300.000+

Xét nghiệm HIV

Hơn 300.000 người sử dụng dịch vụ xét nghiệm & tự xét nghiệm HIV tại cộng đồng

81.000+

Sử dụng PrEP

Hơn 81.000 người đã & đang sử dụng biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)

)
Fanpage
Xóm cầu vồng

Trang dành cho cộng đồng đồng tính nam lớn nhất tại Việt Nam

Tham gia ngay a
Fanpage
cô nàng gợi cảm

Trang thông tin và chia sẻ hướng đến cộng đồng chuyển giới nữ cùng các thông tin cổ vũ phong trào LGBT

Ghé thăm ngay a
Fanpage
PrEP4U

Trang chiến dịch PrEP4U - PrEP cùng bạn! dành cho nhóm đối tượng học sinh, sinh viên

Tham gia ngay a

THÔNG TIN NỔI BẬT

Tiêm tế bào máu làm đẹp, 3 phụ nữ Mỹ bị nhiễm HIV

Tiêm tế bào máu làm đẹp, 3 phụ nữ Mỹ bị nhiễm HIV

(NBC News) Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ ghi nhận ba phụ nữ nhiễm HIV sau khi tiêm tế bào máu để xóa nhăn, căng da mặt.

Thông tin được CDC Mỹ nêu trong một cuộc họp hôm 26/4. Phương pháp họ sử dụng gọi là trẻ hóa da Vampire Facelift, tức là sử dụng huyết tương trong tế bào máu để làm đẹp.

Trường hợp đầu tiên ghi nhận tại VIP Spa ở Albuquerque, Mexico, vào năm 2018. Bệnh nhân cho biết cô không tiêm chích ma túy, truyền máu hoặc quan hệ tình dục với người nhiễm HIV, song đã sử dụng phương pháp tiêm tế bào máu. Vụ việc khiến Bộ Y tế New Mexico phải xét nghiệm miễn phí cho bất kỳ ai tiêm thuốc ở cơ sở này. Vào thời điểm đó, Bộ cho biết spa đã đóng cửa. Nhà điều tra xác định “dịch vụ của cơ sở có khả năng làm lây lan bệnh nhiễm trùng qua đường máu”.

Hai trường hợp phát hiện mới đây cũng chăm sóc da mặt theo phương pháp tiêm tế bào máu Vampire Facelift tại VIP Spa năm 2018. Một người được chẩn đoán nhiễm HIV giai đoạn sớm năm 2019, người còn lại bị bệnh năm 2023, nhập viện với các triệu chứng nghiêm trọng.

CDC Mỹ cho biết VIP Spa không có giấy phép hoạt động, không áp dụng các biện pháp an toàn thích hợp. Cuộc điều tra chung của CDC và Sở Y tế New Mexico đã tìm thấy giá đựng ống máu không nhãn mác trên quầy bếp, trong tủ lạnh nhà bếp, bên cạnh các loại thực phẩm và thuốc tiêm ở spa. Các điều tra viên cũng phát hiện ống tiêm không được bọc nilon, để trong ngăn kéo, trên quầy và trong thùng rác.

Năm 2022, chủ spa đã nhận 5 tội danh nghiêm trọng về y tế và bị kết án 3,5 năm tù. CDC và các điều tra viên cuối cùng xác định 59 khách hàng có thể đã phơi nhiễm HIV. Trong số đó, 20 người từng sử dụng liệu pháp tiêm tế bào máu Vampire Facelift.

Vampire Facelift là phương pháp cấy vi điểm huyết tương giàu tiểu cầu vào da mặt. Các chuyên gia sẽ tách huyết tương từ máu và tiêm vào da mặt bằng kim nhỏ. Phương pháp được quảng cáo là làm đầy làn da chảy xệ, giảm sự xuất hiện của sẹo mụn hoặc nếp nhăn. Một số cơ sở sử dụng máu tự thân của khách hàng để giảm khả năng phơi nhiễm, song một số nơi dùng nguồn máu và huyết tương bên ngoài. Theo Học viện Da liễu Mỹ, có rất ít bằng chứng cho thấy phương pháp này hiệu quả. Tuy nhiên, liệu pháp an toàn nếu máu được xử lý đúng cách.

