Sự nguy hiểm của biến chủng Omicron

Trong vài ngày qua, thông tin về một loại biến chủng mới được coi là có khả năng lây nhiễm hơn cả biến chủng Delta đã tràn ngập trên các trang thông tin truyền thông. Các quan chức y tế lo ngại biến chủng này có thể lây lan nhanh chóng trên toàn cầu vượt qua cả biến chủng Delta. Tuy nhiên, còn quá sớm để kết luận về mức độ nguy hiểm của Omicron.

Chủng Omicron mới được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức đặt tên là Omicron và xếp vào nhóm “biến chủng đáng lo ngại” hôm 26/11. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) cũng xếp biến Omicron vào nhóm “biến chủng đáng lo ngại”, bên cạnh các biến chủng được phát hiện từ trước gồm Beta, Gamma và Delta.

Biến chủng Omicron có tên ban đầu là B.1.1.529, xuất hiện đầu tiên ở Nam Phi và Botswana, hiện đã xuất hiện ở nhiều nước như Israel, Anh, Italy và một số nước châu Âu. Tính đến sáng 5/12, biến chủng Omicron đã xuất hiện tại ít nhất 44 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Biến chủng Omicron gây lo ngại vì có chứa lượng đột biến bất thường, có thể sẽ khiến biến chủng này dễ lây lan hơn hoặc dễ kháng vắc xin và miễn dịch tự nhiên hơn. Các quan chức y tế cho rằng việc quan trọng là phải tìm hiểu tất cả những gì liên quan đến biến chủng Omicron, để có thể đối phó với nó một cách tốt nhất. Mặc dù còn nhiều điều chúng ta chưa biết về Omicron nhưng với số lượng đột biến gây sốc của biến chủng này có thể thấy nó dễ lây truyền và có nhiều khả năng né tránh các phản ứng miễn dịch của cơ thể hơn các biến chủng trước đây.

Hé lộ hình ảnh đầu tiên về siêu biến chủng Omicron

Các nhà khoa học Italy đã công bố hình ảnh cho thấy các đột biến của biến chủng Omicron. Hình minh họa của biến chủng Omicron được Bệnh viện Bambino Gesu công bố ngày 27/11, chỉ ra rằng Omicron có nhiều gai đột biến ở khu vực tương tác với tế bào người. Diện tích tiếp xúc của nó cũng rộng hơn, cho thấy độ lây nhiễm cao hơn Delta. Số đột biến của Omicron là 43, trong khi ở Delta là 18.

 

 

Hình ảnh so sánh biến chủng Delta và Omicron (Ảnh: RT).

Các “điểm nóng” của đột biến được đánh dấu bằng màu đỏ trong hình ảnh được các nhà khoa học công bố.

“Đây là một “bức ảnh” theo nghĩa rất rộng, đó là một mô hình được thực hiện trong phòng thí nghiệm”, thông tin đưa trên hãng tin RIA Novosti cho biết.

Hiện chưa có ý kiến đánh giá từ các nhà khoa học về hình minh họa trên của nhóm nghiên cứu Bambino Gesu.

Theo các nhà nhà khoa học, những thay đổi này cho thấy virus có thể đã trở nên thích nghi tốt hơn đối với cơ thể người. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu những đột biến này kết hợp với nhau có thực sự khiến biến chủng Omicron trở nên nguy hiểm hơn so với các biến chủng trước đó hay không.

Dấu hiệu và khả năng lây nhiễm của Omicron như thế nào?

Theo Hãng tin Reuters, ngày 28-11, bác sĩ Angelique Coetzee, chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi, một trong những người đầu tiên nghi ngờ về sự xuất hiện một biến chủng virus corona khác ở các bệnh nhân, cho biết các triệu chứng của Omicron cho đến nay rất nhẹ và có thể điều trị tại nhà.

Hầu hết bệnh nhân mà bà Coetzee điều trị cảm thấy “rất mệt mỏi”. Theo bà, tình trạng mệt mỏi quá mức có thể là một triệu chứng điển hình khi nhiễm biến chủng Omicron. Không có bệnh nhân nào bị mất vị giác hoặc khứu giác và đây là một chi tiết đáng chú ý.

Theo báo Anh Telegraph, đến thời điểm hiện tại, bác sĩ Angelique Coetzee đã điều trị cho 20 bệnh nhân dương tính nhiễm biến chủng Omicron, hầu hết là nam, còn trẻ. Một nửa trong số họ chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19. Bệnh nhân có thể bị đau cơ và mệt mỏi trong 1-2 ngày, hoặc ho nhẹ. Có một bệnh nhân là bé gái khoảng 6 tuổi bị sốt cao và nhịp tim đập nhanh. Sau 2 ngày theo dõi, tình trạng của bệnh nhân chuyển biến tốt.

Một số chuyên gia cho rằng, nếu Omicron không gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, ngay cả ở những người chưa tiêm, điều đó cho thấy có thể virus đang chuyển sang giai đoạn “bệnh đặc hữu” – nghĩa là virus xuất hiện thường xuyên nhưng dễ kiểm soát hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định điều gì về độc tính của biến chủng Omicron. Mặc dù tất cả bệnh nhân đều khỏe mạnh, có thể vì họ còn trẻ và cơ bản đều không bị bệnh nặng khi nhiễm bất kỳ biến chủng nào. Các bệnh nhân lớn tuổi, chưa tiêm, hoặc có bệnh lý nền như tiểu đường hoặc tim mạch, có thể bị bệnh nặng hơn khi bị nhiễm virus.

 - Ảnh 2.

Đã có một số giả định chưa được kiểm chứng về Omicron như cảnh báo từ tiến sĩ Eric Feigl-Ding, chuyên gia về dịch tễ và là thành viên cấp cao của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), rằng biến chủng Omicron có khả lây lan gấp 500% so với Delta. Ngày 2-12, các nhà khoa học Nam Phi công bố một nghiên cứu sơ bộ cho thấy biến chủng Omicron có nguy cơ gây tái nhiễm COVID-19 cao gấp 3 lần so với các biến chủng Delta hay Beta. Tuy nhiên nghiên cứu này vẫn chưa được bình duyệt, theo Hãng tin AFP. Chúng ta cần các bằng chứng đáng tin cậy hơn để kết luận chính thức về khả năng lây lan của biến chủng này.


WHO kỳ vọng có thêm thông tin về khả năng lây lan của biến chủng Omicron trong vài ngày tới

Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 1/12, bà Maria van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết cơ quan này hy vọng sẽ có thêm thông tin về khả năng lây lan của biến chủng Omicron trong vòng vài ngày tới. Việc liệu Omicron có khả năng lây mạnh hơn các biến chủng trước đó hay có thể lẩn tránh được các loại vaccine hay không vẫn là những câu hỏi lớn mà các nhà khoa học trên toàn thế giới đang chạy đua tìm câu trả lời trong những ngày vừa qua. Cũng theo bà Maria van Kerkhove, dựa trên số lượng lớn đột biến so với Delta hay Beta, có khả năng biến chủng này sẽ làm giảm hiệu quả của vaccine, tuy nhiên các nhà phát triển vaccine cần khoảng 2,3 tuần nữa để kết luận.

WHO và các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng, trong khi các nhà khoa học đang săn lùng các bằng chứng để giải mã biến chủng Omicron, điều các quốc gia cần làm là bình tĩnh, phối hợp chặt chẽ và đẩy nhanh chương trình tiêm chủng cho người dân.

Nguồn: Xóm tổng hợp từ Sức khỏe và đời sống, Báo Nhân Dân Điện tử

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to top