(Chinhphu.vn) – Nhìn chung, trên bình diện toàn khu vực, số nhiễm HIV mới ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong độ tuổi thanh thiếu niên (15 – 24) chiếm đến 26%, và 99% trong số này là người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV và bạn tình của họ.
Nhân Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12), phóng viên Trang tin Tiếng chuông – Trang tin của Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm có cuộc phỏng vấn ông Taoufik Bakkali, Quyền Giám đốc, Văn phòng Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tỉ lệ hiện nhiễm HIV liên tục tăng trong các nhóm đích trẻ
Xin ông cho biết diễn biến dịch HIV trên thế giới và các vấn đề nổi cộm trong đáp ứng với dịch HIV ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương?
Ông Taoufik Bakkali: Báo cáo tiến độ phòng, chống AIDS toàn cầu năm 2022 của UNAIDS cho thấy đáp ứng với HIV đang có nguy cơ đi chệch quĩ đạo, chậm tiến độ trong việc thực hiện các mục tiêu toàn cầu đến năm 2025 về phòng, chống AIDS, để có thể tiến tới chấm dứt AIDS vào năm 2030.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra xáo trộn, đứt gãy trong việc cung cấp và tiếp cận đến các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV thiết yếu cũng như làm gia tăng tình trạng bạo lực giới vốn là một yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.
Ở châu Á – Thái Bình Dương, khu vực đông dân nhất trên toàn thế giới, số liệu của UNAIDS cho thấy số nhiễm HIV mới đang tăng ở những vùng miền mà 10 năm trước đã khống chế được tỉ lệ nhiễm HIV.
Malaysia và Philippines là hai trong số các quốc gia đang có dịch HIV tăng mạnh trong các nhóm đích. Những khu vực trọng điểm với số nhiễm HIV đang gia tăng này là mối quan ngại lớn đối với công tác phòng chống dịch HIV ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Một vấn đề đáng quan tâm của hầu hết các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương là tỉ lệ hiện nhiễm HIV đang liên tục tăng trong các nhóm đích trẻ (độ tuổi 15 – 24). Báo cáo tiến độ phòng, chống AIDS toàn cầu năm 2022 của UNAIDS đưa ra một vài số liệu rất đáng quan ngại về tình hình dịch HIV trong nhóm thanh thiếu niên ở khu vực này.
Nhìn chung, trên bình diện toàn khu vực, số nhiễm HIV mới trong nhóm người trẻ không tăng lên, nhưng nhìn cụ thể vào số liệu thống kê phân tích theo các nhóm nhỏ hơn, chúng ta thấy có tới 26% số nhiễm HIV mới ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương là thanh thiếu niên ở độ tuổi 15 – 24, và 99% trong số này là những thanh thiếu niên có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV và bạn tình của họ.
Cụ thể ở Việt Nam, tỉ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm đích trẻ đã giảm tới 69% trong 10 năm qua, nhưng riêng với nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới trẻ thì tỉ lệ hiện nhiễm HIV lại đã tăng lên 4 lần, từ 3% vào năm 2011 đến năm 2020 là 13%. Như vậy, chúng ta cần phải có số liệu giám sát phân tách cụ thể, gồm các nhóm đích, nhóm tuổi và địa phương để có thể điều chỉnh ưu tiên trong can thiệp và đáp ứng kịp thời với dịch HIV một cách phù hợp.
Cần bảo đảm duy trì tiếp cận dịch vụ cho người nhiễm HIV/AIDS
Dịch bệnh COVID-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những kết quả của phòng, chống HIV/AIDS, để khắc phục những khó khăn, thách thức này theo ông chúng ta cần phải thực hiện những giải pháp gì?
Ông Taoufik Bakkali: Những nỗ lực duy trì dịch vụ phòng, chống HIV trong thời gian bùng nổ COVID-19 đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc nhanh chóng áp dụng và mở rộng các sáng kiến mới trong cung cấp dịch vụ phòng chống HIV cũng như năng lực và vai trò của các tổ chức cộng đồng trong việc tiếp cận những người có nhu cầu sử dụng dịch vụ, nhưng khó tiếp cận và bảo đảm duy trì tiếp cận dịch vụ y tế, dịch vụ HIV và dịch vụ xã hội cho những nhóm người này.
Theo tôi, chúng ta cần vận dụng những bài học kinh nghiệm thành công này cả trong bối cảnh hậu COVID-19 trong đáp ứng thường xuyên với HIV để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu về phòng, chống HIV đến năm 2025.
Cụ thể một số lĩnh vực cần tập trung quan tâm hiện nay trong phòng, chống HIV ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Việt Nam bao gồm:
Khống chế dịch HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) trẻ tuổi: Đây là nhóm có tính di biến động cao, bởi vậy khó tiếp cận để can thiệp. Đồng thời nhanh chóng mở rộng chương trình dự phòng (PrEP) trên phạm vi quốc gia để tạo điều kiện dễ dàng cho việc tiếp cận đến dịch vụ dự phòng HIV có hiệu quả cao này.
Ngoài ra, cần nhanh chóng triển khai các hoạt động giáo dục toàn diện về giới tính và tình dục, bao gồm về an toàn tình dục và dự phòng lây nhiễm HIV, trong và ngoài môi trường học đường cho thanh thiếu niên, đặc biệt là cho thanh thiếu niên ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa nơi không dễ tiếp cận các thông tin mới và tình trạng kỳ thị trên cơ sở giới và tính dục còn cao so với khu vực đô thị.
Bên cạnh đó, mở rộng hơn nữa và duy trì bền vững đáp ứng với HIV do tổ chức cộng đồng cung cấp. Hiện các dịch vụ tiếp cận, tư vấn, dự phòng HIV, xét nghiệm và chuyển gửi vào điều trị, hỗ trợ tuân thủ điều trị đã được các tổ chức cộng đồng thực hiện rất hiệu quả.
