Nguyên nhân khiến nhóm MSM nhiễm giang mai ngày càng tăng

SKĐS – Số lượng bệnh nhân mắc bệnh giang mai đang có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây. Chỉ trong vòng 6 năm, số ca mắc đã tăng gấp ba lần. Đa số ca mắc đều thuộc nhóm MSM do các quan niệm sai lầm về bệnh.

Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu TP.HCM, năm 2014 bệnh viện đã tiếp nhận khám và điều trị cho 2.091 ca bệnh giang mai, nhưng tới năm 2020 ca bệnh đã tăng lên thành 6.734 ca. Tức chỉ sau 6 năm số bệnh nhân nhiễm bệnh giang mai đã tăng lên gấp ba lần.

Riêng năm 2021, dù Thành phố chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng số ca bệnh giang mai tới thăm khám vẫn ở mức cao với 5.883 ca. Trong 9 tháng đầu năm 2022, bệnh viện cũng đã tiếp nhận hơn 6.279 ca bệnh. Theo dự đoán, số ca bệnh sẽ tiếp tục tăng cao và có thể vượt qua số ca bệnh của năm 2020.

Bác sĩ Đoàn Văn Lợi Em, Phó Trưởng Khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, tỷ lệ nhiễm giang mai trên đối tượng MSM (nam có quan hệ tình dục đồng giới) là rất cao, nếu năm 2008 tỷ lệ là 0,89%, nhưng tới năm 2018 đã tăng lên 6,7%.

Bác sĩ Lợi Em giải thích: “Nguyên nhân nhóm đối tượng MSM có tỷ lệ nhiễm bệnh cao hơn là do nhóm này thường có tần suất quan hệ tình dục cao và thường quan hệ với nhiều bạn tình “lạ” hơn so với các nhóm đối tượng khác”.

Ngoài ra, nhóm đối tượng này thường quan hệ qua đường miệng và hậu môn và rất ít khi sử dụng biện pháp bảo vệ như bao cao su vì rất khó để sử dụng.

Thậm chí, một số đối tượng còn có quan niệm sai lầm rằng quan hệ qua đường miệng và hậu môn là hành vi tình dục khác với quan hệ tình dục thông thường nên sẽ ít nguy cơ bị lây nhiễm bệnh hơn.

Một nguyên nhân khác là bệnh giang mai không có triệu chứng hoặc triệu chứng không quá rầm rộ nên người bệnh không nhận biết kịp thời để đi khám bệnh. Nhiều trường hợp, bệnh chỉ biểu hiện với một vết loét duy nhất.

Bên cạnh đó, vết loét của giang mai có đặc điểm là thường không đau, không gây khó chịu, nằm ở vị trí khó quan sát như vùng hậu môn nên sẽ bị bệnh nhân bỏ sót. Sau một thời gian, vết loét cũng sẽ tự lành mặc dù không điều trị.

Để có thể điều trị dứt điểm bệnh giang mai cần điều trị song song với bạn tình của bệnh nhân. “Có rất nhiều bệnh nhân tái nhiễm sau điều trị là do vẫn tiếp tục quan hệ với bạn tình cũ đang nhiễm bệnh. Hoặc người nhiễm bệnh không biết bản thân nhiễm bệnh nên vẫn tiếp tục quan hệ với nhiều bạn tình khác khiến bệnh lây lan trong cộng đồng”, Phó Trưởng Khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da liễu TP.HCM chia sẻ.

Theo suckhoedoisong.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to top