Tổn thương phổi ở người tái nhiễm Covid-19

Theo VnExpress – Tái nhiễm Covid-19 có thể xuất hiện những trường hợp viêm phổi nặng, tắc mạch phổi, thậm chí suy hô hấp cấp tiến triển.

Chị Lê Thanh Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội), chỉ trong 3 tháng đã mắc Covid-19 hai lần. Lần đầu vào cuối tháng 1, chị Thủy mắc Covid-19 nhưng không có triệu chứng, sau 5 ngày thì âm tính. Tháng 3, chị Thủy tiếp tục có kết quả dương tính với Covid-19, lần này chị mệt hơn, ho nhiều, hụt hơi.

“Dù âm tính sau 3 ngày nhưng tôi mệt hơn, hụt hơi, ho dai dẳng hơn 2 tuần. Đi khám và chụp phổi bác sĩ cho biết bị viêm phổi nặng, phổi tổn thương”, chị Thủy nói.

Cũng trải qua lần tái nhiễm Covid-19 sau khi âm tính 15 ngày, anh Phạm Duy Tuấn (Hà Nội) đi khám hậu Covid-19 để kiểm tra tình trạng sức khỏe. Anh Tuấn được chụp X-quang ngực thẳng và chụp CT cho kết quả xơ hóa hậu Covid-19 với hình ảnh đám mờ không đồng nhất ở phổi.

Theo anh Tuấn, ở lần mắc Covid-19 thứ 2 anh có khá ít triệu chứng, cơ bản nhẹ hơn so với lần đầu. Tuy nhiên do tình trạng ho kéo dài nên anh quyết định đi chụp phổi.

Theo bác sĩ Lã Quý Hương, Khoa Nội hô hấp Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, hiện nay chưa có thống kê cụ thể về tỷ lệ xơ phổi sau nhiễm Covid-19 lần đầu cũng như tái nhiễm. Một số người bệnh có nguy cơ cao bị xơ phổi sau Covid-19 bao gồm người bị viêm phổi nặng ở đợt bệnh Covid-19 cấp đặc biệt những người bệnh bị suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS); cần thông khí nhân tạo, cần điều trị ECMO, thời gian nằm viện kéo dài; người bệnh có tổn thương phổi sẵn có, lớn tuổi, hút thuốc lá…

Biểu hiện của xơ phổi có thể bao gồm ho kéo dài, khó thở khi gắng sức hoặc thậm chí ngay cả khi nghỉ ngơi, thăm khám có thể thấy ran nổ ở phổi. Trên phim chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có biểu hiện xơ phổi với nhiều mức độ như dày vách liên tiểu thùy, hình ảnh dạng lưới, giãn phế quản co kéo và điển hình nhất là hình ảnh tổ ong. Chức năng hô hấp suy giảm thường là rối loạn thông khí hạn chế, giảm khả năng trao đổi khí.

Bác sĩ Hương khuyến cáo, ai cũng có nguy cơ tái nhiễm Covid-19, thậm chí tái nhiễm nhiều lần nếu không tuân thủ nguyên tắc phòng dịch bệnh. Dữ liệu Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), cho biết tỷ lệ tái nhiễm đã tăng gấp 15 lần kể từ khi Omicron xuất hiện. Đến nay, số ca tái nhiễm chiếm khoảng 10% tổng số F0 ở Anh. Theo các nhà khoa học, hiện tượng tái nhiễm ngày càng nhiều là do nCoV biến đổi không ngừng và chủng mới có thể né tránh được miễn dịch đã có trước đó trong cơ thể người bệnh cũng như khả năng miễn dịch trong cơ thể giảm dần, không còn đủ để ngăn ngừa virus.

Kết quả của một số nghiên cứu cho thấy, những đợt tái nhiễm sẽ nhẹ hơn so với lần mắc bệnh đầu tiên. Người tái nhiễm có triệu chứng nhẹ dù nhiễm bất cứ biến chủng nào, ngay cả khi kháng thể không đủ mạnh để bảo vệ khỏi lần lây nhiễm thứ 2. Người bệnh giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng cũng như tử vong đặc biệt ở những người đã tiêm vaccine Covid-19.

Bác sĩ Hương cho biết thêm, một số người mắc Covid-19 lần sau nặng hơn lần trước có thể do khả năng miễn dịch của cơ thể yếu, hoặc do các đợt tái nhiễm quá gần nhau. Bên cạnh đó, cơ địa bệnh nền của mỗi người bệnh cũng là nguyên nhân, ví dụ như nhóm người cao tuổi, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, tăng huyết áp, đái tháo đường.

Tái nhiễm Covid-19 có thể không gây nên các triệu chứng nặng nhưng nguy cơ bệnh kéo dài hay hậu Covid-19 vẫn giống như lần đầu với tỷ lệ dao động từ 6-15%, càng nhiễm nhiều lần nguy cơ hậu Covid-19 càng cao. Các triệu chứng hậu Covid-19 thường rất đa dạng như mất ngủ, khó thở, hụt hơi, ho khan, mệt mỏi…

Mặc dù kết quả của một số quan sát cho thấy đợt tái nhiễm Covid-19 thường nhẹ hơn so với lần đầu tiên, tỷ lệ bị viêm phổi cũng như những tổn thương khác cũng thấp hơn khi tái nhiễm. Tuy vậy, tái nhiễm Covid-19 vẫn có thể xuất hiện những trường hợp viêm phổi nặng, tắc mạch phổi, thậm chí có thể có ARDS dẫn đến tử vong đặc biệt ở những người không tiêm được vaccine hoặc tiêm không đầy đủ, suy giảm miễn dịch.

“Nguy cơ tái nhiễm Covid-19 cao hơn ở nhóm người trên 65 tuổi, người suy giảm miễn dịch, người phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, người có nhiều bệnh lý nền, đặc biệt là bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản… “, bác sĩ Hương cho biết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to top