Đối với các tổ chức cộng đồng, họ còn có thể thu thập các bằng chứng và sử dụng bằng chứng để vận động cải thiện chương trình can thiệp và chất lượng cung cấp dịch vụ, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử.
Việt Nam đang thí điểm mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV với các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng, hướng tới việc sử dụng ngân sách nhà nước cho các tổ chức này tham gia cung cấp dịch vụ.
Một hoạt động cũng rất cần thiết, đó là tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực chuyên môn và năng lực phát triển tổ chức, cũng như tạo cơ chế để duy trì bền vững hoạt động cung cấp dịch vụ của các tổ chức cộng đồng. Từ đó tác dụng đến việc thực hiện mục tiêu khống chế dịch HIV và duy trì các kết quả trong phòng, chống HIV.
Đặc biệt, chúng ta cũng cần củng cố và hoàn thiện hơn nữa khung chính sách pháp lý liên quan đến HIV để tạo môi trường thuận lợi nhất cho việc nhanh chóng mở rộng và duy trì bền vững các can thiệp phòng, chống HIV có tác động lớn. Điển hình là trong việc cung cấp các can thiệp dự phòng cho tất cả các nhóm ưu tiên bao gồm: điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện, cung cấp bơm kim tiêm và bao cao su, chất bôi trơn, điều trị PrEP, mở rộng và duy trì điều trị HIV với nguồn thuốc ARV ổn định để bảo đảm mục tiêu về khống chế tải lượng HIV trong những người đang điều trị HIV, giảm lây nhiễm HIV ra cộng đồng.
Cuối cùng, bảo đảm nguồn lực con người và tài chính chính là yếu tố cần thiết để thực hiện các mục tiêu về phòng chống HIV, nhất là trong xu thế chung về lồng ghép HIV vào chương trình chăm sóc sức khỏe toàn dân và bối cảnh nguồn tài trợ cho HIV ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương giảm sút trong những năm gần đây.
Thanh niên hãy cùng hành động để hướng tới chấm dứt dịch AIDS
Trên phương diện là người phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương, xin ông chia sẻ những kinh nghiệm điển hình trong phòng, chống HIV/AIDS mà Việt Nam có thể tham khảo học tập?
Ông Taoufik Bakkali: Việt Nam là một điểm sáng trong khu vực về một số lĩnh vực như nhanh chóng áp dụng các sáng kiến mới trong phòng, chống HIV, như: dự phòng PrEP, các phương cách mới trong xét nghiệm HIV, cấp phát thuốc ARV và thuốc Methadone nhiều ngày, vận động mạnh mẽ về Không phát hiện = Không lây truyền (K=K), sử dụng nguồn tài chính từ bảo hiểm y tế để duy trì bền vững chương trình điều trị HIV, thí điểm mua sắm dịch vụ phòng chống HIV với tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng…
Tuy vậy, chương trình dự phòng lây nhiễm HIV của Việt Nam hiện vẫn còn phụ thuộc vào nguồn lực tài trợ. Để duy trì bền vững các can thiệp dự phòng HIV, Việt Nam có thể tham khảo cách làm của một số quốc gia trong khu vực như:
Thái Lan đã đưa các dịch vụ điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV vào gói dịch vụ do chương trình chăm sóc sức khỏe toàn dân chi trả. Hay Philippines đã chi trả dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV từ nguồn bảo hiểm y tế trong gói dịch vụ nội trú, và hiện đang tính toán để đưa các dịch vụ dự phòng HIV cơ bản bao gồm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP và sau phơi nhiễm (PEP) vào gói dịch vụ điều trị ngoại trú do BHYT chi trả.
Hoặc Trung Quốc, sử dụng 100% nguồn lực trong nước, trong đó chủ yếu là nguồn ngân sách trung ương, cho các hoạt động phòng chống HIV. Đặc biệt, Trung Quốc có cơ chế cho phép các tổ chức cộng đồng chưa có tư cách pháp nhân cũng được tham gia cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV do nhà nước mua sắm bằng nguồn ngân sách trung ương.
Để hướng tới một thế hệ không có AIDS, ông muốn truyền tải đến cộng đồng thông điệp gì Nhân Ngày Thế giới phòng, chống AIDS?
Ông Taoufik Bakkali: Dù còn nhiều khó khăn phức tạp, nhưng Việt Nam đang đứng trước các cơ hội lớn để hiện thực hóa mục tiêu chấm dứt AIDS vào năm 2030, và một trong các cơ hội đó là có một lực lượng thanh niên hùng hậu và năng động, sẵn sàng hành động để góp phần chấm dứt dịch AIDS, như chủ đề của Tháng hành động quốc gia năm nay đã nêu.
Tôi mong đợi trong thời gian tới sẽ được chứng kiến những hành động mạnh mẽ và kết quả cụ thể hơn nữa trong phòng, chống HIV của Việt Nam từ nguồn năng lượng mới này.
Các bạn trẻ có thể và cần phải là người tiên phong tạo ra những thay đổi tích cực trong xã hội, là lực lượng đi đầu trong việc lan tỏa những hiểu biết đúng đắn về HIV nhằm làm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với HIV, giúp các bạn đồng trang lứa có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV không ngại tiếp cận và sử dụng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV. Có vậy, Việt Nam mới có thể khống chế được sự lây lan của HIV trong bối cảnh mới và đi đúng hướng trên tiến trình thực hiện các mục tiêu quốc gia về chấm dứt AIDS vào năm 2030.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo tiengchuong.chinhphu.vn/