LGBT Việt sau 10 năm đấu tranh và đi tìm bản ngã: Một thập kỷ tự hào – Chúng ta có quyền nói như vậy!

10 năm đã trôi qua với những niềm nức nở của cộng đồng LGBT, vui nhiều hơn là buồn. Các phong trào của cộng đồng thực sự khởi sắc với những dấu mốc quan trọng mở đường cho những thay đổi bản lề sắp tới. 10 năm đã trôi qua, có bài học gì cần nhớ và cái nhìn tới 10 năm sau sẽ ra sao?

Người ta có quyền vui mừng khi nhìn lại câu chuyện 10 năm của cộng đồng LGBT Việt Nam. Trên bản đồ châu Á, Việt Nam là một trong những quốc gia thân thiện nhất với cộng đồng LGBT, cả trên cơ sở pháp luật cũng như cái nhìn của xã hội nói chung. Không phải một đất nước đi sớm với các phong trào LGBT nếu so với thế giới phương Tây nhưng một thập kỷ vừa qua, cộng đồng LGBT đã gặt hái được nhiều thành công.

Một thập kỷ tự hào – chúng ta hoàn toàn có quyền gọi tên 10 năm qua như vậy.

Trước những bước ngoặt mới đang chờ cộng đồng LGBT phía trước, chúng tôi đã có dịp lắng nghe những chia sẻ từ anh Lương Thế Huy – giám đốc Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và anh Huỳnh Minh Thảo – tư vấn viên độc lập cho các dự án phát triển, đặc biệt cho các dự án liên quan tới cộng đồng LGBT.

Xin chào anh Huy và anh Thảo. Một thập kỷ vừa qua đã chứng kiến những bước ngoặt lớn với cộng đồng LGBT Việt Nam. Những cột mốc đó đã thay đổi bức tranh toàn cảnh của cộng đồng LGBT Việt Nam như thế nào?

Anh Lương Thế Huy

Lương Thế Huy: Tôi có rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ liên quan tới cộng đồng LGBT trong 10 năm qua, hầu hết là những khoảnh khắc nho nhỏ, riêng tư, và vô cùng xúc động. Nhưng khi nói tới “cột mốc” của cộng đồng thì phải là những dấu ấn ai cũng thấy, ai cũng cảm nhận được, nên tôi cho rằng đó là hai tiến trình vận động luật vô tiền khoáng hậu: hôn nhân cùng giới trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, và quyền của người chuyển giới trong Bộ luật Dân sự năm 2015.

Anh Huỳnh Minh Thảo

 

Vào tháng 2/2012, một đám cưới của hai bạn nữ tại thị trấn Đầm Dơi, Cà Mau đã diễn ra. Đám cưới bị dừng lại, gia đình và hai bạn được gọi lên để giải thích rằng họ đã sai và cam kết không được sống chung với nhau. Cùng thời điểm đó, báo chí cũng đưa tin rất nhiều về câu chuyện này. Bộ Tư pháp lấy ý kiến góp ý về dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình. Tất cả xảy ra trong vài tháng, khởi phát nên cuộc vận động hợp pháp hóa hôn nhân bình đẳng kéo dài cho tới tháng 5/2014 khi Quốc hội chính thức thông qua Luật, bỏ cấm và không thừa nhận hôn nhân cùng giới. “Bỏ cấm, không thừa nhận” có nghĩa là không có gì thay đổi, nhưng cũng đồng thời là không có gì như cũ. Các cặp đôi cùng giới vẫn không được thừa nhận bất kỳ quyền pháp lý, sự bảo vệ nào từ pháp luật cho việc chung sống; nhưng đồng thời hiện trạng nhận thức xã hội cũng đã không còn như cũ, tích cực hơn có mà tiêu cực hơn cũng có, tức là các cánh cửa đã được tháo chốt.

Hai người bạn trẻ bị cấm cản ở Cà Mau chắc cũng không biết được câu chuyện cá nhân của mình có vai trò đặc biệt và khởi phát một tiến trình chưa từng có tiền lệ của cộng đồng LGBT Việt Nam. Như người ta vẫn nói, không nên để những mất mát trở thành vô ích. Nhiều người, nhiều thứ đã thay đổi từ sau câu chuyện của hai bạn.