HIV lây truyền qua tiếp xúc chất dịch cơ thể người nhiễm bệnh, cụ thể là máu và tinh dịch. HIV tấn công hệ miễn dịch, nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn tới AIDS, gây tử vong.

Theo CDC, các cơ sở spa cung cấp dịch vụ tiêm thẩm mỹ nên có biện pháp kiểm soát nhiễm trùng thích hợp để ngăn ngừa lây truyền HIV và các mầm bệnh truyền nhiễm qua đường máu.

Theo VNExpress

Mở rộng điều trị, củng cố năng lực toàn diện phòng, chống HIV/AIDS

Mở rộng điều trị, củng cố năng lực toàn diện phòng, chống HIV/AIDS

(Chinhphu.vn) – Để đạt được mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng. Đồng thời, việc bảo đảm nguồn lực tài chính, nhân lực cũng là yếu tố quyết định thành công của kế hoạch phòng, chống HIV, tiến tới đạt được các mục tiêu đã đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS

Theo ước tính của Bộ Y tế, tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng 249.000 người nhiễm HIV đang sống trong cộng đồng. Trong năm qua, Việt Nam ghi nhận 13.445 trường hợp nhiễm HIV mới và 1.623 ca tử vong liên quan đến AIDS.

Tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ bán dâm được kiểm soát dưới 3%, nhưng tỉ lệ này ở nhóm nghiện chích ma túy là 9,03% và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tăng đáng báo động, từ 6,7% năm 2014 lên 12,47% năm 2022.

Năm 2023, Việt Nam đã triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ dự phòng, xét nghiệm đến chăm sóc, điều trị. Độ bao phủ các dịch vụ này liên tục được mở rộng và nâng cao chất lượng. Nhiều mô hình, sáng kiến mới đã được áp dụng để phù hợp với bối cảnh dịch HIV thay đổi.

Cụ thể, cả nước đã triển khai tư vấn xét nghiệm HIV cho hơn 2,7 triệu lượt người, phát hiện 18.700 trường hợp dương tính. Gần 85.000 người nghiện chích ma túy được tiếp cận chương trình bơm kim tiêm an toàn, hơn 98.000 người thuộc nhóm nguy cơ cao được phát miễn phí bao cao su và chất bôi trơn.

Việt Nam cũng dẫn đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) với 67.183 khách hàng được điều trị PrEP trong năm 2023, đạt 122% so với chỉ tiêu đề ra. Đến cuối năm 2023, cả nước có 178.928 bệnh nhân đang điều trị ARV, cao hơn kế hoạch là 178.000 người.

Về thực hiện Chiến lược 95-95-95, Việt Nam đạt 88% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm; 80% trong số này được điều trị ARV và 98,3% người điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.

Những khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống HIV/AIDS

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức lớn trong cuộc chiến chống HIV/AIDS. Trước hết, dịch HIV đang lây lan nhanh trong nhóm thanh niên trẻ, đặc biệt là nam quan hệ đồng giới, song chưa có biện pháp can thiệp hiệu quả cho nhóm đối tượng này.

Điều đáng lưu tâm là dịch HIV đang lan rộng nhanh trong nhóm thanh niên trẻ tuổi từ 15-30, đặc biệt là nam giới quan hệ đồng giới. Tại một số địa phương, tỉ lệ người nhiễm HIV là MSM chiếm tới 50-70% số ca nhiễm mới được phát hiện. Nguyên nhân chính là do hành vi quan hệ tình dục không an toàn, di biến động giữa các địa phương và thiếu các biện pháp can thiệp hiệu quả cho nhóm MSM.

Bên cạnh đó, tình hình nghiện ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng nhưng chưa có giải pháp can thiệp, dự phòng và điều trị đặc thù. Nguồn nhân lực, kinh phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương cũng đang thiếu hụt trầm trọng.

Đáng lưu tâm, việc cung ứng thuốc ARV điều trị HIV gặp nhiều khó khăn do vấn đề về đấu thầu, mua sắm. Một số thuốc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng chưa được đăng ký lưu hành tại Việt Nam, ảnh hưởng đến công tác dự phòng lây nhiễm cho trẻ em.

