HIV/AIDS đã để lại bài học gì giúp chúng ta đối phó với Covid-19?

Đại dịch Covid-19 đi qua để lại những tang thương mất mát khủng khiếp trên toàn thế giới. Nhưng ít ai biết là, những bài học để đối phó với Covid-19 hôm nay được rút ra từ một trong những căn bệnh kinh hoàng nhất trong lịch sử loài người: HIV/AIDS.

Sự giống và khác nhau giữa HIV/AIDS và Covid-19

Lẽ dĩ nhiên, hội chứng Viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 gây ra và HIV/AIDS là hai bệnh hoàn toàn khác nhau. Bênh nhân không điều trị HIV thường dẫn đến tử vong, trong khi đó, các bệnh nhân chết vì Covid-19 thường chiếm tỉ lệ thấp, đa phần là người cao tuổi hoặc có sẵn bệnh lý nền.

Những hành vi nhằm giảm tỉ lệ lây nhiễm cũng khác nhau, với HIV/AIDS là tình dục an toàn và không dùng chung kim tiêm còn với Covid-19 là việc giữ khoảng cách an toàn với người xung quanh và thường xuyên rửa tay.

Trong khoảng thời gian đầu, số ca nhiễm HIV tăng gấp đôi sau 6-12 tháng còn với Covid-19 thì số liệu người nhiễm và tử vong được cập nhật theo từng ngày. Tuy nhiên, giữa hai dịch bệnh có những đặc điểm chung đáng kể để từ đó có thể để lại những bài học lớn cho nhau, đó là không có vaccin và thuốc trong giai đoạn đầu và hành vi dân số ảnh hưởng rất lớn đến quỹ đạo của dịch.

Hiện nay, tuy đa phần Covid-19 ảnh hưởng tới Mỹ và châu Âu là các nước giàu, nhưng viễn cảnh dịch Covid-19 lan rộng đến các quốc gia nghèo có hệ thống y tế yếu kém sẽ là viễn cảnh đau lòng hoàn toàn có thể xảy ra. Quay về lịch sử, ta thấy rõ rằng, việc dự phòng HIV/AIDS là một thất bại của y tế toàn cầu. Đã có khoảng hơn 32 triệu người chết, trong đó, khu vực cận Sahara của châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Do đó, việc có những biện pháp kịp thời đúng đắn ngay lúc này để hạn chế dịch bệnh lây lan là một việc làm cấp thiết.

Bài học thứ nhất: Sự bất bình đẳng về y tế

Trong hơn 40 năm kể từ khi xuất hiện và lây lan, HIV/AIDS đã cướp đi sinh mạng của 32 triệu người trên thế giới và hiện vẫn đang là vấn đề y tế nan giải toàn cầu. Những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất của HIV là người nghèo, phụ nữ và những người yếu thế trong xã hội. Trong khi đó, Covid-19 đánh mạnh vào nhóm người già, người có bệnh lý nền và người dễ bị tổn thương không có điều kiện tiếp xúc với y tế.

Các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố rằng: “Không một ai bị bỏ lại phía sau” và cam kết này vẫn cần phải được thực hiện trong nỗ lực toàn cầu chống Covid-19. Bởi vì điều kiện xã hội khó khăn sẽ rất khó để dẫn đến thay đổi hành vi.

Như trong đại dịch HIV, khuyến khích “Kiêng nhịn, chung thủy và sử dụng bao cao su” dường như chưa phát huy hiệu quả ở các quốc gia mà bất bình đẳng giới và sự kỳ thị vẫn còn rộng khắp trong xã hội. Và tương tự như vậy với Covid-19, rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách vật lý sẽ khó được đảm bảo ở những nơi mà thức ăn và nước sạch vẫn còn đang khan hiếm.

Những tiến bộ khoa học mới trong việc chữa trị và phòng ngừa bệnh cũng tăng thêm sự bất bình đẳng về y tế. Các nước giàu đang ưu tiên điều chế vaccin, thuốc và khẩu trang cho người dân của họ trong khi các nước nghèo và yếu thế hơn khó có thể làm được điều đó. Thế nên điều mà toàn cầu cần chung tay ngay lúc này chính là ưu tiên sử dụng các biện pháp mới và dụng cụ y tế cho những nơi có nhu cầu nhất. Nghĩa là, chúng ta cần nhìn thấy những điều bất bình đẳng đang xảy ra và đồng lòng hạn chế nó.

Bài học thứ hai: Tạo môi trường đảm bảo cho việc thay đổi hành vi dân số

Những quyết định quyết đoán được đưa ra nhanh chóng từ chính phủ và các nhà lãnh đạo là điều cần thiết ngay từ giai đoạn đầu. Bài học mà HIV để lại, chính là phải tạo ra môi trường thuận lợi để mọi người có thể thay đổi hành vi của mình theo hướng tốt hơn để phòng dịch.

Tương tự như bạo lực giới sẽ cản trở hành vi tình dục an toàn ở phụ nữ thì việc thiếu nước sạch sẽ cản trở việc mọi người rửa tay. Thế nên, trước mắt là, việc phân bổ nhanh chất khử trùng tay, xà phòng, dụng cụ bảo hộ cá nhân và nước sạch đến các những nơi chưa có điều kiện tiếp cận là điều cấp thiết nhất (tương tự như phân phối bao cao su nữ để kiểm soát HIV).

Và việc xây dựng một xã hội lành mạnh, bình đẳng và tin tưởng, không có thành kiến có ảnh hưởng rất lớn đến việc ngăn ngừa dịch bệnh. Với HIV, các nỗ lực này đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ như kiểm soát được HIV trong cộng đồng đồng tính nam ở Mỹ, người mại dâm ở Ấn Độ và Thái Lan. Tương tự như vậy, các thành kiến xã hội cũng cần được tránh trong đại dịch Covid-19, vì nếu những người nhiễm SARS-CoV-2 bị kỳ thị, những người khác sẽ ngại ngừng cách ly, kiểm dịch hay chữa bệnh.

Bài học thứ ba: Nỗ lực đa ngành

Đối phó với dịch bệnh không phải là nỗ lực của một cá nhân mà là quá trình chiến đấu của tất cả các cơ quan, ban ngành và mọi người trên trái đất. Các điều tra nghiên cứu dịch tễ và hành động dứt khoát, kịp thời của chính phủ để từ đó can thiệp hành vi của dân chúng đang chứng minh hiệu quả nhất định.

Bên cạnh đó, ý thức của mỗi người dân cũng góp phần không nhỏ trong việc kiểm soát tình hình dịch bệnh, vì chỉ cần một người dân thiếu ý thức, nỗ lực của một tập thể có thể bị đổ vỡ.

Xây dựng một cộng đồng văn minh, tích cực, bình đẳng và không kỳ thị người bệnh cũng sẽ rất cần thiết. Tái thiết lập cấu trúc xã hội để mọi người được hưởng những quyền lợi y tế như nhau, dù giàu hay nghèo đều được chữa bệnh là một bài học thiết thực mà quá trình chiến đấu với HIV đã để lại cho chúng ta để đối phó với Covid-19.

 

Theo Youmed.vn

Dược sĩ Tạ Hoàn Thiện Quân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to top