Nhiều người gặp di chứng Covid-19

Theo VnExpress – Sở Y tế ghi nhận một số trường hợp gặp vấn đề sức khỏe sau mắc Covid-19 như mệt mỏi, di chứng phổi, tim mạch, rối loạn tâm thần…

Thông tin được Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng nói tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, sáng 8/1. Ông Thượng không cung cấp con số người gặp di chứng Covid cũng như tỷ lệ các di chứng thường gặp. Tuy nhiên ông nói: “Những vấn đề sức khỏe hậu Covid cũng được ghi nhận tại nhiều nước trên thế giới. Ngành y tế thành phố xem đây là vấn đề sức khỏe cần được đặc biệt quan tâm và là một hoạt động trọng tâm trong năm 2022”.

Tình trạng di chứng sau khỏi Covid-19 được các nhà khoa học thế giới gọi là “hội chứng Covid kéo dài”, với hơn 200 di chứng. Tùy cơ địa mỗi người gặp vấn đề sức khỏe khác nhau, song đến nay vẫn là “bí ẩn chưa thể giải đáp” với các nhà khoa học.

Trên thực tế, VnExpress đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc di chứng sau khỏi Covid, trong đó thường gặp là rụng tóc, phát ban, mất ngủ, xơ phổi, rối loạn tâm thần, sợ lanh

Theo ông Thượng, Sở Y tế thành phố đã huy động các chuyên gia lĩnh vực sức khỏe xây dựng kế hoạch điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người có các vấn đề sức khỏe hậu Covid. Thành phố sẽ khôi phục hoạt động điều trị các bệnh thông thường; phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe hậu Covid-19; tăng cường phối hợp Đông – Tây y trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người dân… Riêng về di chứng tâm thần sau Covid, Sở Y tế tổ chức tổng đài chăm sóc sức khỏe tâm thần, đẩy mạnh các hoạt động điều trị sức khỏe tâm thần.

Dẫn nhận định của các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Thượng nói rằng Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023, thậm chí có thể xuất hiện thêm các biến chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho diễn biến dịch phức tạp, khó lường. TP HCM cũng không ngoại lệ, dù số ca mắc, số chuyển nặng và tử vong thời gian gần đây đã giảm sâu.

“Với quyết tâm tăng độ bao phủ vaccine đến người dân, nhất là nhóm người có nguy cơ, cùng với những tín hiệu lạc quan về thuốc kháng virus molnupiravir, thành phố có cơ sở và niềm tin để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, ông Thượng nói.

Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết ngoài 6 chiến lược ứng phó Covid trong tình hình mới, cơ quan này cũng đã xây dựng kế hoạch ứng phó biến chủng Omicron. Trong đó, thành phố triển khai các hoạt động kiểm soát người nhập cảnh, xét nghiệm nhanh khi vừa nhập cảnh, người dương tính sẽ cách ly tại bệnh viện dã chiến số 12 và lấy mẫu PCR giải trình tự gene virus.

“Hai nhiệm vụ quan trọng không thể tách rời của ngành y tế trong năm 2022 là thực hiện hiệu quả tốt nhất công tác phòng chống dịch, đồng thời đảm bảo không làm gián đoạn việc chăm sóc sức khỏe cho người dân với chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất”, ông Thượng nói.

Tính đến ngày 7/1, TP HCM ghi nhận 506.902 ca nhiễm trong đợt dịch thứ tư. Thành phố đang điều trị 5.214 F0 tại bệnh viện tầng 2 và 3. Trong đó, 1.084 ca ở tầng 3; số ca nặng có hỗ trợ hô hấp là 1.630; 316 người đang thở máy xâm lấn; 73 ca là trẻ em dưới 16 tuổi; 31 phụ nữ đang mang thai. 916 người đang cách ly tập trung. Số F0 đang cách ly tại nhà là 34.713 người.

TThành phố ghi nhận hơn 20.000 người tử vong do Covid-19. Trong ngày 7/1, thêm 18 ca tử vong, trong đó có 7 ca từ tỉnh chuyển lên. Đây là con số tử vong thấp nhất 6 tháng qua, kể từ khi dịch bùng phát mạnh tại TP HCM.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to top