Phụ huynh không để trẻ nhịn đói, không ngưng thuốc đang uống hay trì hoãn lịch tiêm các loại vaccine khác khi cho trẻ 5-11 tuổi tiêm vaccine Covid-19.
Từ ngày 14/4, các tỉnh thành địa phương trên cả nước bắt đầu triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em 5-11 tuổi. Hai vaccine sử dụng để tiêm cho nhóm trẻ này là Moderna và Pfizer, với hàm lượng ít hơn so với vaccine dành cho độ tuổi từ 12 trở lên.
Vaccine Pfizer được tiêm cho trẻ từ 5 – 11 tuổi có hàm lượng là 10mcg, bằng 1/3 hàm lượng so với liều dùng cho người từ 12 tuổi trở lên. Vaccine Moderna tiêm cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi có hàm lượng bằng 1/2 liều của người lớn (tương đương 0,25 ml). Trẻ chỉ tiêm 2 mũi vaccine cùng loại, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào. Đặc biệt, vaccine Moderna không tiêm cho trẻ 5 tuổi.
Theo BS.CKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, vaccine ngừa Covid-19 an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, bất kỳ một loại vaccine nào cũng có thể là tác nhân kích thích phản ứng dị ứng hay sốc phản vệ của cơ thể, dù tỷ lệ rất hiếm. Do đó, phụ huynh cần chuẩn bị và cung cấp đầy đủ những thông tin về trẻ cho bác sĩ khám sàng lọc, như tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ, tiền sử bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch nguyên phát hoặc mắc phải, các loại thuốc điều trị, tiền sử mắc Covid-19 nếu có, tiền sử dị ứng, phản ứng nặng hoặc nghiêm trọng với các loại thuốc, thực phẩm, hóa chất hay vaccine khác, tình trạng rối loạn đông máu, phản ứng nặng khi tiêm những loại vaccine khác hoặc đã từng ngất xỉu liên quan đến tiêm thuốc hay không…
Phụ huynh không tự ý cho trẻ ngưng thuốc điều trị đang uống và cần mang theo toa thuốc, bệnh án để bác sĩ khám sàng lọc chỉ định tiêm chủng vaccine Covid-19 chính xác.
Trước khi đi tiêm vaccine Covid-19, trẻ cần được ăn uống đầy đủ. Uống nhiều nước vào ngày tiêm vaccine có thể giúp trẻ bớt sốt.
Bác sĩ Chính hướng dẫn thêm, trẻ cũng cần được chuẩn bị tốt về tinh thần để sẵn sàng cho việc tiêm vaccine Covid-19. Khi trẻ thoải mái, sẽ ít có những phản ứng như khóc hay giãy giụa khi tiêm chủng. “Một số trẻ có thể sợ khi phải đến nơi đông người như bệnh viện, phòng tiêm hoặc sợ kim tiêm. Vì vậy, cha mẹ cần tìm cách trấn an nỗi lo lắng của trẻ, có thể bằng cách cho trẻ mang theo món đồ trẻ yêu thích như đồ chơi, thú nhồi bông… Một phần thưởng cho trẻ sau buổi tiêm cũng giúp cho trẻ có động lực tốt hơn”, bác sĩ Chính cho biết.
Ngoài ra, trẻ cần được bố mẹ giải thích về lợi ích của việc tiêm vaccine Covid-19, quy trình tiêm như thế nào, có thời gian chờ theo dõi sau tiêm ra sao. Bố mẹ cũng cần chuẩn bị phương án ứng phó nếu trẻ có cơn đau sau tiêm. Một số cách giúp trẻ giảm đau là: ngồi yên, hít thở sâu, thả lỏng cơ thể và cánh tay… Bố mẹ có thể nói chuyện và thu hút sự chú ý của trẻ đến những thứ khác để trẻ quên đi nỗi sợ kim tiêm.
Bác sĩ Bạch Thị Chính nhấn mạnh nhiều phụ huynh hiện nay đang trì hoãn lịch tiêm vaccine phòng bệnh truyền nhiễm để chờ tiêm vaccine Covid-19. Điều này có thể khiến trẻ đối diện nguy cơ nhiễm bệnh. “Không có khoảng cách giữa vaccine Covid-19 và các vaccine khác. Với tình hình dịch bệnh phức tạp hiện tại, bên cạnh việc tiêm vaccine Covid-19, trẻ cần tiêm các loại vaccine quan trọng khác mà không cần duy trì khoảng cách nào về thời gian”, bác sĩ Chính thông tin thêm.
Theo bác sĩ Chính, tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 11 tuổi là cần thiết để bảo vệ sức khỏe trẻ em và giúp trẻ được học tập, vui chơi, cha mẹ yên tâm làm việc trong điều kiện Việt Nam đang chuyển dần sang trạng thái “sống chung” với Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.