Theo VnExpress – Hà Nội nên điều chỉnh cách đánh giá cấp độ dịch bệnh phù hợp với tỷ lệ bao phủ vaccine, tránh tình trạng hàng quán “đóng, mở” liên tục, theo một số chuyên gia.
Sáng 10/1, nhân viên quán cà phê trên phố Đinh Lễ, quận Hoàn Kiếm, lúi húi lau dọn, kê lại bàn ghế để chuẩn bị phục vụ khách tại chỗ, sau nửa tháng mở cửa cầm chừng vì chỉ được bán mang về. Hùng, nhân viên quán, vừa lau cửa kính vừa nói, quán cách Hồ Gươm vài bước chân nên khách chủ yếu ngồi tại chỗ nghỉ ngơi và ngắm cảnh, hai tuần qua “cả ngày chỉ có vài khách quen ghé mua mang về”.
Phố Đinh Lễ thuộc phường Tràng Tiền, đây là một trong 5 phường cấp độ 2 (các phường Phan Chu Chinh, Trần Hưng Đạo, Hàng Trống, Tràng Tiền và Hàng Bạc) được quận Hoàn Kiếm nới lỏng một số hoạt động, cho phép hàng quán (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được bán hàng tại chỗ với điều kiện không quá 50% công suất chỗ ngồi, đảm bảo giãn cách; đóng cửa trước 21h hàng ngày…
Theo công bố cấp độ dịch của Hà Nội hôm 7/1, Hoàn Kiếm vẫn ở cấp độ 3 (vùng cam), ngoài 5 phường được nới lỏng nêu trên, 13 phường còn lại trên địa bàn quận chỉ được bán mang về. Trong thực tế, đây là quận trung tâm thủ đô, diện tích chỉ hơn 5,29 km2, khu phố cổ và phố cũ nhỏ hẹp, nên người dân phường này dễ dàng sang phường khác mua bán, ăn uống.
Hiện Hà Nội xếp loại cấp độ dịch bệnh các đơn vị hành chính trên địa bàn theo tuần, căn cứ vào số ca nhiễm cộng đồng, tỷ lệ tiêm vaccine và năng lực thu dung, điều trị của hệ thống y tế. Trong một tháng qua, do số ca nhiễm ở Hà Nội tăng cao, hàng loạt quận huyện đã ít nhất hai đến ba lần thay đổi cấp độ dịch bệnh từ “vùng xanh” lên “vùng vàng”, “vùng cam”, hoặc ngược lại. Theo đó, hoạt động kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu ở các quận huyện này cũng nhiều lần phải “đóng, mở” tương ứng với diễn biến dịch.
Đơn cử, hai tuần trước, các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng… cấm bán hàng ăn uống tại chỗ nhưng tuần này đã cho mở cửa đón khách. Ở chiều ngược lại, quận Cầu Giấy trở thành “vùng cam” và siết chặt dịch vụ không thiết yếu.
Cứ đến cuối tuần là lại nhấp nhổm theo dõi xếp loại cấp độ dịch, tính toán phương án kinh doanh, chị Ngọc Anh, chủ nhà hàng trên phố Trần Đại Nghĩa, phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) cho rằng thành phố “chỉ nên khoanh vùng ổ dịch, chứ cứ mở ra được ít hôm lại cấm bán tại chỗ thì người dân rất khó ổn định làm ăn”. “Nếu thành phố đã cấm thì cấm chung, tránh việc khách vùng này dồn về vùng kia có khi khó kiểm soát hơn”, chị Ngọc Anh nói thêm.
Anh Trần Quang Huy (phố Đặng Văn Ngữ, quận Đống Đa) cho hay, khi quận này ở cấp độ 3, anh phải đi 5 km sang quận khác để ăn sáng, uống cà phê với bạn bè. “Dù bình thường mới nhưng cảm giác vẫn như đang ở thời điểm áp dụng Chỉ thị 15”, anh nhận xét.
Từ góc nhìn chuyên gia, bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) nêu quan điểm, số nhiễm hàng ngày có thể tăng nhưng không phải là dữ liệu chính quyết định cấp độ dịch bệnh.
