Để ứng phó Covid-19, TP HCM triển khai 52 khu cách ly tập trung tổng cộng 4.500 giường; khu cách ly 10.000 chỗ tại Đại học Quốc gia và nhiều trường cũng sẵn sàng.
Theo Sở Y tế TP HCM, trong 52 khu này có hai khu cấp thành phố là Bệnh viện quận 7 (đường Nguyễn Thị Thập) và Bệnh viện Cần Giờ cũ (đường Duyên Hải) có 366 giường. Hai khu cách ly do quân đội quản lý ở Trường Quân sự thành phố (huyện Củ Chi) và ở Trung đoàn 10, Bộ Tư lệnh thành phố (huyện Nhà Bè) với 379 giường; 24 khu cách ly ở 24 quận, huyện tổng cộng 1.122 giường.
Còn lại là 24 khách sạn đã được UBND thành phố đồng ý cho làm nơi cách ly tập trung có thu phí chủ yếu ở các quận, huyện: 1, 7, Tân Bình, Cần Giờ… tổng cộng 2.219 giường. Ngoài ra, có 4 khách sạn làm nơi cách ly các tổ bay, gồm: Park Royal Saigon, Eastin Grand, Đông Đô, Hoa Đệ Nhất tổng công suất 414 giường.
Cùng với đó, thành phố có 5 cơ sở điều trị Covid-19 với tổng cộng 1.955 giường gồm: Bệnh viện dã chiến Củ Chi (huyện Củ Chi), Bệnh viện điều trị Covid-19 đặt tại Trung tâm Y tế Cần Giờ (huyện Cần Giờ), Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 – khu nội trú (TP Thủ Đức); Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (quận 5); Bệnh viện Nhi đồng thành phố (huyện Bình Chánh).
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, từ ngày 16/2, thành phố bắt đầu tiếp nhận khai báo y tế người từ các tỉnh thành khác về thành phố tại sân bay, ga tàu, bến xe, trạm y tế. Đến nay, ngành y tế tiếp nhận 2.134 trường hợp khai báo trong đó 60 người chuyển cách ly tập trung, 10 người cách ly tại nhà, 2.064 tự theo dõi sức khỏe. Hơn 2.110 trường hợp lấy mẫu xét nghiệm, trong đó 1.350 âm tính, 763 đang chờ kết quả.
Tính đến ngày 17/2, TP HCM ghi nhận 210 ca Covid-19, trong đó 165 trường hợp đã điều trị khỏi bệnh, 45 bệnh nhân đang điều trị; 2.251 người đang được cách ly tập trung; 1.837 người đang được cách ly tại nhà và nơi lưu trú. Như vậy, thành phố còn khả năng đáp ứng hơn 2.200 chỗ cách ly tại các khu tập trung.
“Thành phố sẵn sàng triển khai khu cách ly tập trung tại Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, Đại học Quốc gia thành phố; ký túc xá Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP HCM; Học viện Chính trị khu vực 2… với tổng công suất khoảng 10.000 giường”, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, Trưởng ban chỉ đạo chống Covid-19 thành phố nói tại cuộc làm việc với Thường trực Chính phủ hôm 15/2.
Để chủ động đối phó dịch bệnh, trong thời gian tới, ông Phong cho biết thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ trong phòng chống dịch, nhanh chóng truy vết nếu phát hiện ca bệnh.
“TP HCM cũng dự trữ đầy đủ các sinh phẩm, test kit xét nghiệm, khi cần thiết có thể huy động 25.000-30.000 mẫu đơn, thiết lập các đội lấy mẫu, nâng khả năng lấy mẫu gộp lên 200.000 mẫu mỗi ngày”, ông Phong nói và cho rằng thành phố lên phương án đảm bảo khả năng điều trị trong trường hợp có 50-100 người bệnh, dự trù tình huống có 100-200 người bệnh.
Song song đó, thành phố tiếp tục các biện pháp đảm bảo an toàn trong sân bay, chủ động giám sát thân nhiệt nhân viên và hành khách, giám sát ngẫu nhiên một số khách đến từ các địa phương có nguy cơ.
Ngoài ra, nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh xâm nhập TP HCM sau đợt nghỉ Tết, thành phố phối hợp các cơ quan đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra khai báo y tế của hành khách đi máy bay, xe lửa, xe khách… Tùy theo địa phương nơi xuất phát, đơn vị y tế tổ chức giám sát y tế và xét nghiệm phù hợp.
Theo báo cáo của UBND thành phố, từ ngày 5/2 đến 17/2, TP HCM phát hiện 35 trường hợp nhiễm Covid-19 ở cộng đồng, trong đó 9 nhân viên bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất và 26 người khác liên quan nhóm nhân viên này.
Qua đánh giá, hầu hết 35 trường hợp nhiễm không có triệu chứng, không diễn tiến nặng. Nhiều ca có kết quả âm tính nhanh sau thời gian ngắn điều trị. Kết quả giải mã bộ gen, nhiều khả năng các ca xuất phát từ một nguồn lây. Chủng lây bệnh phát hiện không phải biến chủng lây lan nhanh từ Anh.
Thành phố đã điều tra truy vết, phong toả 36 điểm có ổ dịch để tiêu độc, khử trùng, điều tra, xét nghiệm tầm soát, mở rộng tầm soát ở khu nguy cơ. Những nơi có tần suất lây nhiễm cao như quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Phú… đều triển khai khoanh vùng dập dịch triệt để.
Kết quả xét nghiệm 2.946 F1 và F2 của 35 ca bệnh trên không phát hiện thêm ca bệnh. Bên cạnh đó, TP HCM đã xét nghiệm hơn 9.800 người ở các khu vực liên quan ca bệnh và không ghi nhận người nhiễm.
Thành phố cũng đã tổ chức chiến dịch giám sát chủ động theo chỉ đạo của Bộ Y tế đối với các điểm nguy cơ như bến xe, chợ đầu mối, chợ địa phương, khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân… từ 30 Tết đến mùng 3 Tết và đã có hơn 6.500 người được xét nghiệm, tất cả đều âm tính.
Liên quan sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố phối hợp các đơn vị chức năng trong sân bay rà soát bổ sung các biện pháp phòng chống dịch như hạn chế tối đa dịch vụ ăn uống trong sân bay, cách ly tập trung 146 nhân viên bốc xếp… Hàng ngày toàn bộ nhân viên ở sân bay đều được xét nghiệm kiểm tra trước khi vào ca.
Đến nay, TP HCM cơ bản kiểm soát được chuỗi lây nhiễm liên quan ổ dịch ở sân bay Tân Sơn Nhất. Thành phố hiện còn 12 điểm phải phong toả để đảm bảo phòng dịch ở các quận: 3, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Bình và TP Thủ Đức.
Theo VnExpress