Theo tiengchuong.vn – Ngày 12/5, tại trường Đại học Đồng Nai, Dự án USAID/PATH STEPS phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai (CDC) và Phòng khám Glink Đồng Nai triển khai truyền thông về tình dục an toàn, dự phòng HIV và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho sinh viên.
Tham dự sự kiện, có PGS. TS. Phan Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS – Bộ Y tế; Bác sĩ Nguyễn Hữu Tài – Phó Giám Đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai; TS Đinh Quang Minh Phó Hiệu trưởng trường Đại học Đồng Nai; bác sĩ Lopa Basu – Cố vấn Y tế Cao cấp Văn Phòng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Việt Nam; Tiến sĩ Kimberly Green – Giám đốc toàn cầu của PATH về HIV và Lao, Giám đốc dự án STEPS, ông Lê Minh Thành – CEO Glink Việt Nam, đại diện Cơ quan Kiểm soát Bệnh tật (CDC)… và gần 1.000 học sinh, sinh viên của trường Đại học Đồng Nai.
Dịch HIV/AIDS đang có xu hướng trẻ hóa
Phát biểu tại sự kiện, PGS. TS. Phan Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS cho biết, trong những năm gần đây dịch HIV/AIDS đang có xu hướng trẻ hóa và tăng nhanh ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới nam. Phân tích trong số mới phát hiện nhiễm HIV là nam quan hệ tình dục đồng giới nam cho thấy có sự tập trung cao nhóm đối tượng này là công nhân lao động trong các khu công nghiệp và sinh viên các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.
Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, HIV/AIDS vẫn đang là gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam khi mỗi năm Việt Nam phát hiện mới hơn 12.000 người nhiễm HIV và khoảng 2.000 người nhiễm HIV tử vong.
Tại Việt Nam, số người nhiễm HIV đang còn sống được báo cáo là 212.769 trường hợp. Số người nhiễm HIV tử vong lũy tích tính từ khi bệnh này bùng phát đến nay là 108.849 trường hợp.
Trong năm 2021, các địa phương tiếp tục rà soát các trường hợp nhiễm HIV chưa tham gia điều trị để tư vấn điều trị. Trong quá trình rà soát phát hiện nhiều trường hợp tử vong chưa được báo cáo và cũng trong quá trình rà soát có một số trùng lặp, đã được loại bỏ.
Từ đầu năm 2021 tới nay, cả nước ghi nhận 10.925 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính; ghi nhận 1.528 trường hợp tử vong. Trong số người mới phát hiện có gần 85% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 16-29 (46%) và 30-39 (29%), đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (hơn 79%) và qua đường máu (9,9%).
Ước tính đến hết năm 2021, cả nước phát hiện khoảng 13.000 trường hợp HIV dương tính và 2.000 trường hợp tử vong.
Lây truyền qua đường quan hệ tình dục không an toàn tiếp tục là đường lây chính trong lây nhiễm HIV và tỉ lệ này ngày càng tăng (từ hơn 65% vào năm 2019 tăng lên gần 76% vào năm 2020 và hiện tại là trên 79%).
Vì vậy, theo bà Phan Thị Thu Hương, tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS ở học sinh sinh viên của các trường là một trong những ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam trong những năm tiếp theo, nhằm cung cấp cho các em kiến thức cơ bản về HIV/AIDS để biết phòng tránh lây nhiễm HIV, đồng thời có những thông tin chính xác về các dịch vụ tư vấn xét nghiệm, dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và điều trị HIV nếu không may nhiễm HIV.
Với sự cập nhật nhanh chóng những tiến bộ của y khoa trên thế giới; sự mở rộng dự phòng và điều trị bằng thuốc kháng virus tại Việt Nam thì các bạn trẻ, nhất là trong giới sinh viên hoàn toàn có thể được bảo vệ trước đại dịch HIV.
Mở rộng các mô hình điều trị trước phơi nhiễm HIV bằng PrEP
PrEP là một trong những phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao. Nếu tuân thủ điều trị bắng PrEP, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV đến hơn 90%.
