Theo SKĐS – Đến chiều ngày 18/2, cả nước đã tiêm trên 190,2 triệu liều vaccine phòng COVID-19, chỉ còn 6 tỉnh bao phủ mũi 2 dưới 90%; Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương tăng cường vận động người dân tiêm vaccine, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tránh bỏ sót.
Cả nước đã tiêm trên 34 triệu liều vaccine phòng COVID-19 mũi 3
Thống kê trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến 14h ngày 18/2 cho biết cả nước đã tiêm tổng cộng 190.215.974 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó ngày 17/2, cả nước tiêm 454.018 liều vaccine phòng COVID-19.
Bộ Y tế cho biết đã tiếp nhận đủ số vaccine phòng COVID-19 mua từ nguồn Ngân sách Nhà nước. Trong tổng số 213,7 triệu liều đã tiếp nhận, đến nay đã phân bổ 125 đợt với tổng số 199,5 triệu liều. Tính đến ngày 17/2, tỷ lệ sử dụng đạt 93,5% số vaccine đã phân bổ 125 đợt.
Số vaccine phòng COVID-19 đã tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên tính đến ngày 17/2 là 171.842.193 liều, trong đó mũi 1: 70.831.500 liều; Mũi 2: 68.410.542 liều ; Mũi bổ sung: 12.509.703 liều; Mũi 3: 20.090.448 liều;
57/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19 trên 90%; chỉ còn 6/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 82% – dưới 90% .
Về tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi đến nay đạt là 16.813.295 liều, trong đó mũi 1: 8.655.222 liều; Mũi 2: 8.158.073 liều.
Hiện 49/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 trên 90%; 9/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 80-dưới 90%. Chỉ còn 5/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 vaccine phòng COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi này đạt từ 73% – dưới 80% .
Bộ Y tế đề nghị các địa phương triển khai bảo đảm tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19; tăng cường vận động người dân tiêm vaccine, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tránh bỏ sót; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rà soát và tổ chức tiêm liều cơ bản và liều bổ sung cho người trên 50 tuổi, người có bệnh nền đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở; Sau khi đã tiêm đủ liều cơ bản thì triển khai tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại theo thứ tự ưu tiên;
Bộ Y tế cho biết Bộ đã và đang chủ động tiếp cận trước các nguồn vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho trẻ em dưới 12 tuổi (trước mắt là vaccine Pfizer theo đa số quốc gia trên thế giới) và tiêm ngay theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Cũng theo Bộ Y tế, trước mắt tiêm vaccine phòng COVID-19 miễn phí cho người dân; sau khi tiêm đủ liều bổ sung, từng bước nghiên cứu cơ chế tiêm vaccine dịch vụ sau khi tiêm đủ 3 mũi
Phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp mắc COVID-19 chuyển biến nặng, tử vong
Nâng cao năng lực thu dung, điều trị; giảm tối đa các trường hợp tử vong; chủ động, sẵn sàng các các biện pháp phòng, chống dịch theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn nhằm phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong; tăng cường theo dõi, giám sát sức khỏe người nhiễm virus để kịp thời liên hệ với cơ sở y tế ngay khi có nhu cầu.
Phân bổ đủ thuốc kháng virus để phục vụ công tác điều trị người bệnh COVID-19. Khuyến khích thành lập các mô hình đội tình nguyện; huy động sự tham gia của các tổ chức tôn giáo, tình nguyện viên…để tổ chức triển khai hoạt động chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng; về cơ bản chuyển điều trị tại cộng đồng.
Rà soát, hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động giáo dục, đào tạo cho từng cấp độ dịch. Tiếp tục chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục đào tạo khi học sinh, sinh viên học trực tiếp; căn cứ vào tình hình dịch bệnh để chỉ đạo tổ chức hình thức dạy học cho phù hợp từng cấp độ dịch.
TP HCM: Xây dựng Hướng dẫn tầm soát, phát hiện sớm, đánh giá nguy cơ, cách chăm sóc, điều trị cho người dân hậu COVID-19
UBND TP HCM đã có Kế hoạch về việc triển khai các hoạt động bảo vệ sức khỏe người dân giai đoạn hậu COVID-19 năm 2022. Theo đó, Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể sau:
– Xây dựng Hướng dẫn tầm soát, phát hiện sớm, đánh giá nguy cơ, cách chăm sóc, điều trị cho người dân hậu COVID-19.
– Phát triển nền tảng số của Thành phố về dữ liệu sức khỏe của người dân hậu COVID-19.
– Thiết lập mô hình tháp 03 tầng chăm sóc sức khỏe cho người dân hậu COVID-19.
– Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu: “Bệnh lý hậu COVID-19″…
Trong đó, mô hình tháp 3 tầng từ tuyến y tế cơ sở đến các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của Thành phố, gồm:
– Tầng 01 (y tế cơ sở): Gồm Trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức, Trạm Y tế phường, xã, thị trấn, phòng khám bác sĩ gia đình thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu COVID-19 và mức độ nhẹ.
– Tầng 02 (bệnh viện đa khoa quận, huyện): Thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu COVID-19 và người mắc bệnh lý hậu COVID-19 mức độ trung bình.
– Tầng 03 (bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối): Thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu COVID-19 và người mắc bệnh hậu COVID-19 mức độ nặng, nguy kịch.