Song song với mô hình Trạm y tế lưu động của Bộ Y tế, TP HCM cũng đang triển khai mô hình “Chăm sóc F0 tại cộng đồng” kết hợp giữa chăm sóc trực tuyến và đội cấp cứu ngoại viện. Mô hình do Đại học Y Dược TP HCM đề xuất, bước đầu đã có những kết quả khả quan tại Quận 10, Quận 8…
Vừa trực tuyến vừa trực tiếp
Chăm sóc F0 tại nhà bằng mô hình kết hợp giữa chăm sóc trực tuyến và đội cấp cứu ngoại viện đã củng cố tinh thần, đáp ứng y tế, giúp mỗi F0 an tâm vượt đại dịch.
Hai “nguyên tắc vàng” mô hình hướng đến là: Đưa F0 ra khỏi nhà khi có chuyển biến xấu và cấp cứu kịp thời nhất. Cá nhân mỗi F0 được kết nối thường xuyên để thực hiện linh hoạt nhiều biện pháp tư vấn, chăm sóc một cách toàn diện.
Tại Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 Quận 8 số 1, nơi đang triển khai mô hình “Chăm sóc F0 tại cộng đồng”, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng Khoa Y Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, phụ trách mô hình cho biết: F0 ở nhà thường có tâm lý lo lắng không biết nên làm gì khi bệnh chuyển nặng. Mô hình bao gồm 2 đội. Đội 1 chăm sóc trực tuyến qua điện thoại, online. Cả khi F0 ở nhà đang khỏe mạnh, chưa hề nao núng tinh thần thì thành viên đội 1 vẫn chủ động gọi đến.
“Có thông tin rồi thì thiết lập sẵn hồ sơ bệnh án điện tử về các F0 đó luôn. Tần suất thăm hỏi phụ thuộc vào tình trạng nặng – nhẹ của F0 sau khi phân loại. Nếu F0 có nguy cơ, tuổi cao, có bệnh nền sẽ hỏi thăm liên tục. Những người không có nguy cơ thì vài ngày lại hỏi thăm, động viên. Riêng tại Quận 8 có đến 131 tổ tư vấn. Mỗi tổ 5-6 người nhận 60 F0 để chăm sóc từ xa”, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan chia sẻ.
Song song với đội chăm sóc trực tuyến là đội cấp cứu ngoại viện (đội 2). Cả hai đội có mối quan hệ khăng khít nhau. Khi những nhân viên chăm sóc qua điện thoại phát hiện yếu tố nguy cơ trở nặng của F0 nào đó tại nhà thì sẽ lập tức báo đến đội cấp cứu ngoại viện.
Vừa tất bật với việc điều tiết hoạt động của mô hình PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan vừa cho biết thêm: “Đội cấp cứu chia ra thành các nhóm với 3 xe cấp cứu được trang bị đầy đủ phương tiện cần thiết. Khi nhận được thông tin ca F0 oxy tụt, khó thở…từ đội 1, thì đội 2 lập tức cho xe xuất phát đến nhà để đón F0 tới Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 Quận 8 số 1 sơ cấp cứu ngay.
Ths.BS Lê Phước Truyền, Trưởng khu Hồi sức cấp cứu Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 Quận 8 số 1, người phụ trách đội cấp cứu ngoại viện, cho biết: “Khi đội cấp cứu nhận thông báo từ đội 1 thì đánh giá ngay tình trạng bệnh nhân, hỏi chính xác định chỉ. Xem kỹ càng nhà bệnh nhân có thể đưa xe cấp cứu vào tận nơi được không. Nếu nhà cao tầng, hẻm quá nhỏ thì bố trí nhân viên cao to, lực lưỡng để có thể cõng hoặc dìu đỡ bệnh nhân ra xe. Có khi nhân viên còn phải vác cả bình oxy nữa. Các thành viên đội 2 làm việc với công suất rất cao, chia làm 3 ca, 4 kíp”.
