HIV VÀ CÁC NHIỄM TRÙNG LÂY TRUYỀN QUA ĐƯỜNG TÌNH DỤC (STIs)

STIs như Chlamydia, lậu & giang mai có thể làm tăng nguy cơ lây truyền HIV. Được chẩn đoán có STIs cũng là một dấu hiệu cho thấy hành vi tình dục của bạn có nguy cơ nhiễm HIV. Theo các chuyên gia, tỷ lệ hiện nhiễm STIs ở nam quan hệ đồng giới và người chuyển giới cao (>30%). Do đó, chúng ta cùng tìm hiểu kỹ về STIs để kịp thời phòng tránh và điều trị, bảo vệ sức khỏe cho mình nhé!

2,6-8 lần STIs làm tăng nguy cơ HIV đến 8 lần
>30% MSM có ít nhất 1 STIs khi theo dõi theo Nghiên cứu IPERGAY
3-4 triệu bệnh nhân khám và điều trị STIs mỗi năm tại Việt Nam
  • BLTQDTD (STIs) là gì?

    Bệnh lây truyền qua đường tình dục hay nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục STIs được hiểu là một. Đây là những bệnh nhiễm trùng lây lan qua tiếp xúc giữa bộ phận sinh dục, dịch tiết của bộ phận sinh dục của người bị bệnh với niêm mạc (mắt mũi, miệng, âm đạo, hậu môn) với phần da tổn thương của người lành thông qua hoạt động tình dục.

    STIs có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể, thậm chí có thể gây tử vong. Ngoại trừ cảm lạnh và cúm, STIs là loại bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất (dễ lây lan).

    STIs được gây ra bởi nhiễm trùng do vi khuẩn như: Lậu, Chlamydia, Giang mai, bệnh hột xoài...hoặc virus như: HIV, Sùi mào gà sinh dục (HPV), Mụn rộp sinh dục (Herpes), viêm gan B... hay các loại nấm hoặc ký sinh trùng như: Nấm Candida, trùng roi âm đạo...

  • STIs có làm tăng nguy cơ lây truyền HIV?

    STIs có thể làm tăng nguy cơ lây truyền HIV.

    Chẩn đoán STIs là một dấu ấn của hành vi tình dục có nguy cơ, tăng nguy cơ với HIV và nhu cầu PrEP.

    Các STIs có thể làm tăng nguy cơ nhiễm và lây truyền HIV ở nam quan hệ tình dục đồng giới. Ở người mắc lậu hoặc Chlamydia, tăng nguy cơ HIV 3 lần (Kelley et al. AIDS Res Hum Retroviruses 2015) và tăng nguy cơ HIV 8 lần nếu có ít nhất 2 nhiễm trùng trong 2 năm vừa qua (Bernstein et al JAIDS 2010). Ở người mắc Giang mai, tăng nguy cơ HIV 2.6 lần (Solomon et al. CID 2014) và tăng nguy cơ HIV 4 lần nếu được chẩn đoán giang mai trong 2 năm vừa qua (Bernstein et al. JAIDS 2010)

  • Bệnh Chlamydia là gì?

    Một loại vi khuẩn gây ra chlamydia.

    Nhiều người bị chlamydia không có triệu chứng đáng chú ý. Khi các triệu chứng phát triển, chúng thường bao gồm: (1) Đau hoặc khó chịu trong quan hệ tình dục hoặc đi tiểu. (2) Dịch tiết màu xanh lá cây hoặc màu vàng từ dương vật hoặc âm đạo. (3) Đau bụng dưới, (4) Viêm kết mạc, nhiễm trùng hầu họng.

    Nếu không được điều trị, chlamydia có thể dẫn đến các triệu chứng và hệ quả nặng hơn: Viêm niệu đạo, tuyến tiền liệt, Viêm mào tinh hoàn (nam), hoặc viêm cổ tử cung (nữ), Viêm hậu môn-trực tràng, Bệnh hột xoài (hay còn gọi là u hạt lympho sinh dục - LGV), Viêm khớp phản ứng, Bệnh viêm vùng chậu, Khó thụ thai. Nếu phụ nữ mang thai đã bị nhiễm chlamydia có thể truyền cho em bé trong khi sinh. Trẻ có thể phát triển: Viêm phổi; Nhiễm trùng mắt; Mù lòa.

    Thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị chlamydia hiệu quả nhất thường được sử dụng.

  • Bệnh Lậu là gì?

    Bệnh lậu là một vi khuẩn gây bệnh STDs phổ biến khác.

    Bệnh có thể diễn tiến mà không gây triệu chứng khó chịu nên người bệnh dễ bỏ qua. Nhưng khi có mặt, các triệu chứng có thể bao gồm: Xuất hiện chất dịch màu trắng, vàng, màu be hoặc màu xanh lá cây từ dương vật hoặc âm đạo; Đau hoặc khó chịu trong quan hệ tình dục hoặc đi tiểu; Đi tiểu nhiều lần hơn bình thường; Ngứa xung quanh bộ phận sinh dục; Viêm họng, viêm kết mạc, nhiễm trùng lan tỏa.