Ngày 1/1/2015, Luật Hôn nhân và gia đình có hiệu lực. Ký ức về một tiết học GDCD năm lớp 12 ùa về. Ngày đó thầy giáo giảng tới bài hôn nhân gia đình, đọc từ trong sách ra, “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính.” Tôi nhìn chằm chằm dòng chữ đó, cảm thấy trong mình như có gì vừa thất vọng, vừa giận dữ. Sau này, tôi biết rằng khoảnh khắc đó, tôi không phải là người duy nhất trong lớp cảm thấy như vậy. Tôi hy vọng trong cuộc đời của mình, trang sách đó sẽ có một đáp án mới cho câu hỏi “Những người nào sau đây không được phép kết hôn với nhau?” để những người trẻ có thể cất lên tiếng nói từ trái tim của mình mà không sợ đó là một câu trả lời sai.

Ngày 29/8/2012, nghiên cứu đầu tiên về người chuyển giới tại Việt Nam “Khát vọng được là chính mình” được giới thiệu. Đó là một trong những buổi hội thảo đông báo chí nhất tôi từng tham dự, đội chạy sự kiện phải ra ngoài vì trong phòng quá ngộp, và đó là phòng to nhất của khách sạn Pullman tại Hà Nội.

Bên trong, đại diện người chuyển giới ở Hà Nội là bạn Ngọc Ly đang chia sẻ những ký ức thời học sinh. Lớp 10, Ly phải chịu đựng cảnh cứ giờ ra chơi là bị đánh đập, xé sách vở, tạt nước. Người làm những hành động kinh khủng đó không phải ai xa lạ, mà chính là những người bạn cùng lớp. Ngọc Ly không phải là nạn nhân duy nhất, mà tất cả những cậu bé 15 tuổi năm ấy đều là nạn nhân, chúng ta cũng là nạn nhân, nạn nhân của một hệ tư tưởng định kiến về giới do chính chúng ta dựng nên và trói buộc nhau, nạn nhân của nỗi sợ sự đa dạng và mình phải là mình.

Trước đó ba ngày, một đồng nghiệp của tôi phải ra ga Sài Gòn tiễn đại diện người chuyển giới ở Sài Gòn là Cát Thy lên tàu ra Hà Nội. Cát Thy không thể đi máy bay ra hội thảo, vì bạn là người chuyển giới. Hai ngày lừ đừ ngồi trên tàu để nói vài câu cho hội thảo, đơn giản là chia sẻ lại những việc bạn đang trải qua hàng ngày, như bị sỉ mạ, bị so sánh với thú vật, bị ném vào những cái nhìn khinh miệt nhất có thể.

Cũng tại hội thảo đó, bác Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hành chính phát biểu ủng hộ quyền của người chuyển giới, và thông tin Bộ luật Dân sự sẽ được sửa đổi cũng được thông báo lần đầu tiên ở hội thảo này. Bác nói một câu rất hay: “Cần phải trả lại tên cho các em” để diễn tả ý rằng bản dạng của người chuyển giới là tài sản của họ, nhà nước không thể ban phát, mà chỉ có thể thừa nhận và thực thi.

Hết ngày, chuyến tàu vào Nam đằng đẵng hai ngày lại chờ Cát Thy ở ga Hàng Cỏ.

Ngày 10/5/2013, Viện Nghiên cứu Lập pháp của Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức hội thảo “Người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT): Quy định pháp luật và quan điểm của cộng đồng.” Trước đó khoảng 2 tuần, tôi liên hệ Ánh Phong, một người chuyển giới nữ, để mời bạn tham gia hội thảo. Ánh Phong lúc này vừa từ Thái Lan trở về sau ca phẫu thuật, đang ở quê Quảng Ngãi để gia đình chăm sóc, lại còn có đoàn làm phim đi cùng. Nghe tình hình Phong xong tôi cũng ái ngại, nhưng Ánh Phong hỏi tôi rằng hội thảo này quan trọng lắm hả anh, tôi nói ừ cũng hơi hơi quan trọng vì có nhiều đại biểu Quốc hội. Ánh Phong quyết định tạm gác mọi thứ, đi ngược về Hà Nội để tham gia góp tiếng nói của mình. Hôm đó, Phong đứng còn khó, xin ngồi phát biểu.

