Từ tháng 9/2015, WHO khuyến cáo những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao nên sử dụng PrEP (viết tắt của Pre-Exposure Prophylaxis hay dự phòng trước phơi nhiễm HIV). Thử nghiệm lâm sàng chứng minh sử dụng PrEP đúng có thể làm giảm nguy cơ nhiễm HIV đến hơn 90%.
PrEP là gì?
Dự phòng trước phơi nhiễm HIV – PrEP – là việc một người CHƯA NHIỄM HIV sử dụng thuốc kháng vi-rút (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV.
PrEP có hiệu quả như thế nào?
PrEP có hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV rất cao, kể cả khi bạn không sử dụng bao cao su khi quan hệ. Thử nghiệm lâm sàng chứng minh sử dụng PrEP đúng có thể làm giảm nguy cơ nhiễm HIV đến hơn 90%.
Sử dụng PrEP thế nào là đúng?
PrEP cần uống đều đặn mỗi ngày. Để giúp bạn không quên, việc uống PrEP nên gắn với một thói quen hằng ngày của bạn, như đánh rang, hoặc đặt chuông đồng hồ, điện thoại để nhắc nhở.
PrEP chỉ đạt hiệu quả tối đa sau khi uống 7 ngày (đối với dự phòng quan hệ tình dục qua đường hậu môn) và sau 21 ngày (đối với dự phòng quan hệ tình dục qua đường âm đạo hoặc đường máu).
PrEP có tác dụng phụ không?
PrEP rất an toàn, không có tác dụng phụ đối với 90% người sử dụng. Chỉ khoảng 10% người sử dụng gặp một số tác dụng phụ nhẹ, thoáng qua lúc đầu, như tiêu chảy, buồn nôn, chán ăn, đau quặn bụng hoặc đầy hơi. Một số người có thể bị chóng mặt hoặc đau đầu. Các tác dụng phụ này thường nhẹ và kéo dài trong vòng vài ngày hay vài tuần, nhưng thường không quá 1 tháng mà không cần ngừng PrEP.
Địa điểm cung cấp PrEP MIỄN PHÍ
Tại Đồng Nai (Chương trình được dự án USAID/PATH Healthy Markets dưới sự tài trợ của PEPFAR thực hiện):
Hoặc liên hệ trang Facebook Xóm Cầu Vồng để được tư vấn ngay.
Tại Hà Nội, TP.HCM vui lòng xem thêm thông tin tại đây
Thông tin thêm về PrEP:
Khi nào có thể ngừng sử dụng PrEP?
Bạn có thể ngừng PrEP 28 ngày sau lần phơi nhiễm HIV cuối cùng. Bạn có thể ngừng PrEP nếu không còn nguy cơ lây nhiễm HIV nữa. Bạn không còn nguy cơ lây nhiễm HIV khi:
Quan hệ tình dục an toàn (luôn luôn sử dụng bao cao su đúng cách bất cứ khi nào quan hệ tình dục)
Không còn tham gia bán dâm nữa
Bạn tình có HIV đã được điều trị HIV từ 6 tháng trở lên và có tải lượng vi-rút HIV ở ngưỡng ức chế, không phát hiện được.
Vì sao cần xét nghiệm HIV trước khi sử dụng PrEP?
Bạn cần xét nghiệm HIV trước khi bắt đầu PrEP hoặc khi tái sử dụng PrEP sau khi đã dừng một thời gian. Chỉ dùng PrEP khi kết quả xét nghiệm HIV âm tính. PrEP không dùng để điều trị người đã nhiễm HIV. Dùng PrEP ở những người đã nhiễm HIV có thể dẫn đến kháng thuốc, làm hạn chế hiệu quả điều trị sau này.
PrEP có phòng tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục không?
PrEP không phòng ngừa được các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác ngoài HIV, như giang mai, lậu, chlamydia. Cần sử dụng bao cao su đúng cách mỗi lần quan hệ tình dục để bảo vệ bạn không mắc các lây nhiễm qua đường tình dục này.
PrEP có tác dụng tránh thai không?
PrEP không có tác dụng tránh thai.
Thuốc uống, thuốc tiêm hay thuốc cấy tránh thai nội tiết không thay đổi hiệu quả của thuốc PrEP, và PrEP cũng không làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai.
PrEP có tương tác với ma túy hay rượu không?
PrEP không có tương tác với ma túy hoặc rượu. Uống rượu hoặc sử dụng ma túy, như cocaine hoặc methamphetamine sẽ không làm giảm hiệu quả của PrEP.
Tôi có viêm gan B, liệu tôi có thể sử dụng PrEP không?
Bạn cần xét nghiệm máu để biết mình có nhiễm vi-rút viêm gan B hay không. Nếu có vi-rút viêm gan B, bạn cần khám chuyên khoa để xác định xem bạn có chỉ định điều trị viêm gan B không. Nếu bạn không có chỉ định điều trị viêm gan B, thì bạn vẫn có thể sử dụng PrEP.
Có thể sử dụng PrEP khi mang thai và cho con bú không?
Bạn có thể sử dụng PrEP trong suốt thời kì mang thai và cho con bú.