Kể từ khi PrEP – dự phòng trước phơi nhiễm HIV lần đầu xuất hiện tại Việt Nam với chương trình thí điểm “Chuẩn bị sẵn sàng cho PrEP” khởi xướng vào năm 2017, đến nay đã có hơn 6.000 người tham gia chương trình PrEP.
Tăng thêm nhiều lựa chọn dịch vụ PrEP
Theo số liệu thống kê, sau một năm khởi động chương trình PrEP trên toàn quốc tại Việt Nam, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã công bố mở rộng triển khai PrEP, từ 11 tỉnh được Chương trình Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Phòng, chống HIV/AIDs (PEPFAR) hỗ trợ thêm 15 tỉnh được Quỹ Toàn cầu hỗ trợ.
Chương trình do Dự án USAID/PATH Healthy Markets (Dự án Thúc đẩy Tăng trưởng Thị trường) thực hiện. Những bài học đúc rút từ mô hình thí điểm đã được kết hợp để đưa vào triển khai mở rộng PrEP trên quy mô toàn quốc, bao gồm nâng cao nhận thức về PrEP và các dịch vụ HIV, cung cấp dịch vụ phù hợp cho từng nhóm đích (KP) để tăng thêm nhiều lựa chọn dịch vụ PrEP ở cả khu vực công và tư.
PrEP thực sự rất quan trọng, uống thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, hay còn gọi là PrEP, là một công cụ dự phòng hiệu quả có thể làm giảm đến 99% nguy cơ nhiễm HIV khi dùng theo đúng chỉ dẫn. PrEP không chỉ bảo vệ ở mức độ cá nhân người dùng không bị nhiễm HIV, nếu được sử dụng rộng rãi bởi những người sinh hoạt tình dục không dùng bao cao su và/hoặc tiêm chích ma túy, PrEP còn có thể có tác động ở cấp độ quần thể đối với dịch HIV và làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc HIV mới.
Ở Việt Nam, những nhóm đích có nguy cơ cao nhiễm HIV bao gồm: Nam có quan hệ tình dục với nam (MSM), phụ nữ chuyển giới (TGW), những người tiêm chích ma túy (PWID) và bạn tình của họ, và phụ nữ bán dâm (FSW).
Phần lớn người dùng PrEP là MSM trẻ (trung bình là 28 tuổi). MSM chiếm 84% tất cả người dùng PrEP và các quần thể khác tham gia sử dụng PrEP bao gồm các cặp vợ chồng dị nhiễm (10%), TGW (5%) và PWID (<1%).
Trong các dịch vụ PrEP được dự án Healthy Markets hỗ trợ, 47% số người sử dụng tham gia tại các cơ sở công lập – phòng khám ngoại trú tuyến quận/huyện, số còn lại là ở các phòng khám của cộng đồng.
Tăng cường nhận thức, tiếp cận và sử dụng PrEP
Nhằm nâng cao nhận thức và sử dụng PrEP, Dự án Healthy Markets và cộng đồng đã cùng thực hiện các hoạt động tạo cầu PrEP kể từ năm 2017. Cụ thể, cùng tổ chức các chương trình truyền hình do MTV Việt Nam và dự án Healthy Markets phối hợp xây dựng, chương trình này đã thu hút hơn 1,5 triệu người xem; quảng bá PrEP trên các ứng dụng mạng xã hội phổ biến cho MSM như Grindr, Hornet và Blued.
Bên cạnh đó, thực hiện các video, hình ảnh, chia sẻ từ những người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng MSM và TGW, và tư vấn trực tuyến thông qua các trang Facebook của Dự án Healthy Markets hỗ trợ như Xóm Cầu Vồng, Cô Nàng Gợi Cảm với hơn 217.000 thành viên.
Hoạt động Chatbot PrEP trên Facebook được cài đặt trên các trang Facebook phổ biến của cộng đồng. Chatbot tự động trả lời cho các câu hỏi liên quan đến PrEP, hoạt động 24/7, cung cấp hơn 9.300 câu trả lời cho 1.162 người dùng từ tháng 10 năm 2018 đến tháng 9 năm 2019.
Ngoài ra, dự án còn có một ứng dụng dựa trên Web và điện thoại di động mang tên Tôi Hẹn (I Reserve). Dự án Healthy Markets đã phát triển, cung cấp cho các khách hàng một cổng thông tin trực tuyến được bảo mật để đặt lịch hẹn cho PrEP và các dịch vụ HIV khác.
Để nâng cao nhận thức và kết nối đến dịch vụ PrEP, Dự án Healthy Markets đã phát động chiến dịch truyền thông # PrEP4LOVE. Chiến dịch tập trung vào tình yêu cho chính bản thân mình và cho những người thân yêu. Cộng đồng đã cùng thực hiện và phát triển chiến dịch #PrEP4LOVE nhằm nâng cao nhận thức, tạo niềm tin và tăng cầu sử dụng PrEP. Tất cả yếu tố trên đều cần thiết khi chương trình PrEP mở rộng trên toàn quốc.
Dịch vụ chăm sóc phù hợp với từng nhóm đích
Nhằm cung cấp PrEP cho những cá nhân có thể được hưởng lợi từ chương trình này, dự án tiếp tục điều chỉnh các cách thức để việc tiếp cận PrEP trở nên dễ dàng hơn. Các cách tiếp cận này được gọi là chăm sóc phù hợp với từng nhóm đích, cung cấp cho những người có nguy cơ lây nhiễm HIV những lựa chọn và dịch vụ khác nhau, để giúp họ được tiếp cận tốt nhất với các dịch vụ HIV và tuân thủ điều trị PrEP.
Một nội dung khác mà dự án Healthy Markets đang triển khai là giới thiệu và tổ chức đào tạo về PrEP theo sự kiện (còn gọi là ED-PrEP) (dựa trên hướng dẫn quốc gia về PrEP đã được cập nhật). ED-PrEP là một lựa chọn dự phòng HIV khác, trong đó MSM có thể uống hai liều PrEP trong khoảng từ 2 đến 24 giờ trước khi họ dự kiến có quan hệ tình dục. Sau đó, nếu có quan hệ tình dục, họ sẽ uống một viên thuốc khác cách viên đầu tiên 24 giờ và một viên thuốc khác 24 giờ sau đó.
Để giúp cộng đồng nhanh chóng tiếp cận và duy trì sử dụng PrEP, trong năm 2020 dự án sẽ chú trọng nâng cao tiếp cận PrEP phù hợp với từng nhóm đích với hy vọng, các dịch vụ PrEP được thực hiện và dẫn dắt bởi cộng đồng được củng cố để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Ví dụ như, thuốc PrEP sẽ được cấp phát bởi các tổ chức cộng đồng và đồng đẳng viên là những người đã được đào tạo để trở thành xét nghiệm viên HIV tại cộng đồng.
Theo tiengchuong.vn