Phong chia sẻ: “Bản thân con là người khá may mắn khi gia đình con không kì thị và chấp nhận, các bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp cũng ủng hộ con, nhưng vẫn còn biết bao bạn muốn chuyển giới để sống thật là mình vẫn còn bị kỳ thị, phân biệt đối xử, thậm chí đuổi khỏi gia đình và bạo hành. Chuyển giới không phải là một sự đua đòi các bác ơi, nó là khát khao rất lớn được là chính mình. Phẫu thuật rất đau, nhưng nếu có đau gấp đôi, con vẫn sẽ làm để được là chính con.”

Ngày 24/11/2015, Quốc hội khóa XIII thông qua Bộ luật Dân sự hợp pháp hóa quyền chuyển đổi giới tính, trong đó ghi nhận sẽ có quy định pháp luật cụ thể điều chỉnh, mở ra một chương mới trong phong trào vận động quyền của người chuyển giới.

 

Huỳnh Minh Thảo: Tôi nhớ lần đầu tiên một triển lãm nghệ thuật công khai mang tên “Mở” và vở kịch “Được là chính mình” diễn ra vào năm 2009 và 2010 tại cả Hà Nội và Sài Gòn. Sự kiện đó đã đánh động báo chí và truyền thông trên cả nước về vấn đề LGBT. Triển lãm và vở kịch đã phần nào khiến công chúng có thêm nhận thức về người LGBT khi trước đây, những sự kiện như vậy hiếm khi xuất hiện rộng rãi trong xã hội. Triển lãm đã diễn ra tại nhiều trường đại học, các địa điểm công cộng tại 2 thành phố lớn. Hai hoạt động nghệ thuật này như mở màn cho nhiều các sự kiện khác sau này, dẫn dắt cộng đồng LGBT trên cả nước.

Một cột mốc quan trọng diễn ra vào năm 2012 khi Bộ tư pháp gửi tới các cơ quan hữu quan về việc điều chỉnh luật hôn nhân và gia đình, trong đó có nhắc tới điều chỉnh luật cho người đồng giới chung sống với nhau. Điều này đã tạo ra được làn sóng mạnh mẽ và các tổ chức như iSEE, ICS đã ngồi cùng nhau để vạch ra những kế hoạch tiếp theo, giúp thúc đẩy luật hôn nhân và gia đình và đem lại thay đổi tích cực cho cộng đồng. Với bản thân Thảo và nhiều cá nhân khác trưởng thành từ ICS, sự ra đời của trung tâm ICS là một điều đáng tự hào với những khởi xướng tích cực cho cộng đồng LGBT Việt Nam.

Năm 2012 cũng đáng nhớ với sự kiện Flashmob đầu tiên của cộng đồng LGBT: “Yêu là yêu”. Nó thể hiện tính hiện diện của cộng đồng một cách mạnh mẽ. Nó diễn ra không chỉ tại các thành phố lớn mà ở cả địa phương, giúp người LGBT “bước ra khỏi bóng tối” và đi tìm tiếng nói cá nhân. Họ đã không còn là người đi xem triển lãm, xem kịch – họ là một phần của cộng đồng lớn. Lá cờ LGBT khổng lồ – “Đại kỳ” dài 20m, rộng 10m, xuất hiện tại Hà Nội và Sài Gòn đã trở thành một biểu tượng cho những sự khởi đầu. Tôi nhớ có nhiều người LGBT đã đứng dưới lá cờ và khóc khi lần đầu tiên, họ nhận ra được sự hiện diện và giá trị của mình trong cuộc sống này. 2012 cũng là năm Vietpride xuất hiện tại Việt Nam và kéo dài tới tận hiện tại.

Đến 2013, một bước tiến mới với người LGBT khi “Hành trình hiểu về con” của PFLAG – cộng đồng phụ huynh có con LGBT, đã diễn ra tại rất nhiều thành phố, kéo dài từ Cần Thơ đi dọc đất nước tới Hà Nội. Chuyến đi đã mang những câu chuyện, chia sẻ từ các bậc cha mẹ có con thuộc cộng đồng LGBT tới đông đảo phụ huynh trên toàn quốc.

