SKĐS – Ngày 9/5/2023, tại Hà Nội, PEPFAR (Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Hoa Kỳ hợp tác và hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.
PEPFAR là nhà tài trợ lớn nhất cho chương trình Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam kể từ năm 2004, khi Việt Nam trở thành nước thứ 15 trên thế giới, được tiếp nhận hỗ trợ từ Chính phủ Hoa Kỳ thông qua Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS.
Hiện PEPFAR đang hỗ trợ 11 tỉnh trọng điểm có số người nhiễm còn sống chiếm 45,2 % trên cả nước. Trong gần 20 năm qua PEPFAR đã hỗ trợ mở rộng các dịch vụ phòng ngừa, chăm sóc và điều trị HIV có chất lượng cho người sống chung với HIV và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV trên các quần thể đích (KP), thông qua hỗ trợ cung cấp dịch vụ trực tiếp (DSD), đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật rất toàn diện và chất lượng bao gồm cả giới thiệu và nhân rộng các sáng kiến về tài chính bền vững, các mô hình cung cấp dịch vụ tiên tiến, hiệu quả.
Ngoài ra, PEPFAR đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thiết lập hệ thống quản lý thông tin toàn diện, bền vững và công nghệ mới; phát triển và duy trì mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS ở cấp quốc gia, khu vực và cấp tỉnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thể hiện mong muốn: PEPFAR tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế một số giải pháp ưu tiên đặc biệt là hỗ trợ cung ứng thuốc, sinh phẩm xét nghiệm HIV trong tình trạng khẩn cấp đặc biệt trong bối cảnh ngành y tế đang gặp nhiều khó khăn về vấn đề mua sắm và cung ứng thuốc, hàng hóa và vật tư y tế.
Bên cạnh đó là một số ưu tiên khác gồm mở rộng các mô hình tư vấn và xét nghiệm, mở rộng các tỉnh thụ hưởng trong chiến lược đáp ứng y tế công cộng để có đầy đủ các bằng chứng nhằm đưa ra các can thiệp phù hợp. Ngoài ra đứng trước tình hình dịch đang có xu hướng tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM), nhóm chuyển giới, Bộ trưởng đề nghị PEPFAR hỗ trợ chiến lược tổng thể để can thiệp giảm bớt nguy cơ dịch HIV đang tăng nhanh trong nhóm này.
Tính đến cuối năm tài chính 2022, PEPFAR tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật để đưa hơn 144.000 bệnh nhân điều trị ARV theo hình thức bảo hiểm y tế xã hội, trong đó có 80.000 bệnh nhân dùng thuốc TLD (điều trị HIV).
Trong năm 2022, chương trình PEPFAR Việt Nam đã hỗ trợ kỹ thuật giúp phát hiện 9.412 người có HIV, kết nối thành công 94% vào điều trị, thu dung 8,856 bệnh nhân vào điều trị ARV mới, đưa tổng số bệnh nhân đang điều trị bằng ARV lên 90,630 bệnh nhân và giúp đạt ngưỡng ức chế virus 98,8% tại 11 tỉnh, thành phố thuộc Khu kinh tế phía Bắc và Vùng đô thị thành phố Hồ Chí Minh.
Bắt đầu từ năm 2017, PEPFAR đã làm việc với các tổ chức dựa vào cộng đồng và các đối tác phi chính phủ để triển khai chiến dịch U = U (Undetectable = Untransmittable) mà Việt Nam gọi là K = K (Không phát hiện = Không lây truyền).
Chiến dịch này dựa trên cơ sở khoa học mới nhất trong lĩnh vực HIV đó là, một người nhiễm HIV điều trị bằng thuốc kháng virus đạt tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 bản sao/mL máu), sẽ không có khả năng lây truyền HIV cho người khác qua đường tình dục.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong chương trình PEPFAR toàn cầu xác nhận và sử dụng thông điệp U = U để hỗ trợ các mục tiêu điều trị. Với sự hỗ trợ của PEPFAR, chiến dịch K=K được triển khai ở Việt Nam rất thành công như điểm sáng trên thế giới. Sự thành công của chiến dịch này không chỉ giúp người nhiễm HIV tuân thủ điều trị mà còn giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.
Khi bắt đầu năm tài chính 2023, chương trình PEPFAR còn tiếp tục hỗ trợ mở rộng và đa dạng hóa các dịch vụ liên quan đến HIV cho các quần thể đích và sẽ đưa 18.000 người âm tính với HIV mới có nguy cơ lây nhiễm cao vào điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP).
Ngay từ rất sớm Chương trình PEPFAR cùng các đối tác khác đã hỗ trợ thiết lập nên hệ thống các cơ sở dịch vụ kỹ thuật phục vụ cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và các chương trình khác có liên quan: Hỗ trợ nâng cao năng lực hệ thống xét nghiệm nhằm phát hiện người nhiễm HIV, hỗ trợ theo dõi điều trị đồng bộ có chất lượng và rộng khắp tại Việt Nam; hỗ trợ các phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn của quốc gia và quốc tế như ISO 15189; hỗ trợ các Trung tâm kiểm chuẩn, các phòng xét nghiệm tham chiếu quốc gia cung cấp các chương trình ngoại kiểm cho xét nghiệm HIV, tải lượng virus, CD4 và hiệu chuẩn trang thiết bị tại các cơ sở y tế của Việt Nam; ứng dụng xét nghiệm nhiễm mới.
Chính phủ Việt nam vẫn cam kết cùng với hỗ trợ của PEPFAR để tiếp tục xây dựng các cơ chế tài chính cho việc chuyển giao bền vững các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân, sự tham gia của các tổ chức xã hội trong đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS nhằm đảm bảo sử dụng có hiệu quả các nguồn lực huy động.