Dịch Covid-19 tái bùng phát mạnh ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, làm dấy lên tranh luận về việc nới lỏng quá sớm các biện pháp phòng dịch.
Tại nhiều quốc gia giàu có, vắc xin được coi là giải pháp để thoát lệnh phong tỏa vốn làm nền kinh tế trì trệ. Số ca nhiễm Covid-19 ở một số nước triển khai nhanh chóng và thành công chương trình tiêm chủng như Mỹ, Anh, Israel.
Mặc dù vậy, với những gì xảy ra ở Seychelles, Chile hay một số quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới khác khiến các chuyên gia lo ngại rằng vắc xin thôi là chưa đủ và cần thận trọng khi nới lỏng phòng dịch quá sớm.
Theo dữ liệu công bố, Seychelles là nước có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 trên đầu người cao nhất thế giới, khoảng 61%. Tiếp đến là Israel với 56%, Chile 38%, Bahrain 35%. Mỹ cũng tiêm chủng đủ hai mũi cho khoảng 35% dân số, và tiêm ít nhất 1 mũi cho 46% dân số. Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) không cung cấp dữ liệu tiêm chủng nhưng tuyên bố đã cung cấp số lượng vắc xin rất cao, khoảng 115.000 liều/100.000 người.
Trong số các quốc gia này chỉ có Israel hiện tại không phải đối mặt với đợt bùng dịch mới. Seychelles, Bahrain và các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao khác như Maldives và Uruguay đều ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày trên đầu người cao nhất thế giới.
Seychelles, quốc đảo nhỏ với tỷ lệ tiêm chủng cao gần gấp đôi của Mỹ, ghi nhận 328 ca nhiễm trên 100.000 dân, thậm chí cao hơn tỷ lệ ở Ấn Độ (28 ca/100.000 dân). Tuần trước, Seychelles đã phải áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế nhằm ngăn dịch Covid-19. Các biện pháp này gồm đóng cửa trường học, hủy các hoạt động thể thao, đóng cửa quán bar, cấm tụ tập đông người trong vòng hai tuần.
Giới chuyên gia đã chỉ ra một số nguyên nhân có thể khiến dịch bùng phát mạnh trở lại ở các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao. Một trong số đó là một số loại vắc xin có thể cho hiệu quả thấp. Ngoài ra, việc nới lỏng quá sớm các biện pháp phòng dịch cũng như thông điệp hỗn loạn từ chính phủ cũng được cho là một phần nguyên nhân.
Seychelles và Maldives đều là những nước mở cửa biên giới từ rất sớm để đón du khách, Dubai dỡ bỏ phong tỏa quá nhanh và Chile nới lỏng các biện pháp hạn chế quá sớm.
Lãnh đạo thế giới, trong đó có cả người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cảnh báo chưa ai được an toàn cho đến khi tất cả đều an toàn trong bối cảnh có sự bất cân bằng về nguồn cung vắc xin ngừa Covid-19 toàn cầu cộng thêm sự xuất hiện của các biến chủng SARS-CoV-2 mới nguy hiểm hơn. Theo giới chuyên gia, sự xuất hiện của các biến chủng mới có thể làm giảm hiệu quả của các vắc xin hiện có. WHO đầu tuần này đã đưa thêm biến chủng B.1.617 phát hiện lần đầu ở Ấn Độ vào nhóm biến chủng “đáng lo ngại” cùng với biến chủng từ Nam Phi, Anh và Brazil. Đây là nhóm biến chủng có khả năng lây lan nhanh hơn, độc lực cao hơn hoặc kháng vắc xin mạnh hơn.
Theo Dân Trí