Ngoài ra, tính bền vững của nguồn lực tài chính cũng là một trong những trở ngại quan trọng hướng đến chấm dứt dịch AIDS vào 2030. Việc phụ thuộc vào tài trợ quốc tế và sự suy giảm của các nguồn tài chính trong nước đặt ra thách thức lớn cho tính bền vững của các chương trình và hoạt động phòng chống HIV/AIDS trong tương lai

Tập trung giải pháp trọng tâm: Tăng cường can thiệp, mở rộng điều trị

Để đạt được mục tiêu đề ra, Kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS, năm 2024 ngành y tế tập trung những các nhóm giải pháp chính sau:

Đổi mới công tác truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV

Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về HIV/AIDS, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và nhóm nguy cơ cao. Đồng thời, tăng cường truyền thông tạo nhu cầu tiếp cận các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS, đặc biệt là cho nhóm thanh niên trẻ và MSM.

Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức & giảm kì thị trong cộng đồng (Trong ảnh, Truyền thông do DNXH Xuân Hợp thực hiện tại Đồng Nai). Ảnh: Tống Nam

Công tác can thiệp giảm hại sẽ đa dạng hóa các mô hình cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm miễn phí cho các nhóm nguy cơ cao. Đặc biệt, Kế hoạch đặt mục tiêu đạt 71.000 người được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) ít nhất một lần trong năm 2024, tăng gần 30% so với năm 2023.

Mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tư vấn xét nghiệm HIV

Kế hoạch 2024 nhấn mạnh việc đa dạng hóa các hình thức tư vấn xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, cộng đồng, lưu động và tự xét nghiệm. Ưu tiên xét nghiệm HIV cho nhóm MSM, đặc biệt là MSM trẻ tuổi tại các trường học và khu công nghiệp. Triển khai nhiều mô hình xét nghiệm tự nguyện, tích hợp trong các cơ sở y tế, giáo dục để tiếp cận tốt hơn các nhóm nguy cơ. Nâng Tỉ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV lên 90%.

Nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS

Đối với công tác điều trị, Việt Nam tiếp tục thực hiện điều trị ARV sớm, thúc đẩy điều trị ARV trong ngày và điều trị ARV nhanh. Đồng thời, mở rộng điều trị HIV/AIDS trong các trại giam, trường giáo dưỡng và cơ sở cai nghiện để đảm bảo duy trì điều trị liên tục. Kế hoạch cũng đề cập đến việc triển khai sàng lọc, chuyển tiếp và quản lý các bệnh không lây nhiễm ở người bệnh HIV.

Về phối hợp HIV/Lao, mục tiêu đặt ra là 92% bệnh nhân đồng nhiễm HIV/Lao được điều trị đồng thời ARV và điều trị Lao. Ngoài ra, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương mở rộng điều trị viêm gan C cho người nhiễm HIV và bệnh nhân điều trị Methadone.

Tăng cường năng lực hệ thống và đảm bảo nguồn lực

Kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 cũng chú trọng tới việc củng cố và tăng cường năng lực hệ thống các tuyến, bảo đảm nguồn nhân lực và tài chính cho công tác này.

Về nhân lực, Bộ Y tế sẽ kiện toàn tổ chức và đảm bảo đủ nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại các tuyến. Đồng thời, tăng cường các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn chuyên môn, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác này.

Về tài chính, Bộ Y tế sẽ bố trí ngân sách trung ương để triển khai các nhiệm vụ, hoạt động năm 2024, đảm bảo tính bền vững của công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, đôn đốc các địa phương phê duyệt Kế hoạch đảm bảo tài chính nhằm chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030 và bố trí kinh phí theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, doanh nghiệp xã hội và nhóm cộng đồng trong cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, nhằm đảm bảo tính bền vững của chương trình trong bối cảnh ngân sách nhà nước bị cắt giảm.

Với Kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 toàn diện, Việt Nam một lần nữa thể hiện quyết tâm trong cuộc chiến chống lại đại dịch HIV/AIDS. Các giải pháp can thiệp, điều trị và nâng cao năng lực hệ thống được kỳ vọng sẽ kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, đặc biệt trong nhóm thanh niên và MSM – những nhóm nguy cơ cao hiện nay.

