Các tác động tiêu cực khi sử dụng ma túy

Ma túy là các chất gây nghiện, chất hướng thần, là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, có nguồn gốc tự nhiên hay tổng hợp, khi được đưa vào cơ thể (bằng cách: tiêm, chích, hút, hít, nhai, nuốt…) nó sẽ làm thay đổi trạng thái ý thức và sinh lý người đó. Ma túy tự nhiên thường gặp ở Việt Nam là: Cần sa, thuốc phiện, cocaine, nấm ảo giác, trong khi đó ma túy tổng hợp thường thấy là: Ma túy đá, thuốc lắc, heroin, LSD (tem thư), Ketamine (ke), Morphin.

Theo định nghĩa của WHO về sức khỏe, sức khỏe là sự toàn vẹn về cả thể chất, tinh thần và mối quan hệ xã hội. Việc thêm vào sức khỏe xã hội đã hoàn thiện hơn định nghĩa về sức khỏe và đặt ra ý niệm con người như một thực thể xã hội và cần quan tâm đến các khía cạnh xã hội và mối quan hệ người-người. Rõ ràng, nếu các mối quan hệ xã hội không tốt, người đó sẽ chịu nhiều tác động hơn là họ nhận biết.

Vậy, ma túy có những tác động như thế nào lên sức khỏe?

Nếu nói về phương diện tác động tiêu cực, ma túy nói chung gây rất nhiều tác động lên sức khỏe của người sử dụng, trên cả 3 phương diện thể chất, tinh thần và xã hội.

Về sức khỏe thể chất, có thể kể đến các tác động sau:

– Suy nhược: là cộng hợp của việc sử dụng quá mức năng lượng cơ thể do vận động không ngủ nghỉ và giảm năng lượng nhập do rối loạn ăn uống (chán ăn, ít uống nước). Nếu suy nhược kéo dài có thể làm sụt cân bệnh lý, suy nhược cơ thể, suy đa cơ quan.

– Các vùng thân thể tiếp xúc ma túy đá hay chất xuất tiết (mồ hôi) đều có thể bị các tác động, ví dụ: viêm nha chu (thậm chí bị tụt nướu), viêm nang lông, trầy xướt (do dị cảm gây gãi), đàm.

– Tăng nguy cơ tình dục không an toàn, nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV, lậu, giang mai, chlamydia, viêm gan…

– Ma túy sử dụng kéo dài có thể gây những tổn thương não/thần kinh không hồi phục.

– Sử dụng chất kéo dài đồng thời khiến các hành vi và quyết định, bao gồm các hành vi và quyết định sức khỏe, bị ảnh hưởng, thường là theo chiều hướng tiêu cực như bất chấp, cố ý tổn hại bản thân..

Về sức khỏe xã hội, đây là tác động mà chính người sử dụng cũng khó nhận biết.

– Các thay đổi tâm tính và nhịp sinh hoạt liên quan đến việc sử dụng ma túy có thể trực tiếp phá vỡ các mối quan hệ xã hội vốn “khó xây dựng nhưng có thể dễ dàng bị phá vỡ”. Thêm vào đó là các rối loạn tâm lý/tâm thần tồn tại và phát triển song hành với tình trạng nghiện chất sẽ tác động trực tiếp lên tâm trạng, cảm xúc và nhân cách của người sử dụng, từ đó làm thay đổi hình thái sinh hoạt xã hội, nặng nề hơn là chứng trầm cảm và ý thức chống xã hội hay suy nghĩ tự cô lập.

– Mặt khác, các bất đồng và rào cản đạo đức có thể khiến các mối quan hệ xã hội thân hữu bị xáo trộn, ngăn cách và tổn hại; chưa kể là các hệ lụy xã hội và hành vi phát sinh từ thói quen sử dụng ma túy (rắc rối tài chính, nợ tiền hay liên can pháp lý,…) cũng sẽ khiến mối quan hệ bị vướng mắc.