“Nên thay đổi cách đánh giá cấp độ dịch bệnh, nếu vẫn áp dụng cách như hiện tại thì Hà Nội nhìn đâu cũng thấy đỏ”, bác sĩ Phúc nêu quan điểm.
Hiện nay tỷ lệ tiêm phủ mũi 2 vaccine phòng Covid-19 của người dân thủ đô từ 18 tuổi trở lên đạt 98,9%. Thành phố đã chủ động phân tầng điều trị và cho F1, F0 triệu chứng nhẹ được cách ly tại nhà và tại tuyến y tế cơ sở.
Với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đã và đang triển khai, dù số ca nhiễm mới ở Hà Nội tăng cao (vượt mốc 2.800 ca vào hôm 9/1) song tỷ lệ ca chuyển nặng và tử vong thấp hơn so với trung bình toàn quốc. Theo ghi nhận của ngành Y tế, trong 7 ngày tính từ 3/1 đến 9/1, tỷ lệ ca tỷ vong ở Hà Nội chiếm hơn 0,4%, còn toàn quốc trên 1,3%.
Ông Phúc cho rằng nên xác định cấp độ dịch căn cứ vào công suất sử dụng giường bệnh tại các trung tâm hồi sức ICU và tỉ lệ bệnh nhân tử vong. Với tiêu chí vaccine, ông cho rằng Việt Nam hiện đã tiêm phủ đa số người dân nên có thể không cần tính tới tiêu chí này.
Ông Phúc phân tích, nếu công suất sử dụng giường bệnh tại các trung tâm hồi sức dưới 70% thì “vẫn an toàn”, trên 75% là nguy cơ “vỡ hệ thống”. Ông nhìn nhận, hệ thống y tế phải nỗ lực tối đa để hạn chế ca chuyển nặng, ca tử vong. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, Hà Nội ghi nhận trung bình mỗi ngày khoảng 2.400 ca nhiễm, số ca tử vong 6-7 ca, nghĩa là tỷ lệ tử vong thấp hơn cúm mùa.
Tiếp cận vấn đề thận trọng hơn, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng khi số ca mắc cao quá có thể dẫn tới quả tải hệ thống y tế và vẫn có thể ảnh hưởng tới ca bệnh nặng, tử vong. Trong khi Nghị quyết 128 của Chính phủ nêu mục tiêu kiểm soát dịch bệnh an toàn, linh hoạt, trong đó quan trọng là không để tăng số ca mắc nặng, tử vong và quá tải hệ thống y tế.
“Trên cơ sở khoa học cũng như quản lý thực tiễn các bệnh truyền nhiễm, vẫn phải quản lý được số ca nhiễm vì từ số ca này mới đánh giá được diễn biến dịch như thế nào”, ông Phu nói. Với cách tiếp cận này, ông cho rằng các cơ quan có thể chuyển đổi hình thức đánh giá cấp độ dịch bệnh bằng cách không báo cáo số ca nhiễm mới hàng ngày, nhưng “hệ thống y tế phải nắm được số liệu để đánh giá tình hình”. Các nước phát triển dù công bố hay không, cơ quan chức năng vẫn theo dõi số ca nhiễm hàng ngày, hàng tuần, để khi F0 tăng cao quá phải đưa ra biện pháp hạn chế đi lại, hạn chế tụ tập đông người…
PGS.TS Trần Đắc Phu đề xuất phân chia hai khái niệm: Người nhiễm là những người xét nghiệm dương tính và bệnh nhân là các trường hợp có triệu chứng.
“Thay đổi hình thức thống kê khi chúng ta phân rõ hai con số giữa ca nhiễm và những người mắc bệnh (có triệu chứng và được điều trị, đi bệnh viện) để đưa ra những đáp ứng cụ thể, trúng hơn trong việc phòng, điều trị và cấp cứu bệnh nhân”, ông Phu chia sẻ.
Trước đó, hôm 9/1, Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ nguy cơ Covid-19, đảm bảo phù hợp với tình hình mới.