Tổ chức Y tế Thế giới và Chương trình phối hợp Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cảnh báo việc trì hoãn điều trị có thể khiến hơn nửa triệu người mang “H” tử vong.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định đây là “viễn cảnh tồi tệ”, giống như một bước lùi của lịch sử y khoa.
“Chúng tôi nhắc đến điều này để cảnh tỉnh các quốc gia, kêu gọi họ tìm kiếm những biện pháp duy trì dịch vụ y tế thiết yếu”, ông Tedros phát biểu hôm 11/5. Người đứng đầu WHO cũng nhấn mạnh cần đảm bảo xét nghiệm và điều trị đầy đủ cho cả bệnh nhân HIV vào lao phổi đến từ các cộng đồng yếu thế.
Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc cho biết gián đoạn điều trị HIV trong vòng 6 tháng Covid-19 có thể khiến số ca tử vong do AIDS lên 673.000 người. Điều này khiến thế giới không thể đạt mục tiêu toàn cầu năm 2020: ít hơn 500.000 người chết vì “căn bệnh thế kỷ”.
Kể từ khi Covid-19 bùng phát, hàng loạt bệnh viện và cơ sở y tế trên thế giới phải dừng điều trị và cung cấp thuốc HIV cho bệnh nhân, tập trung nguồn lực giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19. Một số phòng khám và trung tâm xét nghiệm HIV được chuyển thành khu điều trị nCoV. Những người nhiễm HIV/AIDS, đặc biệt là ở các khu vực có hệ thống y tế chưa phát triển, chịu nhiều ảnh hưởng.
Hồi tháng 3, chính quyền Ai Cập thông báo các bệnh viện, cơ sở duy nhất phân phối thuốc cho người nhiễm HIV, sẽ được điều phối để xét nghiệm và cách ly tạm thời người nhiễm nCoV. Nhiều bệnh nhân HIV cho biết họ không thể tới mua thuốc bởi lo ngại lây nhiễm chéo.
Sự gián đoạn cũng có thể đảo ngược thành tựu nhiều năm nỗ lực ngăn ngừa HIV/AIDS lây truyền từ mẹ sang con của các quốc gia châu Phi. Kể từ năm 2010, số ca nhiễm HIV ở trẻ sơ sinh tại lục địa đã giảm 43% nhờ việc mở rộng dịch vụ xét nghiệm, điều trị cho cả sản phụ và trẻ nhỏ. Song con số có chiều hướng gia tăng khi Covid-19 quét qua. Winnie Byanyima, giám đốc điều hành của UNAids, nhấn mạnh đại dịch không nên là cái cớ để lơ là việc chống lại HIV/AIDS.
Nhiều chuyên gia cũng lo ngại các biện pháp cứng rắn, bao gồm phong tỏa, hạn chế đi lại và cấm tụ họp đông người có thể ảnh hưởng đến quyền tiếp cận dịch vụ y tế thiết yếu của người dân.
Điều này từng diễn ra trong dịch Ebola. John Campbell, thành viên cấp cao của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Washington, mới đây cho biết trong cuộc khủng hoảng năm 2014, nguồn lực y tế hạn chế đã được chuyển hướng để sử dụng cho các bệnh nhân Ebola. Người mắc sốt rét và HIV/AIDS dường như bị bỏ rơi trong cuộc chiến.
Cuối cùng, dịch Ebola trực tiếp giết chết 11.000 bệnh nhân, song khoảng 10.000 người mắc bệnh khác đã tử vong bởi không được điều trị.
Gần đây, số ca nhiễm nCoV mới tại châu Phi tăng mạnh. Các khu vực như Nam Phi, Ghana, Ai Cập, Algeria, Morocco và Nigeria bắt đầu báo cáo hàng trăm trường hợp dương tính mỗi ngày.
Bên cạnh đó, lục địa đang đối mặt với cuộc khủng hoảng bởi hệ thống y tế lạc hậu, lỏng lẻo và đầy lỗ hổng. Những căn bệnh bùng phát theo mùa như sốt xuất huyết, sốt rét, sốt vàng da vốn là nỗi đau đầu của chính phủ các nước, ngay cả trước khi Covid-19 quét qua.
Theo Vnexpress