(Chinhphu.vn) – Giáo sư Quarraisha Abdool Karim và Giáo sư Salim Abdool Karim vừa được vinh danh tại Lễ Trao giải VinFuture. Họ là hai nhà dịch tễ học có đóng góp to lớn cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.
Cống hiến đột phá cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS
Kể từ khi bùng phát vào thập niên 80 của thế kỷ trước, đại dịch HIV/AIDS đã cướp đi sinh mạng của hơn 35 triệu người trên thế giới. Với nhiều khu vực tại châu Phi, AIDS trở thành nỗi ám ảnh. Thế nhưng, chính nỗi ám ảnh đó đã thôi thúc Giáo sư Quarraisha Abdool Karim và Giáo sư Salim Abdool Karim tìm kiếm một giải pháp giúp người dân.
Giáo sư Quarraisha Abdool Karim, chủ nhân giải đặc biệt của Vinfuture chia sẻ: “Thời điểm bước ngoặt là 15 năm trước, chúng tôi thực hiện điều tra dân số phát hiện phụ nữ có tỉ lệ mắc cao 4 lần nam giới. Dựa trên hiện tượng dịch tễ đó, chúng tôi thấy phụ nữ trẻ từ 15-19 tuổi có tỉ lệ mắc cao nhất so với nam giới. Chúng tôi xác định nguyên nhân quan trọng nhất là con đường lây nhiễm là gì? Hồi đó công nghệ sẵn có chỉ là bao cao su, phòng tránh thai, giáo dục nâng cao nhận thức, nhưng những thứ đó thì phụ nữ không được tiếp cận. Và đó là lí do tỉ lệ họ mắc HIV cao như vậy. Đó là động lực cho tôi tạo ra giải pháp để phụ nữ có thể chủ động ngăn ngừa lây nhiễm HIV”.
“Thất bại là mẹ của thành công”, đó là những gì mà vợ chồng giáo sư Abdool Karim luôn tâm niệm. Với họ, thất bại không phải là nỗi ám ảnh mà là động lực để tiếp tục nghiên cứu. Nhờ suy nghĩ đó, giải pháp gel chứa dược chất Tenofovir dành cho phụ nữ có tác dụng kháng virus đã ra đời.
Giáo sư Quarraisha Abdool Karim chia sẻ thêm: “Chúng tôi đã thất bại nhiều, chúng tôi tự gọi mình là những chuyên gia thất bại, và phải đến tận năm 2010, chúng tôi mới tạo ra sản phẩm hoàn thiện, tạo ra loại gel giúp phòng chống HIV chủ động”.
Kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy, những phụ nữ sử dụng gel Tenofovir giảm 39% nguy cơ nhiễm HIV so với những người dùng giả dược. Ở những phụ nữ tuân thủ chặt chẽ, tỷ lệ nhiễm HIV giảm 54%. Kết quả này đặt nền móng cho phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.
Giáo sư Karim nói: “Ngay sau khi chúng tôi nghiên cứu, 3-4 năm đã có nghiên cứu chứng minh loại thuốc đưa vào gel sẽ có hiệu quả ở dạng uống. Trong khi sản xuất gel ở dạng uống, chúng tôi thấy giá thành cao, vì thế các nhà sản xuất đã chuyển thành dạng thuốc. Năm 2015, thuốc Danofivor được WHO khuyến khích dùng điều trị HIV. Năm 2017, khoảng 30 quốc gia đưa vào danh mục thuốc. Hiện tại là hơn 80 quốc gia”.
Động lực cho vợ chồng giáo sư Abdool Karim trên hành trình nghiên cứu là người dân, bởi vậy, với họ, mong ước lớn nhất là chia sẻ kết quả nghiên cứu của gel Tenofovir cho các nhà khoa học để tạo ra những sản phẩm tốt hơn cho người dân.
Giáo sư Quarraisha Abdool Karim bày tỏ: “Giải thưởng mà chúng tôi không chỉ dành riêng cho chúng tôi, mà đó còn là tia sáng của hy vọng từ các nước đang phát triển, cho các nhà khoa học vẫn đang miệt mài làm việc tại các phòng nghiên cứu để mang tới một tương lai tươi sáng hơn cho thế giới”.
Dám thử nghiệm, theo đuổi những ước mơ tưởng như… vô vọng, nhưng khoa học không phải là trò chơi hay mạo hiểm, mà là sự kiên trì, nghiêm túc, cẩn trọng với một mục tiêu cao cả là tìm ra giải pháp để giúp nhân loại. Nhờ ý nghĩa cao cả đó, các thế hệ các nhà khoa học vẫn tiếp nối vì mục tiêu trên hết “phụng sự nhân loại”.