Từ năm 2013 tới nay, những thay đổi về luật pháp đã mở đường cho cộng đồng LGBT trên nhiều lĩnh vực, từ chăm sóc sức khỏe cho tới định danh cá nhân. Tôi nghĩ Huy đã có những chia sẻ rõ ràng và cụ thể về những dấu mốc đáng nhớ với mỗi bộ luật được thông qua hay sửa đổi từ năm 2013 tới nay.

Với những thay đổi đó, thái độ của xã hội với cộng đồng LGBT đã có những chuyển biến tích cực như nào trong 10 năm qua?

Lương Thế Huy: Không chỉ thái độ của xã hội mà thái độ của chính cộng đồng LGBT về mình cũng đã thay đổi đáng kể trong khoảng thời gian này. Cộng đồng đã có quá nhiều, đạt được nhiều thứ, trải qua quá nhiều buồn, vui, thành công, thách thức.

Internet vào Việt Nam thực sự là một bước ngoặt thay đổi sâu sắc đến từng người trong cộng đồng LGBT. Dẫu cho thông tin thời gian đầu vẫn còn rất nhiễu loạn, nhưng ít nhất họ biết rằng mình “tồn tại” và mình “bình thường.” Một sự thật tưởng như hiển nhiên mới được khám phá ra. Có hiện diện thì sẽ có phản đối. Sự phản đối đồng tính thời gian đầu diễn ra không nhiều, nhưng vô cùng khắc nghiệt. Năm 2002, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội kêu gọi đưa đồng tính vào “tệ nạn xã hội.” Năm 2004, chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khi đó đã phát biểu về đồng tính là “tư tưởng nó bệnh hoạn, (…) dẫn đến hành động cũng bệnh hoạn” và “cần tập trung cho công tác tuyên truyền giáo dục hơn là luật hóa nó.”

Rồi những tổ chức, hội nhóm đại diện cho người LGBT đi vào hoạt động trong thực tế, thể hiện một hình ảnh tích cực, tươi sáng và đầy tự hào. Nhiều người giật mình khi thấy người bạn thân thiết của mình là công khai người đồng tính, khi thấy người đồng nghiệp giỏi giang của mình công khai là người đồng tính, khi thấy người thân yêu trong gia đình mình công khai là người đồng tính. Họ sửng sốt, ngạc nhiên, tự vấn. “Đây là trào lưu hay là dịch bệnh?” Và rồi họ nhận ra đồng tính là một hiện thực của mọi lúc, mọi nơi.

Bây giờ, một thập kỷ rưỡi sau lời kêu gọi xem đồng tính như tệ nạn xã hội và đề nghị “giáo dục nam nữ thanh niên không nên đồng tính”, năm 2020 này, chắc một điều rằng hiện nay không một cán bộ, nhà khoa học nào có thể dám tự tin nói những lời tương tự như thế. Những người phản đối tự biết rằng ý kiến của mình là lạc hậu. Những người ủng hộ không sợ rằng ý kiến của mình là lập dị. Những tiêu chuẩn, giá trị mới được xác lập.

Không ai có thể ngờ trong vòng chỉ 1 thập kỷ, từ việc phủ bỏ, Việt Nam đã đưa chủ đề LGBT lên bàn nghị sự, và thật sự thảo luận nghiêm túc về nó. Quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới được công nhận là quyền con người và cần phải bảo vệ bởi pháp luật.

Huỳnh Minh Thảo: Thái độ xã hội là điều khó có thể định lượng và đánh giá chính xác. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách định tính, chúng ta có thể thấy những thay đổi trong quan điểm mọi người tại Việt Nam về vấn đề LGBT. Trước 2008, LGBT vẫn bị coi là bệnh, “lây lan”, “trào lưu” thì đến năm 2019, thái độ của mọi người đã thoáng và tích cực hơn, đặc biệt tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội. Các chương trình truyền hình, truyền thông cũng đã có các sản phẩm với nhìn nhận đúng với diễn ngôn chính xác, tự nhiên và phù hợp về cộng đồng LGBT.

