(Chinhphu.vn) – Tính đến tháng 10/2022, tỉ lệ bệnh nhân đang điều trị bằng ARV có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 98,5%, số còn lại là những trường hợp trong trại tạm giam, trại cai nghiện.
Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 31/10/2022, toàn tỉnh phát hiện 1.940 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó 1.035 người nhiễm HIV/AIDS còn sống; 100% số huyện, thị xã, thành phố và 96,9% số xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV; tập trung chủ yếu ở lứa tuổi từ 15-39, chiếm 67%, nguyên nhân nhiễm HIV chủ yếu do tiêm chích ma túy, lây nhiễm qua đường tình dục có chiều hướng gia tăng.
Để đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS, trong những năm qua, Hưng Yên đã triển khai toàn diện và đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện và cung cấp dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm đến điều trị, mở rộng độ bao phủ và cung cấp các dịch vụ phòng, chống lây nhiễm HIV có chất lượng.
Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp bảo đảm tính bền vững cho công tác phòng, chống HIV/AIDS như, huy động nguồn tài chính từ quỹ bảo hiểm y tế, ngân sách địa phương thông qua đề án bảo đảm tài chính về phòng, chống HIV/AIDS.
Đồng thời, bảo đảm việc cung ứng thuốc điều trị ARV, thuốc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho bệnh nhân, bảo đảm không làm gián đoạn thuốc của bệnh nhân. Đến nay có hơn 670 bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị bằng thuốc kháng virus ARV.
Tính đến tháng 10/2022, tỉ lệ bệnh nhân đang điều trị bằng ARV có thẻ BHYT đạt 98,5%, số còn lại là những trường hợp trong trại tạm giam, trại cai nghiện. Gần 650 bệnh nhân đang được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh và một số Trung tâm y tế tuyến huyện.
Công tác phòng chống HIV luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, do đó Hưng Yên đã triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức truyền thông lưu động; tổ chức truyền thông trực tiếp cho hơn 3.000 người dân tại 20 địa bàn xã, phường, thị trấn; truyền thông dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại cộng đồng cho gần 2.000 người trong độ tuổi từ 15 đến 49 tại 13 xã, phường, thị trấn trong tỉnh…
Công tác tư vấn, giám sát, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS cũng được đẩy mạnh. Toàn tỉnh hiện có 16 cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV. Các địa phương, đơn vị tăng cường các hoạt động can thiệp giảm tác hại của HIV/AIDS như: Cấp phát bơm kim tiêm sạch, thu gom bơm kim tiêm bẩn, phát bao cao su, tài liệu truyền thông, xét nghiệm HIV cho người nguy cơ cao…
Thời gian tới địa phương tiếp tục tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030. Bên cạnh đó, đổi mới phương pháp và hình thức tuyên tuyền sao cho phù hợp với từng nhóm đối tượng, tập trung vào nhóm tuổi trẻ để nâng cao nhận thức của người dân và các nhóm người có hành vi nguy cơ cao nhằm dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.
Phát huy vai trò và các nguồn lực sẵn có để thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”. Tiếp tục mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng và triển khai đồng bộ, toàn diện các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo chiến lược tiếp cận từ xét nghiệm, dự phòng đến điều trị HIV/AIDS…
Mở rộng quản lý điều trị bệnh đồng nhiễm như: đồng nhiễm HIV/Lao, đồng nhiễm HIV/Viêm gan B, C, bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV,… nhằm giảm tử vong ở người nhiễm HIV. Đặc biệt, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên hệ thống mạng xã hội như: Facebook, Zalo,… Qua đó, giúp người dân giảm sự phân biệt, kỳ thị đối với những người bị nhiễm bệnh, động viên, giúp đỡ họ phát triển kinh tế gia đình, hòa nhập cộng đồng.
Theo tiengchuong.chinhphu.vn