Theo VnExpress – Tại Hà Nội, mưa rét kéo dài, số người có nhu cầu lấy mẫu tận nhà xét nghiệm PCR tăng nhanh khiến dịch vụ này quá tải, song chuyên gia khuyến cáo không cần thiết.
Lần thứ ba gọi điện đến bệnh viện để đăng ký dịch vụ xét nghiệm PCR tận nhà, anh Nam 28 tuổi, ở Thanh Xuân, mới được một nhân viên bắt máy.
“Nhân viên bệnh viện nói là dịch vụ đang quá tải, chưa biết chính xác lúc nào thu xếp có người đến nhà lấy mẫu xét nghiệm được”, anh Nam cho biết. Anh nghi mình mắc Covid-19, test nhanh không lên hai vạch nên muốn xét nghiệm PCR để khẳng định và có biện pháp cách ly điều trị phù hợp. Muốn xét nghiệm PCR thì phải đến bệnh viện (xét nghiệm bằng máy), hoặc đăng ký dịch vụ lấy mẫu tận nhà. Tuy nhiên, anh liên hệ nhiều bệnh viện đều bị từ chối hoặc đường dây nóng không liên lạc được.
Như bệnh viện đề cập ở trên, đến cuộc gọi thứ ba, anh Nam mới được tiếp nhận điện thoại, những lần trước đường dây nóng liên tục bận. Khi bị từ chối, anh gọi sang bệnh viện khác, cũng không ai bắt máy. Sau đó, anh Nam đăng thông tin lên hội nhóm trên mạng xã hội nhờ giúp đỡ. Ngay lập tức, anh nhận được tin nhắn “nhận xét nghiệm dịch vụ PCR tại nhà” với lời mời chào như “sáng test chiều có kết quả”, “thủ tục nhanh gọn, chính xác, kết quả song ngữ, đầy đủ mã QR”… Người dịch vụ đều giới thiệu là cộng tác viên, làm việc tại trung tâm xét nghiệm để tăng mức độ tin cậy.
Anh Hùng ở Nam Từ Liêm, test nhanh hôm 16/2 phát hiện dương tính, mẹ, vợ và con trai anh âm tính. Muốn kiểm tra chính xác, anh gọi đến các bệnh viện lớn như Medlatec, Thu Cúc, Hồng Ngọc… đăng ký dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm PCR tại nhà. Có bệnh viện hẹn hôm sau, có bệnh viện từ chối do “đang bận, F0 quá đông”. Sau 5-6 lần bất thành, cuối cùng anh liên hệ một trung tâm xét nghiệm (được Bộ Y tế cấp phép), chờ hôm sau mới được lấy mẫu.
Anh Hùng cho biết: “Xét nghiệm PCR để yên tâm với kết quả khẳng định dương tính nCoV, đồng thời biết chỉ số CT bao nhiêu, tức là tải lượng virus trong cơ thể cao hay thấp nhằm cách ly phù hợp”.
Ly, 24 tuổi, ở quận Ba Đình, cũng liên lạc với bệnh viện lấy mẫu xét nghiệm PCR để biết nồng độ virus trong cơ thể. Cô ngại đến bệnh viện, sử dụng test nhanh sợ dương hoặc âm tính giả.
Theo lãnh đạo một trung tâm xét nghiệm ở Hà Nội, sau Tết dịch bùng phát nhanh, nhu cầu xét nghiệm PCR của người dân tăng cao trong khi số nhân viên y tế tại trung tâm chỉ có vài người, không đáp ứng được nhu cầu. Trung tâm này đã dừng dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà.
Ông cho biết chi phí để duy trì một đội nhân viên chuyên đến nhà lấy mẫu xét nghiệm PCR khá cao. Trong khi đó, “nếu thu phí cao thì vượt quy định Bộ Y tế”, nên trung tâm đã dừng dịch vụ này. Cao điểm dịch, giá dịch vụ xét nghiệm PCR khoảng 500.000 đồng một mẫu, cộng chi phí đến tận nhà lấy mẫu nên tăng thêm 150.000-250.000 đồng tùy khoảng cách.
