Theo VnExpress – Phụ huynh cần điều trị cho trẻ mắc Covid-19 phù hợp theo các mức độ nhẹ, trung bình, nặng; liên hệ với bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường.
Theo hướng dẫn của bác sĩ Nhi khoa, nhóm Bác sĩ Quân y hỗ trợ F0, đối với trẻ ở mức độ nhẹ, phụ huynh có thể điều trị tại nhà dưới chỉ dẫn của nhân viên y tế, cơ sở y tế địa phương. Với nhóm này, trẻ thường chơi tốt, ăn ngon, không có biểu hiện khó thở (nhịp thở bé nhanh, bé thở gắng sức, thở rên, co rút cơ hô hấp).
Nếu chỉ số SpO2 của bé lớn hơn 96%, nên được thở khí trời. Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C, mẹ chườm ấm cho bé và dùng thuốc hạ sốt theo đúng cân nặng (10 – 15mg/kg cân nặng mỗi lần, các liều cách nhau 4 – 6 giờ), với bé khó uống, có thể sử dụng thuốc dạng đạn đặt hậu môn hoặc dùng uống bằng bơm tiêm. Ví dụ: bé 10kg cần dùng liều từ 100-150mg thuốc hạ sốt. Khi bé khó hạ bằng paracetamol, cần dùng xen kẽ với ibuprofen.
Nếu bé khó thở do nghẹt mũi, mẹ nhỏ mũi bằng nước muối ấm khoảng 5 – 6 lần và dùng các lọ xịt như Otriven hoặc Otrivin (theo hướng dẫn của bác sĩ). Nếu dùng máy hút mũi nên dùng nhẹ nhàng và hợp lý để tránh tổn thương niêm mạc mũi của trẻ. Mẹ nên nhỏ nước muối ấm trước khi hút khoảng 5 phút để làm các khối gỉ mũi ẩm dễ vỡ.
Bé lớn mất khứu giác nên cho con ngửi các mùi quen thuộc: chanh, bưởi, cam…
Bài tập ngửi (4 – 6 mùi mỗi ngày)
Bước 1: Ngửi và nhắm mắt. Đưa lên mũi ngửi từ 20 đến 30 giây sau đó nhắm mắt.
Bước 2: Nhớ mùi và nhớ vị. Nhớ lại mùi này trước kia thơm hay khó chịu, nên chọn mùi ưa thích: Hoa, nước hoa…
Bước 3: Lặp lại thành nhiều lần trong ngày để gợi nhớ mùi, giúp trẻ nhanh hồi phục khứu giác hơn.
Trong trường hợp trẻ đau rát họng, họng đỏ, mẹ làm sạch họng bé bằng nước muối sinh lý ấm dạng xịt phun sương hoặc thảo dược như: Mật ong (bé lớn hơn 1 tuổi), bạc hà, tía tô, cam thảo, gừng tươi (thường áp dụng trẻ lớn, người lớn).
Nếu bé đi ngoài, kém ăn, mẹ có thể bổ sung men vi sinh để giúp giảm rồi loạn đường tiêu hóa, kẽm và phải bù nước đường uống orezol theo cân nặng.
Bổ sung Multivitamin các vitamin nhóm B, vitamin D. Đối với trẻ lớn tăng cường uống các loại nước ép, sinh tố, rau xanh; trẻ nhỏ có thể uống theo hướng dẫn bác sĩ.
Các bé đang bú mẹ vẫn tiếp tục bú và đảm bảo mẹ không bị lây chéo bằng cách đeo khẩu trang, kính che giọt bắn và sát khuẩn tay nhanh. Mẹ cho con bú nếu dùng thuốc kháng virus phải được sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, tăng cường ăn nhiều loại chất dinh dưỡng giàu đạm và khoáng để bổ sung sữa cho con.
Ngoài ra, với trẻ lớn, bố mẹ có thể tập thể dục nhẹ nhàng cho con 15 phút mỗi ngày, duy trì các thói quen tốt để giữ tinh thần lạc quan cho con. Các bé cần được điều trị tại nhà hoặc cơ sở cách ly dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
Khi tình trạng của bé ở mức độ trung bình, phụ huynh cần theo dõi chỉ số SpO2, tần số thở, nhịp tim, huyết áp và nhiệt độ của con để báo cho nhân viên y tế đưa ra hướng giải quyết.
Với bé ở mức độ nặng, thường bỏ ăn, ăn kém, bỏ bú, chơi kém, khó thở, môi tím, co rút cơ liên sườn. Mẹ cần ngay lập tức liên hệ với bác sĩ Nhi khoa và CDC trong khu vực để nhập viện.
Phụ huynh cần liên hệ với bác sĩ khi có các dấu hiệu bất thường sau:
– Khi bé sốt trên 38,5 độ C, dùng thuốc hạ sốt nhưng không hạ dù đã phối hợp 2 loại.
– Đo SpO2 dưới 96%. Trẻ nhỏ không thể đo ở tay nên có thể đo ở ngón chân cái, nếu không được, có thể kiểm tra môi bé hồng không, tay chân ấm không, bú dài hơi hay phải thở?
– Biểu hiện khó thở: thở nhanh (trẻ nhỏ hơn 2 tháng: nhịp thở hơn 60 lần/phút; 2 – 11 tháng: nhịp thở hơn 50 lần/phút; 1 – 5 tuổi: nhịp thở hơn 40 lần/phút; lớn hơn 5 tuổi: nhịp thở hơn 30 lần/phút), bé thở gắng sức, thở rên (phân biệt với tắc mũi), co rút cơ giãn sườn, môi tím, đầu ngón tay, ngón chân tay lạnh.
– Bé bỏ ăn, chán ăn, bú kém
– Bé buồn nôn, nôn nhiều, đi ngoài hơn 3 lần một ngày, phân lỏng hoặc tóe nước.
– Bé dị ứng với các thuốc điều trị triệu chứng Covid-19.