Hệ quả của sử dụng ma túy là việc bào mòn dần các mối quan hệ xã hội mà người sử dụng đang có, gián tiếp đẩy họ đến với việc sử dụng tiếp tục và tăng dần.

Về sức khỏe tâm thần, đây là phương diện phức tạp nhất với vô vàn dạng thức và tác động.

Một điểm quan trọng cần nhấn mạnh là: rất khó bóc tách và nhận định rõ cái nào gây ra cái nào, là các rối loạn tâm lý/tâm thần thúc đẩy một người đến việc sử dụng chất hay ngược lại chính việc sử dụng chất gây ra các rối loạn tâm thần ở người sử dụng… Chỉ nhìn nhận được rằng “hai yếu tố này, sử dụng chất và rối loạn tâm lý/tâm thần, luôn tồn tại cùng nhau trên một người sử dụng, tương hỗ và làm tăng nặng lẫn nhau”

Nếu phân loại, xin tạm liệt kê thành một số tác động sau:

– Ngắn hạn: rối loạn tập trung (thường tăng tính tập trung vào một sự vật hay một sự kiện nào đó, dân gian gọi là “dính”), rối loạn cảm xúc (hưng cảm, dễ bị kích động, đa nghi, lo âu,…), rối loạn cảm giác (cả cảm giác nông như ảo giác, bao gồm cả ảo thanh, ảo thị hay ảo khứu,… lẫn cảm giác sâu như định vị không gian, thời gian hay bản thể, ví dụ như ảo giác phân ly thân thể, ảo giác tái hiện ký ức, ảo giác cố định không gian và thời gian,…), rối loạn ăn uống… Nặng nề hơn có thể là loạn thần cấp với những hành vi không kiểm soát…

– Dài hạn: trường diễn các rối loạn tâm lý tâm thần có thể dẫn đến các tổn thương tâm thần nặng trên người sử dụng, bao gồm rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn nhân cách, ý định tự sát lẫn hành vi tự sát, ý thức chống xã hội hay ý nghĩ tự cô lập, giảm giá trị bản thân, giảm hay mất động lực và niềm vui trong cuộc sống.

Cần biết rằng, đa số người sử dụng chất đều có các vấn đề tâm lý tâm thần phát sinh từ các rắc rối hay vấn đề trong đời sống, việc sử dụng chất được diễn giải như một cách “giải quyết vấn đề” lại thực chất là một cách “lẩn tránh”. Cuối cùng vấn đề vẫn còn tồn tại và có phần nặng nề hơn do tích lũy và do sự thay đổi cảm nhận cá nhân, lâu dần hình thành “bế tắc”

Vậy, liệu ma túy có còn VÔ HẠI như bạn tưởng không?

Chắc chắn là KHÔNG…

Chỉ là tác hại của ma túy ngày càng tinh vi hơn rất nhiều, nôm na như một trái bom nổ chậm mà người sử dụng đã vô tình kích ngòi và chỉ nhận biết khi nó đã nổ tan nát chính cuộc sống của mình!

———

Khi đã hiểu rõ về các chất mà vẫn có dự định “fun”, bạn hãy thực hiện những biện pháp dự phòng sau để bảo vệ sức khỏe cho mình:

– Sử dụng PrEP – PrEP hằng ngày hoặc PrEP theo tình huống để dự phòng trước phơi nhiễm HIV, nhớ đặt đồng hồ nhắc lịch uống thuốc.

– Xét nghiệm HIV và BLTQDTD (STI) để biết tình trạng của bản thân cũng như “đối tác” trong các cuộc “fun”

– Sử dụng bao cao su và chất bôi trơn tối đa có thể.

– Và quan trọng là: vui có chừng, dừng đúng lúc! Biết giới hạn của mình để cuộc vui trọn vẹn!

Đừng quên Xóm vẫn hỗ trợ ship que tự xét nghiệm Oraquick và đăng ký sử dụng PrEP miễn phí!

? Truy cập ngay bit.ly/xcv-oraquick và điền thông tin Xóm viên nhé!

Bs Nguyễn Tấn Thủ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to top