Để khắc phục, trung tâm sử dụng hơn 10 cộng tác viên lấy mẫu, hoạt động trên các địa bàn tại Hà Nội. Vì vậy, khi nhu cầu tăng cao, nhiều người đăng ký dịch vụ, cộng tác viên không thể đến lấy mẫu ngay được.
Khảo sát của VnExpress, dịch vụ lấy mẫu tại nhà hiện giá cả linh hoạt, tùy thuộc vào khu vực, mẫu gộp hay mẫu đơn. Chi phí ở khu vực nội thành rẻ hơn, F0 ở ngoại thành phải thêm phụ phí đi lại. Những người làm dịch vụ này hẹn trả kết quả vào hôm sau thông qua tin nhắn.
Một cộng tác viên cho biết “lượng khách hàng đang tăng chóng mặt”. Tuy nhiên Hà Nội đang mưa rét buốt, hiệu suất thu mẫu của nhân viên cũng giảm. “Tôi phải hẹn khách sau 24-48 giờ mới đến lấy mẫu được”, người này nói.
Đại diện một số trung tâm xét nghiệm lớn như Medlatec, Hồng Ngọc, không trả lời câu hỏi về tình trạng quá tải xét nghiệm PCR hiện nay.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm Khuẩn – thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM) cho rằng kỹ thuật lấy mẫu test nhanh thực hiện đúng cách sẽ cho kết quả chính xác, người dân không cần phải lấy mẫu xét nghiệm PCR. Một số người cho rằng xét nghiệm PCR để biết tải lượng virus (chỉ số CT) cơ thể cao hay thấp, thực tế “tải lượng virus chỉ có ý nghĩa xem nguy cơ lây nhiễm cho người khác thế nào, không có ý nghĩa trong tiên lượng bệnh”.
Test nhanh giúp giảm thời gian chờ kết quả của F0 và bớt công việc cho nhân viên y tế, lại dễ sử dụng, thời gian có kết quả nhanh không phụ thuộc vào kỹ năng xét nghiệm, thao tác đơn giản. Trong khi đó, xét nghiệm RT-PCR tiến hành trên máy, đòi hỏi người sử dụng phải được đào tạo chuyên môn, kỹ năng chuẩn xác và thường mất 4-6 giờ mới có kết quả, theo ông Khanh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thường (Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Hà Nội) nói rằng xét nghiệm PCR là không cần thiết khi F0 cộng đồng quá nhiều, kết quả test nhanh đã đủ để kết luận nhiễm. Ai test nhanh dương tính thì liên hệ y tế phường để ghi nhận. Ngoài ra, đa số F0 nhẹ, không triệu chứng, đã được tiêm vaccine đầy đủ, thì “không nên quá bận tâm đến chỉ số CT”. Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, gần 97% F0 không triệu chứng/nhẹ điều trị tại nhà, gần 100% dân số đã tiêm hai mũi vaccine.
Bác sĩ cho biết bệnh viện chủ yếu xét nghiệm PCR cho F0 đang điều trị và trước khi ra viện.
Tháng 12/2021, Bộ Y tế cho phép Hà Nội xác định F0 khi có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính, thay vì xét nghiệm PCR mang giá trị khẳng định, trong bối cảnh tình hình dịch diễn biến phức tạp, số ca nhiễm có xu hướng tăng. Theo đó, kit test sử dụng phải được Bộ Y tế cấp phép, xét nghiệm do nhân viên y tế thực hiện hoặc giám sát thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc từ xa.
Hôm 19/2, Bộ Y tế vừa điều chỉnh giá dịch vụ xét nghiệm, với giá test nhanh không quá 78.000 đồng một mẫu, xét nghiệm PCR mẫu đơn không quá 501.800 đồng.