Minh Đức tới Mỹ định cư vào năm 2014 và nhanh chóng đạt được nhiều thành công đáng ngưỡng mộ. Anh từng đảm nhận vai trò giám đốc sáng tạo của tạp chí Resident và hiện đang làm việc cho kênh truyền hình thiếu nhi Nickelodeon. Bên cạnh việc phát triển sự nghiệp, Minh Đức luôn quan tâm đến phong trào LGBT tại Việt Nam cũng như New York.
Phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có buổi trao đổi ngắn với Minh Đức từ New York xoay quanh triển lãm lần này.
Ý tưởng thực hiện triển lãm bắt nguồn từ khi nào?
Ý tưởng bắt nguồn từ khi tôi đến sống ở New York vào năm 2014. Tôi từng nghĩ New York là một nơi cởi mở về vấn đề LGBT, thế nhưng sự thật là cho tới tận hôm nay, vẫn còn rất nhiều bạn trong cộng đồng LGBT không thể sống thật với xu hướng tính dục và bản dạng giới của bản thân. Họ phải đối diện với nhiều vấn đề cũng như áp lực từ gia đình, xã hội, công việc, tôn giáo dẫn đến phải giấu mình.
Thông điệp mà anh muốn gửi đi là gì?
Triển lãm lần này tập trung khai thác nhóm người LGBT gốc Á tại New York chưa công khai. Đó là những cá nhân luôn xây dựng cho mình một vỏ bọc an toàn, phủ nhận hoặc tránh né chủ đề xu hướng tình dục nhằm tạo ta một hình tượng “đúng chuẩn”. Tuy nhiên, họ vẫn có nhu cầu được thể hiện con người thật. Và họ đã làm điều đó thông qua những tấm ảnh.
Tôi đã hỏi ý kiến và nhận được sự chấp thuận của một số bạn để sử dụng ảnh của họ cho triển lãm. Đáng tiếc, phần lớn vẫn không sẵn sàng cho dù danh tính không hề bị tiết lộ. Thông qua những bức ảnh, tôi muốn thể hiện cái mâu thuẫn đó nhằm giúp mọi người có cái nhìn đa dạng, cởi mở hơn đối với LGBT. Đặc biệt, tôi hy vọng những bạn chưa sẵn sàng công khai có thêm động lực để thoát khỏi cái bóng tối đang ngự trị trong lòng và bước ra ánh sáng, sống thật với bản thân.
Tôi có sử dụng hình ảnh của chính mình, cũng là một cách để mình vượt qua rào cản trước đây. Đây cũng là cách mình đặt bản thân khỏi vùng an toàn và chấp nhận những góc khuất trong tâm hồn.
Một số tác phẩm được trưng bày tại triển lãm
Anh nghĩ như thế nào về nhu cầu sống thật của người LGBT?
Cực kỳ quan trọng. Rất nhiều trường hợp do không thể sống thật đã dẫn đến các hành động tiêu cực đáng tiếc. Nếu áp lực được gỡ bỏ, các bạn LGBT sẽ có một cuộc sống thoải mái hơn cũng như dành thêm nhiều thời gian và năng lượng cho những hoạt động tích cực, đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Điều này phải dựa vào chính bản thân các bạn ấy, nhưng nếu xã hội cởi mở hơn thì mình nghĩ sẽ là động lực rất lớn tiếp thêm sức mạnh cho họ.
Nhiều người cho rằng những cá nhân LGBT chưa công khai, hoặc kết hôn giả để che giấu bản năng tự nhiên của mình là hèn nhát, ích kỷ. Anh nghĩ như thế nào về quan điểm này?
Hèn nhát, ích kỷ là những tính từ quá nặng nề để nói về họ. Bất kỳ ai trong hoàn cảnh đó đều có những câu chuyện, khó khăn riêng. Thay vì lên án bài xích, tôi nghĩ nên có cái nhìn bao dung và thấu hiểu từ chính những bạn trong giới LGBT trước tiên, rồi đến xã hội tạo một môi trường cởi mở mới có thể giải quyết vấn đề này.
