Theo tuoitre.vn – Theo các chuyên gia, hệ miễn dịch là cơ quan phòng thủ và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh. Khi virus, vi khuẩn, nấm hoặc các yếu tố gây bệnh khác xâm nhập cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công và phá hủy các tác nhân này.
Thông thường hệ miễn dịch có thể tự điều chỉnh, tuy nhiên khi mắc virus như SARS-CoV-2, hệ miễn dịch có thể bị rối loạn dẫn tới hình thành các bệnh lý tự viêm và tự miễn.
Rối loạn hệ miễn dịch dẫn tới các bệnh lý tự viêm và tự miễn
Các chuyên gia cũng lý giải rằng, cơ chế của các rối loạn này có thể do bản thân virus có cấu trúc tương tự mô hoặc cơ quan nào đó trong cơ thể dẫn tới “vũ khí” của hệ miễn dịch – kháng thể tự miễn – nhận diện chính các cơ quan đó là đích tấn công tương tự như tấn công virus.
Hoặc cũng có thể do virus gây phá hủy tế bào, làm bộc lộ những phân tử của cơ thể mà hệ miễn dịch chưa biết đến và tấn công các phân tử đó. Cơ chế thứ ba là virus có thể làm biến đổi các kháng nguyên tự thân, làm cho hệ miễn dịch không nhận diện được và gây ra phản ứng”.
Nhiều kháng thể tự miễn tồn tại dai dẳng trong cơ thể bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 và là nguyên nhân gây ra khởi phát các bệnh lý tự miễn mà trước đó chưa có khi bệnh nhân chưa nhiễm COVID-19 như: Lupus ban đỏ hệ thống; Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch; Nhược cơ, hội chứng Guilain-Barre…
Ngoài ra một số bệnh tự miễn khác cũng được ghi nhận khởi phát sau khi mắc COVID-19: Hội chứng khô (khô mắt, khô miệng và khô niêm mạc), bệnh Kawasaki (một bệnh viêm niêm mạc da, mạch máu và hạch bạch huyết chủ yếu được tìm thấy ở trẻ em), viêm khớp dạng thấp và viêm da cơ.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Đĩnh, trưởng đơn nguyên dị ứng – miễn dịch lâm sàng, trưởng khoa nội tổng hợp Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City, rối loạn miễn dịch là nguyên nhân của tất cả các biểu hiện nghiêm trọng của COVID-19 từ cơn bão cytokine cho đến các biểu hiện dai dẳng trong hậu COVID-19.
“Các nghiên cứu gần đây cho thấy nguy cơ gia tăng của tình trạng hậu COVID-19 ở những bệnh nhân có sự lưu hành các kháng thể tự miễn, minh chứng cho vai trò của rối loạn trong đáp ứng miễn dịch.
Hơn nữa, một nguyên nhân gây ra hậu COVID-19 có thể là do sự tái hoạt động của virus do virus có thể tồn tại lâu dài ở các cơ quan do hệ miễn dịch không có khả năng loại bỏ virus hoàn toàn. Điều này có thể lý giải cho việc các triệu chứng hậu COVID-19 có thể xuất hiện ngay ở những bệnh nhân nhiễm COVID-19 nhẹ”, BS Đĩnh nhấn mạnh.
Điều trị hậu COVID-19 đúng cách
Các triệu chứng hậu COVID-19 hay gặp nhất bao gồm: khó thở, rối loạn nhận thức, trí nhớ (sương mù não) và mệt mỏi. Đặc biệt, có một số yếu tố nguy cơ có thể gia tăng khả năng gặp hậu COVID-19 như: tuổi cao, mắc COVID-19 mức độ nặng, có bệnh lý nền mạn tính, béo phì, nghiện rượu.
Vì vậy, nhận thức đúng đắn để phát hiện và có phương pháp tiếp cận điều trị đúng cách là cần thiết, nhưng các bác sĩ cũng khuyến cáo mọi người không nên quá lo sợ khi “hội chứng hậu COVID-19” được nhắc đến quá nhiều.
The BS Đĩnh, quản lý hậu COVID-19 là sự phối hợp đa chuyên khoa vì các triệu chứng thường đan xen và biểu hiện ở nhiều chuyên khoa.
“Người bệnh cần được sàng lọc cẩn thận các triệu chứng để xác định đúng chuyên khoa, vấn đề gặp phải, để được thăm khám và điều trị kịp thời cũng như loại bỏ những triệu chứng không liên quan đến COVID-19 để tránh tâm lý lo lắng và chi phí khám chữa không cần thiết”, BS bổ sung thêm.