Anh Lê Minh Thành, Giám đốc hệ thống phòng khám Glink (Hệ thống chuyên cung cấp các dịch vụ y tế) cho biết, qua 2 năm hoạt động tại Đồng Nai, phòng khám Glink đã tiếp nhận hỗ trợ điều trị PrEP cho nhiều người có nguy cơ lây nhiễm. Khách hàng đến với phòng khám là những người có quan hệ đồng giới, người có vợ/chồng bị nhiễm HIV/AIDS, một số người âm tính với HIV/AIDS nhưng có nguy cơ lây nhiễm cao, một số bạn sinh viên chưa biết cách quan hệ tình dục an toàn.
Việc triển khai các dịch vụ HIV/AIDS nói chung và điều trị PrEP nói riêng tại phòng khám cũng gặp nhiều thuận lợi như: Lượng khách hàng tiềm năng tương đối cao, có sẵn mạng lưới hỗ trợ từ cộng đồng. Phòng khám đã triển khai cung cấp PrEP tại TPHCM nên có nhiều kinh nghiệm; thời gian hoạt động của phòng khám linh hoạt nên khách hàng dễ tiếp cận. Bên cạnh đó, nhân viên của phòng khám là những người xuất phát từ cộng đồng nên tạo được niềm tin cho khách hàng.
Tuy nhiên, qua thăm khám và tư vấn, nhiều bạn trẻ, nhất là những bạn sinh viên, những người lao động trong các khu công nghiệp chưa có kiến thức về sinh hoạt tình dục an toàn và biết cách dự phòng tránh lây nhiễm HIV.
Bác sĩ Vũ Quốc Bảo, cố vấn chuyên môn tổ chức Path (Dự án USAID) chia sẻ thông tin: Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV sử dụng thuốc ARV nếu dùng mỗi ngày có hiệu quả cao, có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV đến hơn 90%. PrEP an toàn cho người dùng, cả phụ nữ mang thai và đang cho con bú. Đây cũng là cơ hội thuận lợi để nhóm có nguy cơ cao như nam quan hệ đồng giới, nhóm chuyển giới… được dễ dàng tiếp cận dịch vụ dự phòng này. Tuy nhiên, đây là phương pháp điều trị dự phòng nên đòi hỏi người tham gia phải tuân thủ đúng hướng dẫn chuyên môn. Nếu không tuân thủ dùng thuốc đều đặn hàng ngày, sẽ không thể dự phòng lây nhiễm HIV một cách hiệu quả.
Đánh giá những kết quả của hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng PrEP hiện nay do tổ chức Path tài trợ tại Đồng Nai, bác sĩ Vũ Quốc Bảo cho biết thêm, tuy là địa phương mới triển khai trong thời gian ngắn nhưng số người tham gia điều trị luôn vượt chỉ tiêu hàng năm. Đồng Nai là đơn vị đi đầu trong việc triển khai các dịch vụ, mô hình mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đơn cử như đợt dịch COVID-19 năm 2021 đã ảnh hưởng tới tất cả các hoạt động của Đồng Nai, nhưng khách hàng không bị gián đoạn điều trị bởi các nhóm cộng đồng, các đơn vị đã triển khai mô hình điều trị PrEP từ xa nhằm đưa thuốc tới khách hàng.
Tại sự kiện này, các bạn sinh viên đã được nghe chia sẻ kiến thức, thông tin về tình dục an toàn, kiến thức về HIV/AIDS, về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) với cách thể hiện hết sức sinh động, hấp dẫn và gần gũi thân thiện của bác sĩ Chuyên khoa II Đặng Hà Hữu Phước, Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai và bác sĩ chuyên khoa I Trần Lê Viết Thanh, Giám đốc y khoa hệ thống phòng khám Glink.
Với sự tham gia tích cực, những thông tin, kiến thức cực kì bổ ích của chương trình là hành trang rất quan trọng góp phần bảo vệ sức khỏe, xây dựng tương lai cho các bạn sinh viên hiện tại và mai sau.