Theo VnExpress – Giá kit xét nghiệm tăng 15% so với trước Tết, mỗi nơi bán một kiểu, Bộ Y tế ngày 3/3 yêu cầu các nhà thuốc, đại lý bán lẻ, trạm y tế, bệnh viện phải dán công khai giá.
Một tháng qua, số F0 cả nước tăng gần 13 lần, từ hơn 11.500 ca nhiễm hôm 4/2 đến hơn 150.000 vào ngày 2/3. Bộ xét nghiệm Covid-19 bán ở nhiều hiệu thuốc tại Hà Nội đã tăng từ 15% so với trước Tết, mỗi cửa hàng bán một giá; ở Nghệ An có tình trạng khan hàng cục bộ. Trước đó, Công ty Việt Á nâng khống giá bộ xét nghiệm, đang được cơ quan chức năng điều tra…
Hôm 18/2, Bộ Y tế đề nghị đưa bộ xét nghiệm và các mặt hàng y tế chống Covid-19 vào diện bình ổn giá. Một ngày sau, Bộ Y tế điều chỉnh giá dịch vụ xét nghiệm, với chi phí test nhanh không quá 78.000 đồng một mẫu, xét nghiệm PCR mẫu đơn không quá 501.800 đồng; đồng thời cảnh báo về thuốc Covid, kit xét nghiệm giả. Ngày 25/2, Phó thủ tướng Lê Minh Khải yêu cầu Bộ Y tế có giải pháp quản lý, bình ổn giá bộ xét nghiệm.
Thống kê của Bộ Y tế đến ngày 11/2, tổng cộng 169 sản phẩm xét nghiệm Covid-19 được cấp phép. Trong đó, 14 xét nghiệm được sản xuất trong nước gồm 4 xét nghiệm PCR, 3 xét nghiệm LAMP (xét nghiệm huyết thanh học), 4 xét nghiệm kháng thể, 3 xét nghiệm nhanh kháng nguyên. 155 xét nghiệm còn lại được nhập khẩu, gồm PCR 49, xét nghiệm nhanh kháng nguyên 69, xét nghiệm kháng thể 26, xét nghiệm chạy máy miễn dịch 11.
Bộ Y tế cho rằng thị trường còn khan hiếm thiết bị y tế chống dịch và cần đảm bảo chất lượng, giá sản phẩm. Do đó Bộ đề nghị các địa phương tăng cường sản xuất, nhập khẩu mặt hàng này; đồng thời kiểm tra chống buôn lậu, chống gian lận thương mại, hàng giả; các đơn vị niêm yết giá, bán đúng giá thiết bị y tế chống dịch.
Với bộ xét nghiệm, bệnh viện, trạm y tế, nhà thuốc, đại lý bán lẻ phải dán giấy để thông báo chính thức, công khai giá và đảm bảo chất lượng.