Tuy nhiên, thách thức vẫn còn rất lớn khi dịch HIV/AIDS đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới trong nhóm MSM trẻ tuổi gia tăng nhanh. Để đạt được mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng. Đồng thời, việc bảo đảm nguồn lực tài chính, nhân lực cũng là yếu tố quyết định thành công của kế hoạch phòng, chống HIV, tiến tới đạt được các mục tiêu đã đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Theo Tiếng Chuông Chính Phủ

Hợp đồng xã hội – giải pháp giúp hướng tới kiểm soát hiệu quả dịch HIV/AIDS ở Việt Nam

Hợp đồng xã hội – giải pháp giúp hướng tới kiểm soát hiệu quả dịch HIV/AIDS ở Việt Nam

SKĐS – Hợp đồng xã hội là một trong những giải pháp giúp Việt Nam đạt được mục tiêu quốc gia về dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV thông qua mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức cộng đồng cung cấp cho các nhóm đối tượng đích.

Hiện nay, đề án “Thí điểm mua sắm dịch phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội” đã được triển khai tại 9 tỉnh, thành phố bao gồm: Nghệ An, Đồng Nai, Tây Ninh, Điện Biên, Tiền Giang, Hải Phòng, Bình Dương, Cần Thơ và Kiên Giang, đã cung cấp dịch vụ phòng chống HIV cho gần 4.000 khách hàng thông qua 20 hợp đồng ký kết thành công với 13 tổ chức cộng đồng và doanh nghiệp xã hội.

Báo cáo đánh giá giữa kỳ của Đề án thí điểm giai đoạn 2022-2024 (tháng 3/2024) cho thấy, hợp đồng xã hội (HĐXH) là một trong những giải pháp giúp Việt Nam đạt được mục tiêu quốc gia về dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV thông qua mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ HIV do các tổ chức cộng đồng cung cấp cho các nhóm đối tượng đích.

Qua hơn 2 năm triển khai thí điểm, tất cả các đơn vị tham gia vào đề án đều cho thấy năng lực về quản lý, điều phối và thực hiện chương trình được nâng cao, từ cấp trung ương đến cấp tỉnh và các tổ chức cộng đồng. Với hầu hết các tỉnh có sự tham gia tích cực từ lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh và mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa cơ quan cấp tỉnh và tổ chức xã hội, việc triển khai các hoạt động thí điểm gặp nhiều thuận lợi và đạt kết quả rất khả quan. Hầu hết các tổ chức xã hội k‎ý hợp đồng đều hoàn thành chỉ tiêu của các gói dịch vụ.

Nhận định của các ban, ngành liên quan trong thực hiện Hợp đồng xã hội cho thấy, việc nhân rộng mô hình HĐXH sử dụng ngân sách nhà nước là có khả năng triển khai. Về phía các tổ chức xã hội, 93% nhân viên tiếp cận cộng đồng mong muốn tiếp tục tham gia khi chuyển sang sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để tiếp tục triển khai HĐXH trong tương lai, các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội cần thực hiện một số nội dung sau:

Cần có các quy định pháp lý và văn bản hướng dẫn

Báo cáo đánh giá giữa kỳ chỉ ra rằng tại cấp Trung ương, cần có các quy định pháp lý và văn bản hướng dẫn bao gồm Nghị định hoặc Quyết định của Thủ tướng về Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước và việc sử dụng ngân sách địa phương cho hoạt động HĐXH cung cấp dịch vụ phòng chống HIV/AIDS.

ThS.BS Đỗ Hữu Thủy, Phó Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: “Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1387/QĐ-TTg phê duyệt các danh mục dịch vụ y tế, dân số nhưng hầu hết các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS không nằm trong danh mục này nên không sử dụng tiền ngân sách để ký hợp đồng được. Nghị định 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ Quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước chỉ thực hiện với các đơn vị sự nghiệp công lập. Các tổ chức xã hội không phải đơn vị sự nghiệp công lập nên không áp dụng được Nghị định 32”.

Đề cập tới các quy định pháp lý và văn bản hướng dẫn, ông Nguyễn Quốc Đạt – Trưởng Khoa Phòng chống HIV/AIDS – Trung tâm Kiểm soát Bệnh Tật tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Để có được nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ, cần phải có khung pháp lý phù hợp từ Trung ương hướng dẫn. Trên cơ sở đó, các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là đơn vị Phòng, Chống HIV/AIDS mới có thể tham mưu cho Sở Y Tế và Uỷ Ban Nhân dân xin ý kiến Sở Tài Chính cấp kinh phí cho hoạt động này”.

