Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có dấu hiệu lan ra cộng đồng, nhiều người nhiễm HIV cũng đang lo lắng trước nguy cơ thiếu thuốc và quá trình điều trị bị gián đoạn. Đặc biệt là khi nhiều thông tin cho rằng thuốc điều trị HIV rất hiệu quả trong việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Tại Trung Quốc, khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đỉnh điểm lúc quốc gia này phát hiện trên 74.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và có tới 2.100 người chết vì loại virus nguy hiểm này, những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS khi đó đã phải đối diện nguy cơ hết thuốc kháng để cứu mạng vì các biện pháp cách ly và phong tỏa nhằm ngăn chặn virus chủng mới Corona gây dịch COVID-19 lây lan. Đáng lưu ý, có bệnh nhân còn cho rằng do những phác đồ điều trị hiệu quả của thuốc điều trị HIV cho bệnh nhân COVID-19, khiến họ thiếu thuốc điều trị HIV.
Vào thời điểm gần cuối tháng 2, Cơ quan phối hợp phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) cho biết, đã thực hiện khảo sát hơn 1.000 người nhiễm HIV ở Trung Quốc và phát hiện dịch COVID-19 do virus corona chủng mới (nCoV) có “tác động lớn” với cuộc sống của họ.
Gần 1/3 trong số các bệnh nhân được khảo sát cho biết họ gặp nguy cơ không tiếp tục nhận được đợt điều trị HIV trong những ngày tới vì lệnh hạn chế đi lại và phong tỏa để ngăn chặn virus corona chủng mới lây lan tại các thành phố ở Trung Quốc.
Để giải quyết vấn đề này, một nhân viên tình nguyện về AIDS ở Trung Quốc đã lập một nhóm với hơn 100 người nhiễm HIV, đa số ở tỉnh Hồ Bắc, nơi bùng phát dịch COVID-19 và đã bị phong tỏa hoàn toàn trong một thời gian dài, để chia sẻ lượng thuốc điều trị dù chỉ còn rất hạn chế. Giai đoạn này nhiều người nhiễm HIV/AIDS tại Trung Quốc đã rất khó khăn để có thể tiếp cận được với thuốc điều trị.
Tại Việt Nam, tính ngày 17/4, Việt Nam phát hiện 268 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 160 người từ nước ngoài (chiếm 59,7%) và 108 người lây nhiễm trong cộng đồng (chiếm 40,3%). Con số này hoàn toàn chênh lệch so với Trung Quốc, bởi tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc phát hiện hơn 82.600 trường hợp mắc bệnh và có đến hơn 4.000 trường hợp tử vong.
Như vậy, Việt Nam vẫn đang kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh. Có được kết quả trên là do những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt và đúng đắn của lãnh đạo Chính phủ, Đảng và nhà nước. Tuy nhiên, nếu người dân chủ quan, lơ là, không nỗ lực chung tay phòng chống dịch bệnh thì việc bùng phát dịch bệnh giống như Trung Quốc là điều khó tránh khỏi, đến lúc đó người nhiễm HIV/AIDS có thể sẽ nguy cơ cao khó tiếp cận được với thuốc điều trị.
Chị N.T.H (Hà Nội) bệnh nhân đang điều trị HIV cho biết, đọc được những thông tin về nhiều người nhiễm HIV/AIDS ở Trung Quốc không được tiếp cận với thuốc điều trị vì thiếu thuốc, chị rất lo lắng, sợ nhỡ nếu dịch bùng phát, không nhận được thuốc điều trị thì chị khó sống nổi. Bởi những người nhiễm virus HIV như chị sức đề kháng rất kém. Nhưng lúc này, chị chỉ biết giữ gìn sức khỏe thật tốt, thực hiện theo những khuyến cáo phòng tránh COVID-19 và hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế. Để cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh chị cũng tuyên truyền cho những bạn bè, người thân thực hiện tốt cách phòng tránh lây nhiễm COVID-19.
Phụ trách một nhóm đồng đẳng viên ở Hải Phòng, chị N.T.D cho biết, toàn bộ số thuốc chị đang điều trị là từ Ấn Độ nên chị băn khoăn không biết trung ương sẽ làm thế nào để bảo đảm thuốc cho người nhiễm trong tình hình dịch COVID-19 như thế này. Do phụ trách nhóm đồng đẳng viên, chị N.T.D cũng đã nhận được nhiều cuộc điện thoại của những người nhiễm HIV chia sẻ những băn khoăn lo lắng về việc thiếu thuốc HIV và nguy cơ khó nhận được thuốc khi bị cách ly.