Kể từ năm 2016 trở lại đây, các hoạt động của cộng đồng LGBT đã không chỉ bó hẹp cho bản thân người LGBT khi có sự giao thoa, mở rộng hơn cho cả người dị tính. Trước đó, những phong trào hiện diện, bản sắc vẫn tập trung vào chỉ những người LGBT. Điều đó phần nào phản ánh sự quan tâm của xã hội tới LGBT, xóa bỏ rào cản của những sự “khác biệt” và các sự kiện có giá trị không chỉ riêng với người LGBT. Từ các sự kiện về quyền và giới đơn thuần, những sự kiện LGBT đã chạm tới nhiều khía cạnh khác như thể thao, văn hóa, nghệ thuật, điện ảnh…

Hành trình nhìn nhận của xã hội có những sự biến chuyển trong mục tiêu không hành động; từ giúp xã hội không còn “sợ” hay kỳ thị người đồng tính chuyển sang cảm thông và chia sẻ và chạm tới mức độ cao nhất là tôn trọng. Tôi cho rằng tôn trọng là mục tiêu quan trọng nhất và các sự kiện, phong trào hiện tại đang nhắm tới. Tuy nhiên, để tôn trọng được không phải điều đơn giản – bản thân nhiều người trong cộng đồng còn chưa thực sự tôn trọng bản thân mình. Hy vọng rằng trong những giai đoạn tới, sự tôn trọng dành cho cộng đồng LGBT sẽ cao hơn, thay vì chỉ cảm thông và chia sẻ.

Cặp đôi đồng tính cầu hôn trước cơn lốc xoáy – màn cầu hôn thật đẹp gây xúc động.

Đằng sau những thay đổi đáng kể đã đạt được, còn vấn đề gì tồn tại trong 10 năm qua với hoạt động vì quyền của LGBT vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm?

Lương Thế Huy: Nếu ví cộng đồng như một con người, thì những gì tạo nên sự trưởng thành của nó sẽ là giá trị lõi, là tri thức, tính cách, kỷ luật, mục tiêu sống, và các mối quan hệ. Cộng đồng LGBT Việt Nam đã có nhiều phát triển nhưng vẫn chưa tới mức độ trưởng thành, chững chạc và bền vững. Mọi yếu tố đều đang ở mức vừa vừa, mới định hình và còn nhiều cơ hội thay đổi. Các tổ chức đại diện vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu thốn nguồn lực và cơ hội hợp tác với nhau. Số người có chuyên môn thật sự sâu hoặc tạo thay đổi trong ngành nghề riêng của mình còn ít, ví dụ những hình mẫu “role model” chỉ mới đang tập trung ở giới làm phát triển, các tổ chức phi chính phủ. Đây là điều kiện tiên quyết tôi nhìn thấy ở bất kỳ đất nước nào để phong trào quyền LGBT thật sự vững mạnh và trưởng thành.

Những quyền pháp luật thì cũng rất rõ rồi, Luật Hôn nhân và gia đình chưa thừa nhận bất kỳ hình thức chung sống vào của cặp đồng giới. Luật Chuyển đổi giới tính vẫn “treo” suốt 5 năm qua khiến người chuyển giới không thể thực hiện quyền của mình. Ngoài ra kỳ thị, phân biệt đối xử không phải là chuyện “xưa cũ” như nhiều người tưởng, nó vẫn tràn lan ở nhiều ngóc ngách của cuộc sống, nhất là trong các môi trường quan trọng như gia đình, trường học.

Huỳnh Minh Thảo: Trong 10 năm qua, vấn đề lớn nhất có lẽ nằm ở sự tiến bộ chậm trong những thay đổi về nhận thức của xã hội về cộng đồng LGBT. Những vấn đề như đưa chủ đề LGBT vào giáo dục, bình đẳng trong môi trường công sở… vẫn tồn tại.

Sự phát triển chưa đồng đều và đồng nhất của các nhóm hoạt động LGBT trẻ cũng là vấn đề đáng bàn. Chính vì vậy, tiếng nói của cộng đồng đôi khi có độ vênh, bất đồng về ý kiến và quan điểm dù trên cùng vấn đề. Sự khác biệt là điều cần thiết để tạo nên sự đa dạng. Tuy nhiên, vẫn cần có những giá trị, quan điểm và tiếng nói chung tích cực từ các nhóm phát triển để cộng đồng có một đường lối phát triển chuẩn mực. Phát triển cần có định hướng và không phải lúc nào cũng đồng đều giữa tất cả các nhóm của LGBT. Mọi người cần phải nhìn về lợi ích chung của tất cả các nhóm thuộc LGBT thay vì chỉ quan tâm tới người đồng tính hay người chuyển giới.

