Theo VnExpress – Cụ bà 81 tuổi, đau họng không nuốt được, mất ngủ, thường xuyên bị ám ảnh về căn phòng ICU bà nằm điều trị khi mắc Covid-19.
Hôm 25/2, bà tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khám đi chứng với bệnh nền suy giáp, tiền đình, đau khớp nhẹ.
Năm ngoái, bà điều trị Covid-19 tại viện Nhiệt đới, hôn mê một tháng. Khi khỏi bệnh, cân nặng của bà chỉ còn 38 kg, không đứng dậy được, cơ thể suy kiệt. Bà thường xuyên mất ngủ, mệt mỏi, khó thở, cứ nhớ lại căn phòng điều trị hồi sức tích cực (ICU) và những người bệnh nằm ở giường bên cạnh.
Bác sĩ cho biết cụ bà suy nhược cơ thể rất nặng, khó thở và vấn đề tâm thần. Trong đó, triệu chứng khó thở và ám ảnh tâm lý khả năng cao do Covid-19. Cụ bà cần làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán và điều trị.
Tại hội thảo Tiếp cận và xử trí các bệnh lý hậu Covid-19, sáng 25/2, tiến sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, cho biết rối loạn tâm thần phổ biến trong các vấn đề hậu Covid-19.
Tiến sĩ Hùng dẫn một báo cáo trên thế giới, hồi tháng 10/2021, cho thấy 13% bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng lo âu, 12% chán nản, trầm cảm, 7% trường hợp cần chăm sóc sức khỏe tâm thần và 6% F0 có vấn đề tâm thần khác. Ngoài ra còn một số triệu chứng gồm rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi kéo dài, hội chứng sương mù não hay suy giảm nhận thức. Tiến sĩ Hùng cũng khảo sát trên 107 bệnh nhân Covid-19 tỉnh táo và có khả năng trả lời, điều trị tại viện, có gần 46% bệnh nhân bị rối loạn tâm thần.
Một nghiên cứu của thế giới được đăng tải trên tạp chí Lancet cũng tiết lộ mức độ tổn thương về mặt tinh thần, cảm xúc ở các bệnh nhân Covid-19 rất cao. Các bệnh nhân Covid-19 diễn biến nhẹ hoặc không có triệu chứng bị tổn thương tinh thần ít hơn nhóm phải nhập viện.
Theo tiến sĩ Hùng, các rối loạn này có nguyên nhân trực tiếp do nhiễm nCoV hoặc gián tiếp do tâm lý căng thẳng trong đại dịch. Ví dụ mệt mỏi kéo dài do không ngủ đủ hoặc ngủ không ngon giấc.
Vì vậy, khi người bệnh gặp vấn đề căng thẳng trong Covid-19, cần có phương pháp cân bằng cuộc sống. Biện pháp được tiến sĩ Hùng khuyến cáo gồm tăng cường khoảng thời gian giao tiếp với xã hội, ngủ đủ giấc, cải thiện chất lượng giấc ngủ, thực hiện bài tập, hoạt động thể thao giúp máu lưu thông, để giấc ngủ tốt hơn. Nếu các bài tập đó chưa cải thiện được chất lượng cuộc sống, mọi người nên đến các bệnh viện tâm thần để được bác sĩ điều trị.
Các vấn đề hậu Covid-19 khác gồm các rối loạn về thần kinh và phục hồi chức năng, rối loạn nội tiết, chuyển hóa, rối loạn miễn dịch và chức năng hô hấp. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho rằng các vấn đề hậu Covid-19 là gánh nặng với bệnh nhân, đòi hỏi ngành y tế phải giải quyết.