáo gặp khó khăn. Tuy vậy, với giải pháp điều trị dự phòng nhiễm HIV bằng uống PrEP hàng ngày sẽ phòng ngừa được lây nhiễm HIV cho phụ nữ bán dâm nếu họ tuân thủ đúng điều trị.

Theo các thử nghiệm lâm sàng, nếu tuân thủ tốt việc uống dự phòng PrEP thì PrEP có thể dự phòng được trên 90% khả năng lây nhiễm HIV. Đối với phụ nữ bán dâm, họ cần uống PrEP mỗi ngày một viên liên tục và đủ 21 liều mới có tác dụng bảo vệ. Trước khi dừng sử dụng PrEP, họ cần uống tiếp đến hết ngày 28 sau lần phơi nhiễm cuối cùng.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Giang cho biết, trong thời gian tới, sẽ mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP tại các huyện, thành phố, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về lợi ích của việc dự phòng lây nhiễm HIV bằng thuốc dự phòng PrEP, tăng chỉ tiêu tiếp cận các nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV cao là MSM, nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, người chuyển giới để tạo cầu cho PrEP.

Bên cạnh đó, hỗ trợ các xét nghiệm để theo dõi PrEP và hỗ trợ đồng đẳng viên giới thiệu khách hàng và vận động khách hàng duy trì sử dụng PrEp để hướng tới mục tiêu đến năm 2030 tỉ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 80%.

Việc điều trị, dự phòng trước phơi nhiễm cho phụ nữ bán dâm và các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV bằng việc uống thuốc dự phòng PrEP sẽ là giải pháp tích cực trong dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng, góp phần tiến tới đạt được các mục tiêu đã đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Theo Tiếng Chuông Chính Phủ

Hỗ trợ khách hàng tự bộc lộ tình trạng HIV

Hỗ trợ khách hàng tự bộc lộ tình trạng HIV

(Chinhphu.vn) – Nhằm nâng cao năng lực giảng dạy cho cán bộ y tế phụ trách chương trình HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) vừa phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lớp tập huấn giảng viên tuyến tỉnh về hỗ trợ khách hàng tự bộc lộ tình trạng HIV.

Các học viên là những cán bộ y tế đang phụ trách hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV, phụ trách điều trị, hỗ trợ tư vấn tiết lộ tình trạng HIV cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm (PNS) đến từ các tỉnh, thành phố gồm Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Hải Phòng, Thái Nguyên, Long An, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và TPHCM.

Bà Nguyễn Kim Chi, Giám đốc chi nhánh Văn phòng Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (US. CDC) TPHCM cho rằng, để hướng đến kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 thì Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức nếu tiếp tục áp dụng các can thiệp như hiện tại mà không có những cải tiến mới mang tính đột phá.

Việc triển khai tư vấn can thiệp PNS đã được thực hiện nhiều năm nhưng việc kết nối khách hàng PNS đến sử dụng dịch vụ còn hạn chế và gặp nhiều thách thức. Do đó, cần phải có các lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho các học viên là những cán bộ nồng cốt trong chương trình HIV. Giúp họ cập nhật những thông tin bổ ích, cách tiếp cận, can thiệp phù hợp trong thời đại mới. Để từ đó, xây dựng kế hoạch triển khai cũng như tập huấn lại cho cán bộ y tế địa phương sau khi hoàn thành lớp tập huấn.

Tham gia vào lớp tập huấn, học viên đã được các giảng viên là những chuyên gia hàng đầu trong thiết kế chương trình về tư vấn PNS chia sẻ phương pháp giảng dạy, các kỹ năng giảng dạy hiệu quả, cũng như cập nhật nội dung về các yếu tố xã hội quyết định sức khỏe, sự chênh lệch và bất bình đẳng về chăm sóc sức khỏe, đặc biệt trong các nhóm yếu thế là MSM/TGW; Hướng dẫn các kỹ năng, công cụ hỗ trợ khách hàng tự bộc lộ tình trạng HIV cho bạn tình/bạn chích; Thực hành mô hình tự bộc lộ. Trong đó, tập trung vào việc tư vấn khách hàng là trọng tâm, tôn trọng các lựa chọn của khách hàng và hỗ trợ khách hàng trong suốt quá trình sử dụng dịch vụ.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tính đến thời điểm hiện tại, toàn quốc có 233.681 trường hợp nhiễm HIV/AIDS còn sống, trong đó 12.800 trường hợp nhiễm HIV trong năm 2023. Tổng số người nhiễm HIV/AIDS tử vong ghi nhận tại Việt Nam trong các năm qua là 114.079.

Theo Bộ Y tế, dịch HIV/AIDS đang lây lan nhanh tại khu vực phía Nam và các thành phố lớn nơi tập trung nhiều khu công nghiệp và các trung tâm giáo dục. Nguy cơ lây nhiễm HIV khó kiểm soát trong nhóm MSM do hành vi quan hệ tình dục không an toàn.

Trước đó, trong năm 2023 theo những số liệu từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS công bố, chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm HIV mới, trong đó có tới 49% nằm ở nhóm nam quan hệ đồng giới. Đặc biệt, tỉ lệ người nhiễm HIV trẻ hóa, gần 50% ở nhóm từ 16 – 29 tuổi.

Ông Bùi Hoàng Đức, Phó Trưởng phòng Giám sát và xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhận định, một trong những điểm đáng lo ngại là hiện nay tỉ lệ người nhiễm HIV đang trẻ hóa, xu hướng dịch tăng rõ rệt ở nhóm MSM và cảnh báo tăng ở các nhóm khác.

Cùng đó, là việc gia tăng tỉ lệ nhiễm HIV qua đường tình dục, hành vi nguy cơ của các nhóm nguy cơ cao ngày càng phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, quan hệ tình dục tập thể,… khả năng tiếp cận triển khai can thiệp khó. Điều đáng lưu ý là hiện nay người nhiễm HIV vẫn còn nhiều rào cản, đặc biệt tình trạng phân biệt đối xử vẫn còn trong cộng đồng. Do đó, để nâng cao kiến thức về HIV cho cộng đồng là việc rất cần thiết, giúp cho người nhiễm HIV sớm biết được tình trạng bệnh và sớm tiếp cận điều trị.

Theo Tiếng Chuông Chính Phủ

Scroll to top