Năm 2008, anh là một trong những nhiếp ảnh gia tham gia Mở – triển lãm ảnh LGBT đầu tiên tại Sài Gòn. Anh có thể kể thêm về trải nghiệm lần đó hay không?
Đó là triển lãm ảnh đầu tiên tôi tham gia. Cảm giác khi ấy rất hồi hộp và lo lắng. Một phần là lần đầu tiên có một triển lãm về đề tài nhạy cảm như thế trong bối cảnh xã hội thời bấy giờ. Hai vì là lần đầu tiên tôi được trưng bày tác phẩm của mình trước công chúng. Phản hồi nhận được rất tích cực. Tôi đã rất vui và tự hào vì có thể chung sức cất lên tiếng nói của cộng đồng LGBT Việt. Đó là cảm hứng và động lực để tôi thực hiện buổi triển lãm này.
Tôi cảm thấy năng lực của bản thân có ý nghĩa hơn khi sử dụng nó để đóng góp cho những hoạt động xã hội, mang tới cái nhìn tích cực và thay đổi những quan điểm rào cản cũ kỹ đang đè nặng lên những bạn LGBT trong xã hội.
Anh là một người đồng tính công khai. Vậy liệu có sự khác biệt nào giữa một người đồng tính sống tại Sài Gòn và một người đồng tính sống tại New York hay không?
Sự khác biệt có lẽ là cộng đồng LGBT tại Mỹ được bảo vệ bởi luật pháp, và có nhiều quyền lợi hơn so với cộng đồng LGBT tại Việt Nam. Ví dụ như quyền kết hôn đồng giới. Mặc dù vậy, Sài Gòn đang ngày càng phát triển và hội nhập. LGBT đã được nhìn nhận thoáng hơn và thể hiện rõ thông qua các kênh thông tin đại chúng. Sự cởi mở đó là tín hiệu vô cùng tích cực, và là điểm tương đồng ở 2 nơi tôi sinh sống.
Việc tổ chức một triển lãm ảnh tại New York có gặp nhiều khó khăn không?
Tôi mới sống ở New York được 5 năm. Phần lớn thời gian tôi vẫn chưa hội nhập kịp với môi trường và văn hóa mới cho nên chưa sẵn sàng cởi mở về bản thân với những người quen biết ở New York. Việc tổ chức triển lãm với sự thiếu hỗ trợ về kinh phí tổ chức, địa điểm, công sức và các mối quan hệ hỗ trợ là khó khăn rất lớn. Với tôi, triển lãm này là một thử thách và cơ hội để tôi vượt ra khỏi giới hạn của bản thân. Rất may, tôi đã nhận được sự hỗ trợ của GAMPIMNY – một tổ chức chuyên về quyền lợi cộng đồng LGBT gốc Á ở New York và một số bạn bè khác để buổi triển lãm được diễn ra suôn sẻ.
Anh nghĩ như thế nào về đời sống của cộng đồng LGBT tại New York – nơi đã diễn ra cuộc bạo loạn Stonewall làm dấy lên phong trào LGBT trên toàn cầu vào năm 1969?
Sau sự kiện chấn động đó lan ra khắp thế giới cất lên tiếng nói của cộng đồng LGBT thì đời sống LGBT ở New York cũng như ở Mỹ và toàn thế giới đã chuyển biến vô cùng tích cực. Hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới đã diễn ra ở nhiều nước và chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh cởi mở hơn, tôn trọng bình đẳng và đa dạng không chỉ về giới tính mà còn rất nhiều khía cạnh khác của xã hội.
Anh có ý định đưa triển lãm “In the Closet” về Việt Nam hay không?
Tôi rất muốn điều đó thành sự thật nếu được sự hợp tác và hỗ trợ từ các tổ chức cũng như cơ quan truyền thông để mang thông điệp này đến với các bạn Việt Nam
Cám ơn anh rất nhiều!