Theo VnExpress – Chủng “tàng hình” BA.2 đã xuất hiện ở 92 quốc gia, chiếm ưu thế ít nhất 10 nước, song còn nhiều điều chưa biết về đặc tính của nó, chẳng hạn khả năng tái nhiễm và kháng vaccine.
Đầu năm 2022, các nhà khoa học phát hiện biến chủng phụ của Omicron, gọi là BA.2. Giới chuyên môn gọi BA.2 là biến chủng tàng hình (stealth variant) vì nó không chứa đột biến đặc trưng của Omicron, có thể phát hiện bằng xét nghiệm PCR. BA.2 không gây triệu chứng nghiêm trọng hơn phiên bản gốc BA.1, song lây truyền nhanh hơn. Chỉ trong vòng hai tháng, 92 nước ghi nhận BA.2.
BA.2 khác với BA.1 ở trình tự di truyền, có sự thay đổi về axit amin trong protein gai và các protein khác. Nghiên cứu chỉ ra rằng BA.2 có lợi thế tăng trưởng hơn BA.1. Các nhà khoa học đã ghi nhận một số ca tái nhiễm BA.2 sau khi nhiễm BA.1, tức là mắc Omicron hai lần. Song dữ liệu vẫn cho thấy miễn dịch tự nhiên từ BA.1 đủ mạnh mẽ chống BA.2.
Hồi tháng 2, Viện Huyết thanh Statens (SSI) của Đan Mạch báo cáo biến chủng tàng hình chiếm 69% số ca nhiễm nCoV mới tại nước này.
Ngày 10/2, John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết BA.2 cũng trở thành chủng trội ở Nam Phi. Chủng này cũng xuất hiện tại các quốc gia khác ở châu Phi như Mozambique, Senegal, Botswana, Mauritius, Kenya và Malawi.
Philippines cũng cho biết BA.2 chiếm ưu thế ở hầu hết khu vực. Bộ Y tế (DOH) xác nhận biểu hiện lâm sàng của các bệnh nhân không khác biệt đáng kể so với dòng Omicron ban đầu.
Cơ quan An ninh Y tế Quốc gia Anh (UKHSA), cho biết các ca nhiễm BA.2 tiếp tục phát triển nhanh hơn BA.1 ở tất cả vùng, tỷ lệ cao nhất là ở London (63%) và thấp nhất là khu vực Đông Bắc (33%).
Tại Mỹ, chủng tàng hình lây lan chậm hơn, song gia tăng trong thời gian gần đây. Theo CDC Mỹ, tính đến ngày 5/3, BA.2 chiếm 11,6% trong số các biến chủng đang lưu hành tại nước này. Các nhà khoa học đang theo dõi sự gia tăng của biến chủng. Giống với Philippines, họ cho rằng BA.2 không nghiêm trọng như phiên bản gốc của Omicron.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng trước cũng nhận định biến chủng có ưu thế lây truyền, song không gây triệu chứng nặng hơn.
Các ca mắc mới của Mỹ giảm trong tuần gần đây, sau khi ở mức cao nhất vào tháng 1. Các biến chủng phụ khác của Omicron kể từ tháng 12/2021, được gọi là BA.1.1 và B.1.1.529, lần lượt chiếm khoảng 73% và 14% trong các biến chủng lưu hành.
Ấn Độ báo cáo số ca biến chủng tàng hình tăng vọt. Tiến sĩ Rajeev Jayadevan, đồng chủ tịch Lực lượng Đặc nhiệm Covid-19 IMA Quốc gia, nhận định biến chủng đã thúc đẩy làn sóng thứ ba tại Ấn Độ. Song, ông cho rằng nó không đáng lo ngại, sẽ không dẫn đến một đợt bùng phát nghiêm trọng, rằng BA.2 không tái nhiễm cho người từng mắc BA.1. Tuy nhiên hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh khả năng “không tái nhiễm” này.
Ấn Độ đang trong giai đoạn Omicron suy yếu, đường dịch tễ đi ngang. Song tiến sĩ Jayadevan cảnh báo nCoV vẫn tồn tại, người dân cần làm mọi cách để ngăn ngừa lây nhiễm. “Dịch bệnh sẽ lên xuống thất thường. Khi biến chủng tiếp theo xuất hiện, sẽ có một đợt bùng phát mới. Chúng ta không biết khi nào điều này xảy ra, theo lịch sử y khoa, giai đoạn đó có thể là từ 6 đến 8 tháng tới”, ông nói.
Nhìn chung, ở hầu hết các nước, BA.2 lan rộng đáng kể nhưng chưa tạo ra sự khác biệt rõ rệt về độ nghiêm trọng. Các chuyên gia còn nhiều điều chưa biết về đặc tính biến chủng phụ này, chẳng hạn khả năng tái nhiễm và kháng vaccine. Các nghiên cứu về biến chủng cho kết quả không đồng nhất. Các báo cáo của cơ quan y tế Anh cho thấy liều vaccine nhắc lại hiệu quả như nhau trong phòng chống nhiễm BA.1 và BA.2. Tuy nhiên, nghiên cứu sơ bộ chưa được bình duyệt của Nhật Bản cho thấy BA.2 có thể gây ra triệu chứng nặng hơn BA.1.
Tại Việt Nam, chủng tàng hình lần đầu được ghi nhận tại TP HCM và đang chiếm ưu thế so với chủng Omicron gốc BA.1, số ca nhiễm tăng cao nhanh chóng. Trong làn sóng dịch năm 2021, chủng Delta chiếm ưu thế ở Việt Nam.