“Nếu bệnh nhân nhẹ thì chăm sóc, xử lý tại khu sơ cấp cứu 20 giường của bệnh viện này, còn nặng quá thì chuyển tiếp lên tuyến cao hơn để điều trị. Cách làm này tăng tối đa sự tiếp cận của người dân với dịch vụ y tế, nhân viên y tế” – PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan nói.
Cần nhân rộng để chăm sóc tốt cho F0
Một trong những ưu điểm nổi trội của mô hình này là có thể chăm sóc số lượng lớn F0 tại nhà và thực hiện cá thể hóa việc chăm sóc theo hình thức bác sĩ gia đình và phát hiện sớm, cấp cứu nhanh nhất trường hợp chuyển nặng. Bên cạnh đó còn sàng lọc, chuyển bệnh đúng tầng điều trị, tránh chuyển sai tầng gây quá tải cho các cơ sở điều trị.
Từ thực tế triển khai hoạt động cấp cứu ngoại viện theo mô hình “Chăm sóc F0 tại cộng đồng”, Ths.BS Lê Phước Truyền cho hay: Mô hình cấp cứu ngoại viện rất hữu ích. Các y bác sĩ, tình nguyện viên đánh giá, tư vấn quan điện thoại được tập huấn kỹ càng.
Hàng ngày đội cấp cứu ngoại viện đến đón bệnh nhân là cho thở oxy và một số thuốc ngay. Khi đưa lên khu cấp cứu này tùy tình trạng bệnh mà xử lý có thể thở HFNC, thở oxy mask… Trường hợp nặng quá, không đáp ứng được tại đây thì chuyển đi tuyến điều trị cao hơn.
“Điều quan trọng nhất để mô hình này vận hành thành công là sự phối hợp chặt chẽ giữa y tế phường xã với 2 đội của mô hình. Y tế phường, xã phải cung cấp danh sách, địa chỉ chính xác nhất các F0” – Ths.BS Lê Phước Truyền nói.
Hiệu quả mô hình chăm sóc F0 tại cộng đồng kết hợp giữa chăm sóc trực tuyến và cấp cứu ngoại viện thể hiện ngày càng rõ nét. Sau khi áp dụng thành công mô hình này ở Quận 10 thì từ 8/8 được áp dụng cho Quận 8. Hiện tại Quận 8 đã không còn F0 tử vong tại nhà.
Nhiều F0 tại nhà được tiếp cận nhanh với dịch vụ y tế hay các xe cấp cứu ngoại viện đều có chung sự phấn khởi, vững tin. Những người không triệu chứng được thăm hỏi, tư vấn qua điện thoại không còn lo âu, đối diện và vượt qua dịch bệnh.
“Niềm an tâm trong cộng đồng đã thấy rõ, F0 nào cũng có số điện thoại các nhân viên chăm sóc trực tuyến và đội cấp cứu. F0 gọi đến là được trực tiếp nói chuyện với chuyên gia, y bác sĩ ngay. Thậm chí có người được chăm sóc sát sao quá còn bảo “điện hỏi thăm gì mà nhiều thế”. Nhiều quận khác đang tiếp cận để triển khai mô hình này. Điển hình như Quận Bình Tân”- PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan kể.
ThS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đánh giá: Mô hình “Chăm sóc F0 tại cộng đồng” của Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh có thể thực hiện được ở các địa bàn, nhất là khu vực có lượng F0 lớn đang theo dõi, điều trị tại nhà. Vừa song song quản lý F0 tại nhà vừa cấp cứu, xử lý kịp thời nhất các trường hợp cần can thiệp y tế cho thấy hiệu quả trong bối cảnh giãn cách xã hội phương tiện cá nhân và công cộng bị giới hạn lưu thông. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đội tư vấn từ xa và đội cấp cứu ngoại viện đáp ứng tốt nhu cầu được chăm sóc y tế của F0 tại nhà.