Anh V.N.S, một người nhiễm HIV ở Quảng Ninh cho biết, bản thân anh nhận thuốc 3 tháng/lần tại Trung tâm Y tế huyện gần nhà nên anh không lo lắng nhiều, tuy nhiên anh vẫn đi làm nên lo ngại nhỡ mắc phải virus SARS-CoV-2 thì không biết anh sẽ ra sao.
Bên cạnh việc lo ngại thiếu thuốc ARV, khó tiếp cận được với thuốc, những người nhiễm HIV còn lo ngại lộ danh tính nếu mắc COVID-19. Do đó, hơn ai hết, trong lúc này họ đều mong dịch bệnh qua mau để có thể ổn đinh cuộc sống.
Giải đáp những thắc mắc, lo ngại của những người nhiễm HIV trong gia đoạn dịch bệnh COVID-19, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thuốc điều trị HIV còn gọi là thuốc kháng ARV có rất nhiều loại, hiện nay ở Việt Nam có thuốc ARV – phác đồ bậc 1 mà đa số người nhiễm HIV ở Việt Nam đang dùng chiếm tới 80%-90%.
Đối với phác đồ bậc 2, là loại thuốc mà một số nghiên cứu từ một số quốc gia trên thế giới cho thấy là có khả năng ức chế được virus SARS-CoV-2, loại virus gây ra đại dịch COVID-19 đang hoành hành tại các quốc gia trên thế giới như hiện nay. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều những nghiên cứu hơn nữa để khẳng định hiệu quả thực sự của loại thuốc này đối với bệnh nhân COVID-19.
Tại Việt Nam, tỉ lệ người nhiễm HIV điều trị phác đồ bậc 2 rất thấp, chỉ khoảng dưới 5%, do đó PGS.TS Đỗ Duy Cường cho rằng những người nhiễm HIV không nên lo lắng về việc thiếu thuốc. Tuy nhiên, do người nhiễm HIV phải chịu những ảnh hưởng những khó khăn khác, chẳng hạn như đi lại, lo ngại bị kỳ thị, lo ngại mắc các bệnh nền khác nên nguy cơ bị thất bại điều trị, kháng thuốc nếu người nhiễm HIV/AIDS không được tiếp cận điều trị.
Để người nhiễm HIV được điều trị bền vững và tránh bị mắc COVID-19, PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, bên cạnh việc thực hiện tốt những khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Bộ Y tế, người nhiễm HIV nên có những mối quan hệ chặt chẽ với bác sĩ, nhân viên y tế tại địa phương để nếu gặp bất cứ vấn đề gì về sức khỏe có thể liên hệ, hỏi bác sĩ từ xa. Đối với các phòng khám và các nhà quản lý cần phải có những thông tin rộng rãi cho các bệnh nhân để bệnh nhân được biết. Ví dụ như phòng khám nào đang bị cách ly, các bệnh nhân đang bị cách ly … để sẵn sàng dự trù thuốc, bảo đảm đủ thuốc cho người bệnh.
Hiện nay, để bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh, chúng ta đang thực hiện việc giãn cách xã hội vì vậy để bệnh nhân không bị gián đoạn trong điều trị, PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo bệnh nhân nên thực hiện theo những hướng dẫn của Bộ Y tế cho những bệnh nhân điều trị HIV/AIDS.
Nhằm bảo đảm điều trị cho người nhiễm HIV trong tình hình dịch, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã ban hành những hướng dẫn cụ thể gửi các bệnh viện, Sở Y tế các tỉnh/thành và các cơ sở y tế có phòng khám, điều trị nội trú cho người nhiễm. Đồng thời, đưa ra những phương án cụ thể để điều trị liên tục cho người nhiễm trong tình hình dịch COVID-19. Bên cạnh đó, ngành Y tế yêu cầu các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh bảo đảm không để lộ danh tính và tạo điều kiện tối đa cho bệnh nhân HIV/AIDS tiếp cận điều trị.
Theo tiengchuong.vn