Khuyến nghị cập nhật về điều trị, phòng ngừa HIV

(Chinhphu.vn) – Bệnh nhân HIV/AIDS cần được điều trị càng sớm càng tốt sau khi chẩn đoán HIV. Đặc biệt, cần giải quyết các rào cản đối với việc chăm sóc, bao gồm bảo đảm khả năng tiếp cận điều trị ARV và hỗ trợ tuân thủ điều trị.

Hiệp hội kháng virus quốc tế- Hội đồng Hoa Kỳ vừa trình bày các khuyến nghị cập nhật về việc sử dụng thuốc kháng virus trong điều trị và phòng ngừa HIV…

Bằng chứng liên quan đến khuyến nghị đã được nghiên cứu từ tháng 1/2020 đến tháng 10/2022.

Theo đó, các tác giả lưu ý nên bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng virus càng sớm càng tốt sau khi chẩn đoán HIV. Cần giải quyết các rào cản đối với việc chăm sóc, bao gồm bảo đảm khả năng tiếp cận điều trị ARV và hỗ trợ tuân thủ điều trị.

Nền tảng chính của liệu pháp ban đầu vẫn là chế độ điều trị có chứa chất ức chế chuyển chuỗi tích hợp (INSTIs). Đối với những người đã đạt được sự ức chế virus bằng chế độ thuốc uống hàng ngày, có thể chuyển sang lựa chọn liệu pháp tiêm tác dụng kéo dài với cabotegravir cộng với rilpivirine, được cung cấp 2 tháng/lần.

Vấn đề tăng cân và các biến chứng chuyển hóa có liên quan đến một số loại thuốc kháng virus, do đó cần có chiến lược mới để cải thiện những biến chứng này.

Ngoài ra, cần lưu ý, kiểm tra các bệnh lý đi kèm trong suốt cuộc đời của người bệnh. Việc này đặc biệt quan trọng, bởi những người nhiễm HIV đang sống lâu hơn và đối mặt với những thách thức về sức khỏe của tuổi già.

Thêm vào đó, quản lý rối loạn sử dụng chất gây nghiện ở người nhiễm HIV đòi hỏi một cách tiếp cận tích hợp, dựa trên bằng chứng. Các lựa chọn điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) bao gồm thuốc uống (tenofovir disoproxil fumarate hoặc tenofovir alafenamide cộng với emtricitabine) và thuốc tiêm tác dụng kéo dài như cabotegravir…

Các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu gần đây, như đại dịch COVID-19 và sự bùng phát virus mpox, tiếp tục có ảnh hưởng lớn đến những người nhiễm HIV và việc cung cấp dịch vụ. Để giải quyết những thách thức này, một cách tiếp cận dựa trên sự công bằng là rất cần thiết.

Mặc dù, những tiến bộ trong kết quả điều trị và phòng ngừa HIV tiếp tục được cải thiện, nhưng vẫn còn rất nhiều những thách thức và cơ hội.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hiện cả nước đang điều trị cho khoảng 161.000 người, trong đó có hơn 85.000 bệnh nhân điều trị ARV thanh toán qua nguồn bảo hiểm y tế, chiếm khoảng 53% tổng số bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc ARV; đến ngày 19/8/2021 đã điều trị viêm gan C miễn phí được 1.623 bệnh nhân là người đồng nhiễm HIV/viêm gan C tại 30 tỉnh (86 cơ sở).

Bên cạnh đó, chương trình Methadone đã được triển khai tại 341 cơ sở điều trị của 63 tỉnh, thành phố, điều trị cho hơn 52.000 bệnh nhân. Tính đến hết tháng 10, tại 3 tỉnh, thành phố thực hiện đề án thí điểm đã có hơn 1.100 bệnh nhân được cấp thuốc Methadone mang về nhà. Cũng đến hết tháng 10, hơn 800 bệnh nhân tham gia điều trị Buprenorphine tại 8 tỉnh, thành phố.

HIV/AIDS vẫn đang là gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam khi mỗi năm Việt Nam phát hiện mới hơn 12.000 người nhiễm HIV và khoảng 2.000 người nhiễm HIV tử vong.

Xu hướng trẻ hoá người nhiễm HIV đang trở thành thách thức lớn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS khi thời gian hoàn thành mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 ngày càng rút ngắn. Do đó, Việt Nam đang chú trọng nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về HIV/AIDS cho thanh niên trong bối cảnh hiện nay.

Kết thúc dịch AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà kết thúc dịch AIDS có nghĩa là khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng.

Mục tiêu kết thúc dịch AIDS là khi Việt Nam đạt được các tiêu chí: Số người nhiễm HIV phát hiện dưới 1.000 ca mỗi năm. (Hiện nay >10.000 ca/năm); tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến AIDS <1/100.000 dân (hiện nay, ước tính 3,5 người/100.000 dân); tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con <2% (hiện nay 6%).

Theo teingchuong,chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to top