Một người ủng hộ hôn nhân đồng giới tại Đài Loan cầm bông hồng để thương tiếc những người thuộc cộng đồng LGBT đã tự tử do bị phân biệt đối xử khi đang chờ đợi dự luật được thông qua tại Đài Bắc ngày 17/5/2019

10 năm qua có được coi là một thập kỷ tiến bộ với cộng đồng LGBT Việt Nam không? Nhìn trong bức tranh của toàn cầu, phong trào LGBT tại Việt Nam có được coi là tiến bộ và đi nhanh hơn các nước khác không?

Lương Thế Huy: Nên quý trọng những gì mình đã có, 10 năm qua là một khoảng thời gian đẹp, và chúng ta sẽ còn nói mãi về nó tới sau này. Đó là khởi điểm, là bước chân đầu tiên, cũng là vấp ngã đầu tiên, cái gì cũng đầu tiên hết. Nhìn xa hơn thì bước chân đó đã được nâng gót từ 10 năm trước đó nữa. Từ 2000-2010 là khoảng thời gian các diễn đàn trực tuyến của cộng đồng LGBT phát triển rực rỡ, xóa đi mọi rào cản về địa lý, thời gian, công khai vốn là đặc điểm của cộng đồng lúc đó. Trước đó nữa thì những hội nhóm phòng chống HIV/AIDS cũng đã “mon men” nhắc tới nhóm đồng tính, song tính nam và chuyển giới nữ, tất nhiên với một lăng kính, cách tiếp cận khác.

Tôi đi các nước Châu Á khác gặp bạn bè cũng đang vận động quyền LGBT, ai cũng nói Việt Nam tiến bộ. Tôi nói rõ hơn, xã hội Việt Nam thì đi sau một chút, nhưng chính cộng đồng LGBT ở Việt Nam là lý do tạo ra tất cả những thứ ngày hôm nay. Tôi kinh ngạc, khâm phục lẫn yêu thương cộng đồng đó. Mà đã với tình cảm như thế, chắc chắn tôi có thiên vị khi nhận định, như kiểu con cháu người thân của mình thì làm gì mình thấy cũng giỏi. Tôi cũng thấy các bạn trong khu vực rất giỏi và tâm huyết. Nhưng mỗi nơi một hoàn cảnh, quay về với cộng đồng của mình, tôi chỉ có thể nói “Chúng ta đã làm rất tốt rồi.”

Cặp đôi đồng tính Neil Patrick Harris – ngôi sao của series “How I met your mother” và chồng David Burtka.

Huỳnh Minh Thảo: Tôi không dám đưa ra một câu trả lời phổ quát. Mỗi giai đoạn, thập kỷ, các hoạt động về LGBT đều có những điểm nhấn khác biệt. Những năm 90s, người đồng tính đã được nhắc tới, dù còn ở trong bóng tối. Từ 2000-2009, cộng đồng LGBT bắt đầu nở rộ dù chỉ trên không gian mạng. Sự xuất hiện của forum, diễn đàn, website là nơi để mọi người kết nối, làm cho cuộc sống phong phú hơn.

Tôi vẫn nhớ một lần sang Singapore để tìm hiểu về các mô hình cộng đồng trên thế giới và được lắng nghe một chia sẻ có giá trị tới tận bây giờ: “Khi bạn xây dựng một hoạt động cho tổ chức, các bạn nên nhớ phải xây dựng làm sao để gắn các hoạt động với xã hội. Đừng cô lập bản thân với xã hội. Mình không phải một ốc đảo để tách biệt với xã hội”. Cộng đồng LGBT những năm 2000s dường như chỉ như vậy, co cụm và cô lập.

