Theo VnExpress – Ít trở nặng và tử vong, trẻ em sau khi mắc Covid-19 có thể đối mặt với nhiều di chứng từ ho nhiều, khó thở đến lo âu, suy giảm trí nhớ.
Theo Bộ Y tế, khoảng 55% trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ, có triệu chứng viêm hô hấp hoặc tiêu hóa, 40% mức độ trung bình và 4% nặng, nguy kịch. Dù tỷ lệ tử vong ở trẻ mắc Covid-19 không cao so với người lớn, song bệnh vẫn có thể ảnh hưởng không nhỏ và lâu dài đến thể chất, tinh thần trẻ. Nhiều trẻ mắc Covid-19 nhẹ, nhanh khỏi nhưng lại gặp các triệu chứng hậu Covid-19 như viêm đa hệ thống, loạn khứu giác, não sương mù, mệt mỏi…
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa tình trạng hậu Covid-19 xảy ra ở các cá thể có tiền sử nghi ngờ hoặc chẩn đoán xác định mắc Covid-19, thường 3 tháng kể từ khi bệnh khởi phát với triệu chứng kéo dài ít nhất hai tháng mà không tìm được chẩn đoán thay thế. Với trẻ em, các triệu chứng mệt mỏi, rối loạn vị giác, đau đầu, ho, khó thở… có thể tồn tại từ lúc mắc bệnh ban đầu hoặc mới xuất hiện sau khi đã khỏi bệnh và không do các căn nguyên khác gây ra.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy khoảng 20 – 40% trẻ em và trẻ vị thành niên có biểu hiện hội chứng hậu Covid-19. Theo WHO, hậu Covid-19 có thể xảy ra ở bất kỳ trẻ nào, kể cả những trẻ trước đó mắc Covid-19 không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ hoặc nặng. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, trẻ lớn, trẻ có tiền sử dị ứng, trẻ mắc Covid-19 mức độ nặng, điều trị hồi sức có nguy cơ cao bị Covid-19 kéo dài.
Hậu Covid-19 có thể gây ảnh hưởng tới hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, ở trẻ em và trẻ vị thành niên thường biểu hiện các triệu chứng trên cơ quan thần kinh như mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, rối loạn vị giác, khứu giác… Bên cạnh đó là biểu hiện rối loạn cảm xúc, kém tập trung, giảm trí nhớ, khó khăn trong học tập.
Hội chứng hậu Covid-19 phổ biến nhất ở trẻ nhỏ đa phần liên quan đến đường hô hấp, như ho nhiều, ho kéo dài, cảm giác nặng ngực, hụt hơi, khó thở. Các triệu chứng hay gặp khác là đau họng, đau khớp, đau cơ, hồi hộp đánh trống ngực… Một số trẻ bị đau ngực, nhịp tim không đều. Ngoài ra, trẻ cũng bị giảm sức chịu đựng về thể chất, dễ mệt hơn bình thường ngay cả khi không có bệnh lý ở tim, hô hấp.
Trầm cảm cũng là một triệu chứng của rối loạn lo âu do Covid-19. Nguyên nhân có thể do lo âu có trước khi mắc Covid-19, chiếm khoảng 8%, cách ly xã hội trong thời gian mắc bệnh, nằm viện dài ngày, mặc cảm với những người xung quanh, sợ lây truyền bệnh cho người khác, không chắc chắn có khỏi Covid-19…
Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá đây là tình trạng chưa có căn nguyên xác định, kết hợp nhiều yếu tố bao gồm đặc điểm của virus, yếu tố miễn dịch, di chứng sau điều trị hồi sức tích cực. Tỷ lệ trẻ em có các triệu chứng dai dẳng sau mắc Covid-19 dao động tùy theo nghiên cứu ở các quốc gia, lứa tuổi, quần thể cũng như thời gian xuất hiện triệu chứng. Hơn nữa, các triệu chứng đa dạng và thay đổi, tỷ lệ mắc cũng khác nhau. Do đó, hiện chưa con số chính xác tỷ lệ mắc hậu Covid-19 ở trẻ em. Có những trường hợp trẻ mắc Covid-19 đã khỏi nhưng sau 2 tuần, thậm chí như trường hợp một bé gái ở Hà Nội là sau 2 tháng phải nhập viện do sốt cao 39 độ, khó thở, co giật… Điều này khiến không ít phụ huynh lo lắng, đặc biệt với trẻ dưới 3 tuổi hệ miễn dịch còn non yếu và chưa biết diễn tả rõ các triệu chứng bằng lời.
Việc theo dõi sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ hậu Covid-19 như thế nào, trẻ cần chế độ dinh dưỡng và vận động ra sao để phục hồi thể trạng hậu Covid-19 là những vấn đề đang rất được các bậc phụ huynh quan tâm. Đặc biệt, phụ huynh cần bổ sung các vi chất nào để phục hồi và tăng cường miễn dịch cho trẻ.