Theo VnExpress – Nhiều người có các triệu chứng Covid song test nhanh âm tính, xét nghiệm PCR dương, bác sĩ cho rằng có thể do thao tác tự lấy mẫu không đúng dẫn đến âm tính giả hoặc tải lượng virus thấp.
Chị Hoàng Linh 31 tuổi, tiếp xúc F0 trong công ty, triệu chứng ho, ngứa cổ họng, ba lần test nhanh trong ba ngày liên tiếp vẫn âm tính, đến tối ngày thứ ba bắt đầu sốt. Chị xét nghiệm PCR, kết quả dương tính, nồng độ virus (CT) 25. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trị số CT càng nhỏ thể hiện nồng độ virus càng cao; CT≥30 là một trong các tiêu chí để F0 được xem là khỏi bệnh. Như vậy CT của chị Linh là 25 tức ở mức thấp.
“Tôi đã tiêm ba mũi vaccine, ho đờm trong họng, không mệt, kết quả xét nghiệm PCR rõ ràng nên yên tâm điều trị và thoải mái tâm lý hơn là cứ sống trong lo lắng nghi nhiễm”, chị chia sẻ.
Anh Quân, 33 tuổi; anh Tùng, 31 tuổi sống tại TP Thủ Đức, từng tiếp xúc nhiều F0, ăn uống chung nhau. Cả hai test nhanh âm tính, triệu chứng hơi tức ngực nhẹ, hồi hộp, kết quả xét nghiệm PCR dương. Sau 7 ngày, các triệu chứng biến mất, xét nghiệm âm tính, không lây cho người trong gia đình.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, giải thích người có triệu chứng điển hình của Covid-19 song test nhanh âm tính có thể đang trong thời gian ủ bệnh hoặc đã nhiễm nhưng nồng độ virus ở mức độ thấp. Do đó, xét nghiệm kháng nguyên kết quả âm tính giả, xét nghiệm PCR dương tính. Một số người thao tác tự lấy mẫu test nhanh có thể không đúng cách dẫn đến kết quả xét nghiệm không chính xác (âm giả trong khi thực tế dương).
“Một số người bị cúm song nhầm tưởng mình mắc Covid-19 vì các triệu chứng gần giống nhau”, bác sĩ Tiến nói. Người dân mang tâm lý sợ hãi (dẫn đến đánh trống ngực, hồi hộp) và cảnh giác hơn khi sốt, ho hoặc đau đầu, nhất là có yếu tố dịch tễ tiếp xúc F0.
Ngoài ra, các nghiên cứu trên thế giới đi đến kết luận là xét nghiệm nhanh ít nhạy hơn đối với chủng Omicron so với chủng Delta.
Chia sẻ trên Forbes, tiến sĩ Gerald W. Fischer dẫn nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy tỷ lệ xét nghiệm âm tính giả ở người mắc Covid có triệu chứng là 20%, người không triệu chứng là 59%. Xét nghiệm PCR có tỷ lệ âm tính giả thấp hơn. Nghiên cứu trước đó của Viện Johns Hopkins cũng chỉ ra rằng lấy mẫu quá sớm trong giai đoạn đầu mắc bệnh có thể dẫn đến kết quả sai.
Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy một số loại kit kém nhạy cảm hơn với chủng Omicron, đặc biệt trong những ngày đầu mắc Covid-19. Theo dữ liệu sơ bộ từ một nghiên cứu đăng tải trên medRxiv, khảo sát hơn 700 người, một loại kit test phổ biến ở Mỹ phát hiện hơn 95% người nhiễm Omicron có tải lượng virus cao. Tuy nhiên khi tải lượng virus thấp, kit test bỏ sót khoảng 35% ca nhiễm.
Dữ liệu vào cuối tháng 12/2021 của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) công nhận xét nghiệm kháng nguyên vẫn hiệu quả với ca nhiễm Omicron, song độ nhạy đã giảm. Thông báo này dựa trên nghiên cứu của Đại học Emory, trực thuộc Viện Y tế Quốc gia, so sánh hiệu suất xét nghiệm nhanh trên các mẫu nhiễm hai chủng Omicron và Delta.
Bruce Tromberg, Giám đốc Viện Kỹ thuật Sinh học và Hình ảnh Y sinh Quốc gia của NIH, Mỹ, cũng cho rằng kit thử nhanh phát hiện biến chủng Omicron kém hơn Delta.
Trong bối cảnh Omicron đang dần chiếm ưu thế tại Việt Nam, các bác sĩ khuyến cáo người có triệu chứng Covid điển hình song xét nghiệm nhanh âm tính cũng không nên chủ quan. “Những người này cần theo dõi 5-7 ngày, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh”, bác sĩ Tiến khuyên. Kể cả trong trường hợp các triệu chứng trên không phải nhiễm Covid mà là cúm, vẫn nên tuân thủ biện pháp 5K để tránh lây lan cho những người xung quanh, chung sống an toàn trong đại dịch.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, khuyên không nên quá lo lắng nếu bạn gặp các triệu chứng cảm thông thường, chỉ nghi nhiễm khi đi kèm triệu chứng khó thở.