Theo VnExpress – Người bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nguy cơ chuyển nặng nếu mắc Covid do suy giảm miễn dịch và tổn thương cấu trúc đường thở, nhu mô phổi…
Bác sĩ Phí Thị Hải Anh (Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Hà Nội) cho biết thông tin trên và cho biết thêm tình trạng tăng tiết đàm nhầy dai dẳng ở người bệnh COPD cũng khiến các triệu chứng Covid nặng hơn.
Bà Anh dẫn nghiên cứu tại Mỹ cho thấy 62% người bệnh COPD khi mắc Covid-19 phải nhập viện, so với 28% ở nhóm không COPD. Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid kèm bệnh nền COPD là 15% (nhóm không COPD là 4%). Các chuyên gia cho rằng tỷ lệ tử vong này là đáng báo động.
Để phòng ngừa nguy cơ chuyển nặng, bác sĩ khuyến cáo nhóm COPD tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ và duy trì sử dụng thuốc đều đặn. Chủ động theo dõi các dấu hiệu như thân nhiệt, triệu chứng ho, khó thở, đàm, mệt mỏi…, liên hệ y tế khi triệu chứng tái phát. Nếu bệnh trở nặng, nhanh chóng đến bệnh viện để khám và can thiệp sớm.
“Bệnh nhân phải tiếp tục sử dụng corticosteroid dạng hít (ICS) kể cả khi mắc Covid, do ICS có tác dụng bảo vệ chống lại đợt cấp tính”, bác sĩ Anh nói.
Bệnh nhân được bác sĩ khuyến cáo tiêm vaccine Covid-19, cúm, phế cầu. Trước khi tiêm chủng, bệnh nhân phải ở giai đoạn ổn định sức khỏe, sau tiêm nếu khó thở tăng, thở rít, nổi ban dát sẩn ngoài da…, báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất.
Để giảm tương tác thuốc với vaccine cũng như làm giảm hiệu lực bảo vệ của vaccine, vài tuần sau khi tiêm bệnh nhân COPD tránh dùng thuốc nhóm corticosteroide đường uống và đường tiêm, chuyển sang thuốc corticosteroid dạng hít.
Về dinh dưỡng, bệnh nhân cần cân bằng các chất (bột 50%, đạm 15%, béo 35%). Ăn chất béo từ cá hoặc thực vật, tăng cường rau xanh, hoa quả tươi để bổ sung vitamin, đặc biệt là vitamin A, C, E. Uống đủ nước (2-3 lít) để hạn chế táo bón, dễ loãng đờm và khạc đờm dễ dàng. Ngồi thẳng lưng khi ăn, ăn từng miếng nhỏ, ăn chậm. Hạn chế thực phẩm, đồ uống gây đầy bụng.