Đôi nét về vợ chồng giáo sư đến từ Nam Phi
Giáo sư Quarraisha Abdool Karim là một nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm với hướng nghiên cứu chính là tìm hiểu sự lây lan dịch HIV ở Nam Phi và phòng chống nhiễm HIV ở phụ nữ. Bà là vợ của Giáo sư Salim Abdool Karim. Họ đến từ Nam Phi
Giáo sư Quarraisha hiện giữ chức Giám đốc khoa học Trung tâm Nghiên cứu AIDS tại Nam Phi (CAPRISA) và là Phó Hiệu trưởng phụ trách Y tế châu Phi của Đại học Kwazulu-Natal (Nam Phi). Đồng thời, bà cũng là Giáo sư Dịch tễ học Lâm sàng tại Trường Y tế Công cộng Mailman thuộc Đại học Columbia (Mỹ).
Trong các năm 1998 – 2006, bà đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng cơ sở khoa học ở miền Nam châu Phi thông qua Chương trình Đào tạo và Nghiên cứu Quốc tế về AIDS giữa Đại học Columbia và Trung tâm Fogarty. Chương trình đã đào tạo hơn 600 nhà khoa học ở miền Nam châu Phi.
Giáo sư Quarraisha Abdool Karim có hơn 300 ấn phẩm được bình duyệt và là tác giả của một số cuốn sách và chương sách.
Bà hiện là đồng Chủ tịch Nhóm Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc về Phổ cập Công nghệ và là thành viên của Nhóm Quản trị Phương pháp điều trị và Thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 của WHO.
Giáo sư Quarraisha còn là ủy viên của Học viện Khoa học Thế giới, Học viện Khoa học châu Phi, Học viện Khoa học Nam Phi, Hội Hoàng gia Nam Phi và được bầu là thành viên của Học viện Y học Quốc gia Mỹ.
Giáo sư Salim Abdool Karim là một nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm. Ông được nhiều người biết đến vì những đóng góp trong việc phòng ngừa và điều trị HIV. Theo cơ sở dữ liệu các ấn phẩm khoa học Web of Science, ông là một trong những nhà khoa học được trích dẫn thường xuyên nhất thế giới.
Ông là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu AIDS tại Nam Phi (CAPRISA) và giữ nhiều chức vụ, gồm: Giáo sư Y tế Toàn cầu tại Đại học Columbia, Phó Hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu tại Đại học KwaZulu-Natal ở Durban, Giáo sư trợ giảng tại Đại học Cornell (New York), và Giáo sư trợ giảng bộ môn Miễn dịch học và Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Harvard (Boston).
Ông đóng vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống COVID-19 của Nam Phi với tư cách là đồng Chủ tịch Ủy ban Cố vấn của Bộ trưởng Nam Phi về COVID-19.
Ở phạm vi quốc tế, ông là thành viên của Lực lượng đặc nhiệm phòng chống virus corona Châu Phi, Ủy ban Lancet và Ủy ban châu Phi về COVID-19.
Năm 2020, ông được trao Giải thưởng Maddox cho công trình bảo vệ khoa học trong đại dịch HIV và đại dịch COVID-19 và nỗ lực chống thông tin sai lệch về dịch bệnh.
Ông cũng là thành viên của Hội đồng Khoa học WHO và tham gia Ban cố vấn khoa học về sức khỏe toàn cầu của Quỹ Bill và Melinda Gates. Ông là thành viên của Học viện Y khoa Quốc gia Mỹ và Hiệp hội Hoàng gia (FRS).
Năm 2010, cả hai nhà khoa học đã dẫn đầu một thử nghiệm lâm sàng mang tính bước ngoặt bước đầu cho thấy thuốc ARV có thể ngăn ngừa lây truyền HIV qua đường tình dục. Họ đã chứng minh gel có chứa dược chất Tenefovir có khả năng ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV và nguy cơ mắc bệnh mụn rộp sinh dục ở phụ nữ. Nghiên cứu của họ đã cung cấp bằng chứng cho thấy Tenofovir có thể phòng ngừa lây nhiễm HIV, qua đó đặt nền móng cho phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).
Năm 2015, WHO khuyến nghị áp dụng PrEP với thuốc Tenefovir dạng uống là biện pháp phòng ngừa HIV tiêu chuẩn cho người có nguy cơ lây nhiễm cao. PrEP hiện được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, góp phần ngăn chặn lây lan HIV trên toàn cầu. Phòng chống HIV hiệu quả cho phụ nữ không chỉ giúp làm giảm nhu cầu điều trị ARV của họ mà còn hạn chế nguy cơ trẻ sơ sinh bị nhiễm HIV.
Phụ nữ trẻ là nhóm chiếm tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất tại châu Phi. Châu lục này cũng chiếm đến 70% tỷ lệ nhiễm HIV trên toàn cầu. Ngăn ngừa lây nhiễm HIV ở phụ nữ trẻ là điểm mấu chốt trong xóa bỏ chu kỳ truyền nhiễm HIV, khiến tỷ lệ lây lan tăng cao ở châu Phi.
Những thành tựu này có tác động to lớn với nỗ lực ngăn chặn lây lan HIV trên khắp thế giới, nhất là ở các nước đang phát triển.