    Nếu không được điều trị, bệnh lậu có thể dẫn đến các triệu chứng và hệ quả nặng hơn như: Nhiễm trùng niệu đạo; Viêm nhiễm tuyến tiền liệt hoặc viêm mào tinh hoàn (nam), viêm cổ tử cung (nữ); Bệnh viêm vùng chậu, nhiễm trùng tuyến Bartholin; Viêm quanh gan; Khó thụ thai. Người mẹ có thể truyền bệnh lậu cho trẻ sơ sinh khi sinh con. Khi điều đó xảy ra, bệnh lậu có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở em bé. Đó là lý do tại sao nhiều bác sĩ khuyến khích phụ nữ mang thai làm xét nghiệm và điều trị STD nếu có.

    Bệnh lậu thường có thể được điều trị bằng kháng sinh.

  • Bệnh Giang mai là gì?

    Bệnh giang mai là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.

    Bệnh thường không có biểu hiện rõ ràng trong giai đoạn đầu nên ít được phát hiện. Triệu chứng đầu tiên xuất hiện là một vết loét tròn nhỏ, được gọi là chancre (săng). Nó có thể phát triển trên bộ phận sinh dục, hậu môn hoặc miệng. Nó không đau nhưng rất dễ lây nhiễm. Các triệu chứng sau đó có thể bao gồm: phát ban, mệt mỏi, sốt, đau đầu, đau khớp, giảm cân, rụng tóc.

    Nếu không được điều trị, bệnh giang mai ở giai đoạn cuối có thể dẫn đến: Mất thị lực, mất thính giác, mất trí nhớ, bệnh tâm thần, nhiễm trùng não hoặc tủy sống, bệnh tim, thậm chí là tử vong.

    Điều trị giang mai: Giang mai là căn bệnh nguy hiểm, có thời gian ủ bệnh khá lâu. Do vậy nếu không được phát hiện và có phác đồ điều trị giang mai hợp lý, khuẩn giang mai sẽ xâm nhập vào nội tạng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Điều trị giang mai giai đoạn đầu: Giang mai ở giai đoạn đầu rất dễ chữa. Trước tiên bác sĩ sẽ cho người bệnh điều trị bằng thuốc kháng sinh Penicillin. Đây có thể coi là loại kháng sinh đặc hiệu được sử dụng rộng rãi trong việc điều trị giang mai. Nếu người bệnh bị dị ứng với loại kháng sinh này, bác sĩ sẽ đổi sang kháng sinh khác như doxycycline, azithromycin hoặc ceftriaxone. Điều trị giang mai giai đoạn sau: Với bệnh ở giai đoạn sau, đã phát triển nặng hơn gây nhiều biến chứng về nội tạng, thần kinh. Người bệnh sẽ được tiêm tĩnh mạch thuốc penicillin mỗi ngày. Trong quá trình điều trị bệnh giang mai, người bệnh cần tránh quan hệ tình dục cho đến khi những vết loét trên cơ thể lành hoàn toàn và được bác sĩ cho phép.

  • Làm thế nào để khám và chẩn đoán STI?

    Chẩn đoán hầu hết các STI bằng cách sử dụng xét nghiệm nước tiểu hoặc máu.

    Đồng thời, có thể lấy mẫu xét nghiệm bằng cách quẹt một ít bông vào bộ phận sinh dục. Nếu có các vết loét, có thể lấy xét nghiệm tại vị trí loét.

  • Điều trị STIs cần lưu ý gì?

    Phương pháp điều trị được đề nghị cho STIs khác nhau, tùy thuộc vào STIs bạn mắc phải. Điều quan trọng là bạn và bạn tình phải được điều trị STIs thành công trước khi tiếp tục hoạt động tình dục. Nếu không, có thể truyền nhiễm trùng qua lại giữa hai người.

    Chẩn đoán sớm khi có triệu chứng nghi ngờ hoặc thông qua xét nghiệm định kỳ (mỗi 6 tháng) là cách tốt nhất để phát hiện và kiểm soát STIs.

    Để điều trị STIs do vi khuẩn, thông thường, kháng sinh có thể dễ dàng điều trị nhiễm khuẩn. Điều quan trọng là phải dùng tất cả các loại kháng sinh theo quy định. Tiếp tục dùng chúng ngay cả khi bạn cảm thấy tốt hơn trước khi hết lộ trình điều trị. Hãy nói với bác sĩ nếu các triệu chứng của bạn không biến mất hoặc quay trở lại sau khi đã uống tất cả các loại thuốc theo quy định.

  • Biện pháp phòng ngừa STIs?

    Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn và miệng là biện pháp để phòng ngừa STI. Tấm bảo vệ miệng cũng có thể có tác dụng bảo vệ trong quan hệ tình dục bằng miệng.

    PrEP chỉ dự phòng lây nhiễm HIV nhưng không dự phòng được các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như lậu, giang mai hay viêm gan B, C... và không giúp phòng tránh thai.

Hỏi đáp về BLTQDTD

Đặt câu hỏi cho chúng tôi

Nếu bạn không tìm thấy câu trả lời cho những thắc mắc của mình, hãy đặt câu hỏi cho chúng tôi dưới đây

Đặt hẹn xét nghiệm ngay hôm nay >

Hệ thống phòng khám thân thiện bảo mật thông tin
Bác sĩ được tập huấn bởi các tổ chức và chuyên gia quốc tế hàng đầu
Hỗ trợ một phần chi phí cho khách hàng
Scroll to top