Thập kỷ vừa qua, 2010-2019, phong trào đòi quyền của cộng đồng LGBT trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Những cá nhân thuộc cộng đồng không chỉ mong muốn được xã hội thừa nhận, họ muốn thực sự trở thành một phần của xã hội và được tôn trọng. Họ tự hào vì bản thân dám chấp nhận những kỳ thị, định kiến từ xung quanh để định danh bản thân.

Sẽ còn rất nhiều thách thức và vấn đề để gọi đây là thập kỷ tiến bộ. Tuy nhiên, 2010-2009 là một thập kỷ bản lề với nhiều điểm sáng tại Việt Nam. Con đường của cộng đồng LGBT Việt Nam hiện tại đang song hành cùng con đường LGBT trên toàn thế giới với vô số bài học quan trọng từ nhiều quốc gia.

Từ góc nhìn của người LGBT, điều gì ý nghĩa nhất họ cảm nhận được trong suốt 10 năm qua?

Lương Thế Huy: Nhận ra nhau. Đó là thứ quý giá nhất sẽ giúp chúng ta cùng nhau đi hết con đường này. Một ngày nào không còn nhìn thấy nhau nữa, ngày đó cộng đồng không còn, những cố gắng, những mối quan hệ, những tình cảm sẽ tự động rã rời nhau ra. Khép lại một thập kỷ rồi, tôi thấy rất nhiều người đã nhìn thấy nhau, nó cho họ cảm giác an toàn, được yêu thương, được nhìn thấy, được nghe thấy, không phải vô hình hay ẩn giấu nữa.

Huỳnh Minh Thảo: Chính là sự thay đổi rõ rệt của xã hội về vấn đề LGBT. Đã không còn quá nhiều máu, nước mắt và sinh mạng phải đánh đổi vì câu chuyện kỳ thị, định kỳ. 10 năm vừa rồi là 10 năm diệu kỳ với tôi và nhiều bạn bè trong cộng đồng.

Theo hai anh, phong trào LGBT tại Việt Nam sẽ có những thay đổi hay điểm nhấn đáng kể nào trong 10 năm tới?

Lương Thế Huy: Cách tốt nhất để phàn nàn là hành động. Cách tốt nhất để lên kế hoạch cũng là hành động. Hành động mới tạo ra thay đổi. Tôi không đoán nổi 10 năm tới sẽ là viễn cảnh gì, tươi sáng rực rỡ hay ảm đạm hơn. Nên tốt nhất hãy cứ tiếp tục với những gì chúng ta đang có, lần mò thôi sợi chỉ cầu vồng óng ánh để biết nó sẽ dẫn chúng ta tới đâu. Tôi mong các quy định pháp luật sẽ bảo vệ, thừa nhận tốt hơn quyền bình đẳng của người LGBT. Nó không phải là đặc quyền, quyền thêm, quyền mới gì cả, chỉ là quyền được bình đẳng. Mà muốn bình đẳng, thì không thể sống… bình thường được. Nhiều người nhầm lẫn chỗ này, bắt một nhóm đang được đối xử bất bình đẳng phải “im đi mà sống” là một hình thức đàn áp. Mười năm nữa, tôi hy vọng xã hội Việt Nam tất cả đều hiểu cái sự thật này, để không chỉ bâng quơ “Tôi cũng không kỳ thị gì đâu”, mà thật sự lên tiếng “Tôi đồng ý”, khi đó cuộc sống của tất cả sẽ cùng hạnh phúc hơn.

Huỳnh Minh Thảo: 10 năm tới, những vấn đề liên quan tới vận động chính sách sẽ bùng nổ, ví dụ như luật hôn nhân bình đẳng, luật chuyển đổi giới tính, luật dành cho các nhóm non-binary. Đặc biệt, các nhóm cộng đồng sẽ ngày càng tài năng, chuyên môn hóa với việc đi sâu hơn vào các nhóm nhỏ LGBT như người vô tính, người liên giới tính… Các nhóm thiểu số khác trong xã hội cũng sẽ được hưởng lợi với những phong trào mới. Việt Nam là một đất nước khá cởi mở về LGBT nên tôi tin rằng, con đường 10 năm tới sẽ tiếp tục là một con đường đúng đắn.

Xin cảm ơn hai anh vì cuộc trò chuyện hết sức ý nghĩa.

Theo Tri Thức Trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to top