Bên cạnh đó, cũng cần phải có các quy định về giám sát chất lượng dịch vụ do các tổ chức xã hội cung cấp. Theo ThS. Đoàn Thị Kim Phượng – Phó Khoa Phòng chống HIV/AIDS – Trung tâm Kiểm soát Bệnh Tật tỉnh Cần Thơ, cần có thêm những quy định trong việc kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ do các tổ chức xã hội cung cấp.

Có định mức kinh tế kỹ thuật và khung giá dịch vụ phù hợp Ông Nguyễn Quốc Đạt – Trưởng Khoa Phòng chống HIV/AIDS – Trung tâm Kiểm soát Bệnh Tật tỉnh Tiền Giang

Để triển khai thí điểm, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã ban hành hướng dẫn về định mức kinh tế – kỹ thuật và đơn giá cho từng gói dịch vụ. Theo kết quả đánh giá giữa kỳ, 80% nhân viên tiếp cận cộng đồng cho biết họ được nhận hỗ trợ tài chính/lương đủ để cung cấp các dịch vụ và 71% nhận xét khoản hỗ trợ đi lại để cung cấp dịch vụ hiện đang được tính trong giá của gói dịch vụ là phù hợp với thực tế. Do đó, vẫn còn một số tổ chức xã hội cho rằng, đơn giá hiện đang áp dụng cho thí điểm là thấp và chưa phù hợp với thực tế, cần bổ sung thêm chi phí tiền lương, hỗ trợ đi lại, kinh phí truyền thông tạo cầu và chi phí vận hành tổ chức.

ThS. Đoàn Thị Kim Phượng – Phó Khoa Phòng chống HIV/AIDS – Trung tâm Kiểm soát Bệnh Tật tỉnh Cần Thơ chia sẻ: “Định mức, đơn giá cần có điều chỉnh phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương, vùng miền và từng đối tượng khách hàng để hấp dẫn tổ chức xã hội khi tổ chức đấu thầu rộng rãi”.

Tiếp tục nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật

Các tổ chức xã hội cũng cần được tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn cũng như hoàn thiện tư cách pháp nhân để có thể tham gia HĐXH và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Ông Đoàn Ngọc Hùng – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Điên Biên chia sẻ: ” Các tổ chức về xã hội trên địa bàn của tỉnh Điện Biên là những tổ chức nhỏ lẻ không có tư cách pháp nhân. Năng lực, trình độ, kỹ năng triển khai những hoạt động về cung ứng dịch vụ phòng chống HIV của các nhóm tổ chức xã hội trên địa bàn còn hạn chế… Do đó, cần tiếp tục hỗ trợ các tổ chức cộng đồng xây dựng năng lực để đăng ký tư cách pháp nhân; tăng cường cơ chế trao đổi kiến thức, hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên giữa Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, cơ sở y tế và các tổ chức xã hội cũng cần được thực hiện một cách thường xuyên và liên tục”.

Ông Võ Thanh Nhơn – Quyền Giám đốc – Trung tâm Kiểm soát Bệnh Tật tỉnh Tiền Giang

Cùng quan điểm với ông Hùng, ông Võ Thanh Nhơn – Quyền Giám đốc – Trung tâm Kiểm soát Bệnh Tật tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Các tổ chức xã hội không phải là đơn vị chuyên môn sâu về y tế nên trình độ, kiến thức, kỹ năng còn nhiều hạn chế. Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cập nhật kiến thức về HIV, kỹ năng tiếp cận khách hàng để dễ dàng tiếp cận, tư vấn cho khách hàng””.

Ngoài ra, kết quả đánh giá giữa kỳ cũng cho thấy các tổ chức xã hội cần nâng cao hơn nữa các kỹ năng về quản trị tổ chức, quản lý tài chính, năng lực tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ.

Mô hình hợp đồng xã hội sử dụng ngân sách địa phương được đánh giá có tính khả thi với điều kiện đảm bảo đầy đủ khung pháp lý và hướng dẫn từ Trung ương để địa phương thực hiện. Đồng thời các TCXH cũng cần đảm bảo năng lực cung cấp dịch vụ và tư cách pháp nhân. Do đó, việc hoàn thiện khung pháp lý và hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội là việc làm cần thiết trong thời gian tới.

Theo Sức khỏe Đời sống

Scroll to top