Điều trị bệnh HIV như thế nào?
Nhiễm HIV là một bệnh mãn tính, ngày nay có thể điều trị kiểm soát. Phương pháp điều trị nhằm mục đích kìm hãm sự phát triển của virus HIV trong cơ thể bằng thuốc kháng vi-rút được gọi là ART (Anti Retroviral Therapy). Các loại thuốc được dùng để điều trị kiểm soát HIV được gọi chung là ARV (viết tắt của Anti RetroViral) giúp kìm hãm sự phát triển của vi-rút trong cơ thể, cải thiện sức khoẻ thể chất, góp phần làm cho cuộc sống trở nên thoải mái hơn. Đặc biệt, những người sống chung với HIV đang điều trị bằng ARV và đạt tải lượng vi rút ở mức không phát hiện được trong máu thì không có nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục (K=K).
-
HIV/AIDS là gì, có chữa khỏi được không?
AIDS là Hội chứng suy giảm miễn dịch gây ra bởi virus HIV gây suy giảm miễn dịch ở người bằng cách giết chết hoặc phá hủy các tế bào miễn dịch CD4 của cơ thể, cơ thể con người không thể chống lại bệnh này. Bị nhiễm HIV không có nghĩa là bạn bị AIDS. Với các loại thuốc phù hợp, bạn có thể bị nhiễm HIV trong nhiều năm hoặc nhiều thập kỷ mà không bị HIV tiến triển thành AIDS. AIDS được chẩn đoán khi bạn bị nhiễm HIV cũng như một số bệnh nhiễm trùng cơ hội nhất định hoặc số lượng tế bào CD4 của bạn giảm xuống dưới 200.
HIV/AIDS là bệnh mãn tính và hiện chưa thể chữa khỏi. Tuy nhiên việc điều trị HIV bằng thuốc ARV có thể giúp hệ miễn dịch chống lại HIV, kiềm chế HIV phát triển, giảm tải lượng vi rút đến ngưỡng Không phát hiện = Không lây truyền qua đường tình dục (K=K) . Ngoài ra có thể sử dụng các loại thuốc khác để điều trị các triệu chứng của bệnh. Duy trì chế độ, thói quen sinh hoạt điều độ cũng có tác dụng giảm diễn tiến của bệnh.
-
Cần làm gì khi nhận kết quả dương tính với HIV?
Nếu kết quả xét nghiệm dương tính ở khâu sàng lọc bằng huyết thanh học như: HIV test nhanh, HIV Combi PT, HIV Combo Ag/Ab..., có nghĩa là người bệnh có thể bị nhiễm HIV, khi đó người bệnh cần làm xét nghiệm HIV khẳng định (hoặc sinh học phân tử tùy đối tượng), kết quả xét nghiệm này sẽ cho biết chính xác người bệnh bị nhiễm hay không.
Khi nhân được khẳng định kết quả HIV dương tính, người bệnh chắc chắn không khỏi hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên việc hoang mang lo lắng không thể thay đổi được thực tế, người bệnh nên nhanh chóng thoát khỏi tư tưởng tiêu cực và quyết định sống chung với căn bệnh của mình. Hãy tìm đến bác sĩ ngay để tiến hành điều trị sớm nhất cũng như được tư vấn cách sống chung với HIV an toàn.
-
Làm thế nào để phòng tránh lây nhiễm HIV cho người thân?
HIV khó lây nhiễm qua tiếp xúc thông thường. Người bệnh cần nắm vững các con đường lây truyền: Đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con để bảo vệ cho người thân.
Dùng thuốc để điều trị HIV đúng cách, đều đặn mỗi ngày, phấn đấu đạt K=K . Tuy K=K chỉ đảm bảo không lây truyền qua quan hệ tình dục, người mẹ điều trị HIV đúng cách sẽ giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV sang con và tỷ lệ lây nhiễm chỉ còn ít hơn 1%.
Cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để phòng tránh lây bệnh cho bạn tình và bảo vệ bản thân khỏi những bệnh lây truyền qua đường tình dục. Khi bị nhiễm HIV thường đồng nghĩa với nguy cơ nhiễm cùng các bệnh lý lây qua đường tình dục tăng lên, nên thường xuyên tầm soát và điều trị sớm.
Không dùng chung bơm kim tiêm, các đồ dùng dễ gây xây sát như bàn chải, dao cạo râu để tránh để người thân chạm vào máu của mình.
Nếu bạn tình có HIV âm tính, nên khuyến khích bạn dùng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) hàng ngày để phòng ngừa HIV. Nếu người thân không may phơi nhiễm HIV mà chưa được bảo vệ thì cần liên hệ ngay bác sĩ để dùng PEP (thuốc dự phòng sau phơi nhiễm HIV).
-
Nhiễm HIV sẽ có các triệu chứng điển hình gì?
Một số người không có dấu hiệu nhiễm HIV trong nhiều năm sau khi bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nhiều người có thể có một số triệu chứng trong vòng 10 ngày đến vài tuần sau khi bị nhiễm bệnh. Những triệu chứng đầu tiên này tương tự như cúm hoặc tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn (mononucleosis) và có thể bao gồm sốt, sưng hạch bạch huyết, đau họng, phát ban và đau cơ. Các triệu chứng này thường biến mất sau một vài tuần và bạn có thể không có triệu chứng này nữa trong vài năm. Cách duy nhất để chắc chắn bạn bị nhiễm HIV là đi xét nghiệm máu.
-
Điều trị HIV ở đâu?
Bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện trở lên có dịch vụ điều trị ARV cho người nhiễm HIV. Một số phòng khám tư nhân cũng đã có dịch vụ này (với hình thức tự chi trả và cả BHYT). Người bệnh có thể đặt hẹn online trên hệ thống của chúng tôi để được khám và điều trị tại một số phòng khám thân thiện với cộng đồng.
Khi sức khỏe ổn định, tùy hoàn cảnh thực tế người bệnh có thể khám và nhận thuốc hàng tháng tại cơ sở y tế nơi sinh sống.
Thuốc ARV được chi trả qua Quỹ bảo hiểm y tế. Do vậy, người nhiễm HIV cần tham gia bảo hiểm y tế để được điều trị ARV liên tục, lâu dài.
-
Tuân thủ điều trị ARV như thế nào?
Điều trị ARV là điều trị liên tục, lâu dài. Tuân thủ ARV là yếu tố quyết định hiệu quả điều trị. Tuân thủ điều trị là dùng đúng thuốc, đúng liều, đúng giờ và đúng cách, đều đặn hàng ngày thực hiện theo chỉ dẫn của cán bộ y tế. Không tuân thủ điều trị dẫn đến kháng thuốc, thất bại điều trị.
Đúng giờ: Để tuân thủ điều trị, có thể sử dụng các biện pháp hỗ trợ như: nhờ người nhắc uống thuốc, hẹn giờ bằng đồng hồ, nhắc trên điện thoại, uống thuốc gắn với một hoạt động hàng ngày như ăn tối.
Đúng loại: Uống đúng loại thuốc ARV mà cơ sở điều trị cấp cho bạn hoặc mua ở nơi khác nhưng vẫn đảm bảo đúng chỉ định của bác sĩ. Tái khám/lấy thuốc đúng hẹn, trong trường hợp không thể đến lấy thuốc đúng hẹn, hãy đi sớm hơn để tránh tình trạng không còn thuốc để uống.
Đúng số lượng: Uống đúng số lượng viên thuốc theo toa thuốc, không nhiều hơn hoặc ít hơn. Có thể sử dụng hộp chia thuốc theo ngày.
Đúng cách: Nếu là thuốc viên cần uống cả viên thuốc, không tự ý bẻ viên thuốc, nghiền thuốc. Đúng số lượng: Uống đúng số lượng viên thuốc theo toa thuốc, không nhiều hơn hoặc ít hơn. Có thể sử dụng hộp chia thuốc theo ngày.
Tái khám đúng hẹn: Tái khám đúng ngày và thực hiện các xét nghiệm cần thiết theo yêu cầu của bác sĩ, bao gồm cả chuẩn bị trước về mặt thể chất lẫn tài chính cho mỗi lần trước khi xét nghiệm. Các báo cáo kết quả xét nghiệm kịp thời sẽ giúp bác sĩ theo dõi tình trạng sức khoẻ của bạn chính xác hơn, ra các quyết định kịp thời giúp tăng hiệu quả của việc điều trị. Nếu là thuốc viên cần uống cả viên thuốc, không tự ý bẻ viên thuốc, nghiền thuốc.
Uống các loại thuốc dự phòng nhiễm trùng cơ hội theo chỉ định của bác sĩ: uống thuốc đúng giờ, đúng loại, đúng số lượng và đúng cách (có thể tham khảo ở phía trên). Việc uống thuốc dự phòng nhiễm trùng cơ hội góp phần cho việc điều trị ARV hiệu quả hơn.
Duy trì một chế độ dinh dưỡng, luyện tập, làm việc và sinh hoạt hợp lý: tham khảo ý kiến của bác sĩ, các chuyên gia y tế về chế độ dinh dưỡng, luyện tập, làm việc và nghỉ ngơi để tăng hiệu quả của việc điều trị ARV cũng như giúp cải thiện hệ miễn dịch.
Sử dụng các biện pháp tình dục an toàn: luôn luôn chuẩn bị các biện pháp bảo vệ an toàn trong khi quan hệ tình dục để tránh lây nhiễm chéo từ người có HIV và/hoặc mang bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Nếu không sử dụng các biện pháp an toàn, có thể dẫn đến tình trạng nhiễm các chủng vi-rút HIV kháng thuốc gây ra thất bại trong việc kháng vi-rút; nhiễm các nhiễm trùng qua đường tình dục khác cũng có thể ảnh hưởng đến việc điều trị ARV, suy giảm hệ miễn dịch hoặc có thể trầm trọng hơn.
Giữ liên hệ thường xuyên với một (hoặc nhiều hơn một) chuyên viên tư vấn về HIV, điều trị ARV: đây là người có thể hỗ trợ bạn trong tất cả các hoạt động kể trên. Nếu xảy ra các vấn đề khác, họ cũng có thể đưa ra những chỉ dẫn hoặc lời khuyên hữu ích dành cho bạn.
-
Bệnh nhân có thể đạt K=K sau bao lâu?
Sau khoảng sáu tháng điều trị, nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt có thể đạt kết quả tải lượng vi rút không phát hiện được trong máu (dưới 200 bản sao/ml máu) thì không lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục (K=K). Lưu ý, K=K không áp dụng cho lây truyền qua đường máu và từ mẹ sang con. Tuy nhiên, khi tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện thì nguy cơ lây nhiễm cho người khác cũng giảm đi đáng kể.
Hỏi đáp về Điều trị HIV
Đặt câu hỏi cho chúng tôi
Nếu bạn không tìm thấy câu trả lời cho những thắc mắc của mình, hãy đặt câu hỏi cho chúng tôi dưới đây