(Chinhphu.vn) – Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam hiện có khoảng 7,8 triệu người nhiễm viêm gan virus B mạn tính và gần 1 triệu người nhiễm viêm gan virus C mạn tính. Trong số này, tỉ lệ người nhiễm viêm gan C đồng nhiễm HIV khá cao.
Tỉ lệ nhiễm viêm gan C trên người nhiễm HIV khoảng 34,4%
Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tích lũy đến nay, Việt Nam phát hiện khoảng 242.580 ca nhiễm HIV/AIDS, tập trung ở độ tuổi 16 đến 39. Số phát hiện mắc nhiều tại các tỉnh phía nam, nhất là TPHCM (28%) và đồng bằng sông Cửu Long (26%). Trong đó, tỉ lệ HIV mới phát hiện trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ (chiếm hơn 80%). Đường lây nhiễm HIV đã thay đổi hình thái, nếu như trước đây chủ yếu lây qua đường tiêm chích ma túy, thì nay lây chủ yếu qua nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.
Đối với người nhiễm HIV, tình trạng nhiễm virus viêm gan C có thể làm tăng nhanh tỉ lệ xơ hóa tiến triển và xơ gan so với người chỉ nhiễm viêm gan C. Ngay cả ở những người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C đã được điều trị thuốc ARV và có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế thì nguy cơ xơ gan vẫn cao hơn ở người chỉ nhiễm viêm gan C. Các nghiên cứu gần đây cho thấy tại Việt Nam, tỉ lệ nhiễm viêm gan C trên người nhiễm HIV khoảng 34,4%.
Ở Việt Nam, cứ 100 người nhiễm HIV thì có 30 người trong số đó nhiễm virus viêm gan C. Đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số người tử vong do ung thư gan ở nước ta.
Cũng giống như HIV, bệnh virus viêm gan C bị lây nhiễm qua 3 đường chính là dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn và lây truyền từ mẹ sang con. Khi người bệnh nhiễm HIV đã bị suy giảm miễn dịch rồi, nhiễm thêm virus viêm gan C nữa thì sức khỏe càng yếu, càng dễ nhiễm bệnh lây truyền khác. Thêm nữa, phần lớn người nhiễm HIV đều có hoàn cảnh khó khăn, ít tiếp cận thông tin, thiếu hiểu biết. Đó là những nguyên nhân khiến gia tăng người đồng nhiễm viêm gan C và HIV.
TS.BS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực có gánh nặng viêm gan siêu vi cao. Những người nhiễm HIV và những người tiêm chích ma túy có nguy cơ mắc bệnh viêm gan C cao hơn. Bệnh gan do nhiễm HCV nổi lên như một mối đe dọa lớn đối với sự sống còn của bệnh nhân HIV. Do đó, cần tăng cường các giải pháp điều trị viêm gan C cho người đồng nhiễm HIV.
Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, bệnh nhân đồng nhiễm HIV/HCV có tiến triển nhanh hơn đến xơ gan và các biến chứng của nó so với bệnh nhân đơn nhiễm HCV. Do đó, để giảm tỉ lệ tử vong trong những quần thể này, điều quan trọng là các dịch vụ viêm gan C cần phải sẵn có và những người có nhu cầu có thể tiếp cận được.
Hiện nay, Việt Nam đã và đang triển khai các biện pháp nhằm mở rộng dịch vụ chẩn đoán và điều trị viêm gan C cho người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C. Từ cuối năm 2018, chi phí thuốc DAA điều trị viêm gan C đã bắt đầu được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả với tỉ lệ thanh toán bảo hiểm là 50%.
Từ năm 2021, Quỹ Toàn cầu Phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét hỗ trợ miễn phí thuốc điều trị viêm gan C bằng phác đồ Sofosbuvir và Daclatasvir. Qua đó đã có 16.000 người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C được điều trị tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS của 32 tỉnh/thành phố trên cả nước. Người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C được theo dõi đồng thời đối với điều trị thuốc ARV và viêm gan C ngay tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS từ tuyến quận/huyện trở lên.
Bên cạnh việc thuốc điều trị viêm gan C được cấp miễn phí, người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C sẽ được chi trả các dịch vụ khác như xét nghiệm chẩn đoán viêm gan C theo quyền lợi và mức hưởng của Quỹ Bảo hiểm y tế và các xét nghiệm khác theo quy định.
Để bệnh nhân đồng nhiễm có thêm cơ hội điều trị bệnh bằng bảo hiểm y tế
Mặc dù ngành y tế đang rất nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp điều trị viêm gan C cho người đồng nhiễm HIV và giảm thiểu số bệnh nhân đồng nhiễm, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, bất cập. PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện Trung tâm đang điều trị cho khoảng 500 bệnh nhân đồng nhiễm viêm gan C và HIV kể cả nội trú và ngoại trú. Đối với những bệnh nhân nhiễm HIV bị đồng nhiễm viêm gan C, tình trạng viêm gan C ở người nhiễm HIV có thể làm tăng nhanh quá trình tiến triển đến xơ gan so với người không nhiễm HIV. Ngay cả ở những người bệnh đồng nhiễm HIV và viêm gan C đã được điều trị thuốc ARV và có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế thì nguy cơ xơ gan vẫn cao hơn ở người không nhiễm HIV.
PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, người nhiễm HIV nếu bị đồng nhiễm viêm gan C thì tuổi thọ của bệnh nhân sẽ giảm do dễ bị biến chứng xơ gan dẫn đến ung thư gan. Do đó, thuốc trong quá trình điều trị cũng là một trong những khó khăn, thách thức. Ngoài ra, còn liên quan đến vấn đề những người đồng nhiễm viêm gan B, C thường là những người tiêm chích ma túy, có điều kiện sống và hoàn cảnh rất đặc biệt. Nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, công việc không ổn định trong khi giá thành thuốc điều trị viêm gan C lại đắt, nhiều người đã phải bỏ thuốc. Vì vậy, rất cần những giải pháp để gỡ khó cho các bệnh nhân, đặc biệt những bệnh nhân đồng nhiễm.
Đối với những bệnh nhân đồng nhiễm viêm gan và HIV, chi phí điều trị bệnh nếu không có bảo hiểm y tế sẽ khoảng 12 triệu – 15 triệu đồng/tháng tiền thuốc. Đây là rào cản rất lớn đối với những bệnh nhân này.
Mặc dù từ cuối năm 2018, Quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả 50% chi phí thuốc điều trị viêm gan C và từ năm 2021, với sự hỗ trợ của một số tổ chức phi chính phủ, người đồng nhiễm viêm gan C và HIV được đồng thời theo dõi điều trị thuốc ARV và thuốc điều trị viêm gan C tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS từ tuyến quận huyện trở lên, nhưng không phải ai cũng có điều kiện trả một nửa số tiền còn lại. Khi bỏ thuốc không điều trị có nghĩa tuổi thọ của họ đang bị rút ngắn lại.
PGS.TS Đỗ Duy Cường cho hay, tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, không ít trường hợp bệnh nhân đồng nhiễm viêm gan C và HIV bỏ điều trị ngay sau khi bác sĩ thông báo tình trạng bệnh tật do không có tiền và không có thẻ bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, còn có những trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng muộn do các cơ sở y tế tuyến dưới chưa có đủ điều kiện để làm xét nghiệm tải lượng virus viêm gan C hoặc thường bỏ qua không làm xét nghiệm chẩn đoán ngay từ đầu. Đây cũng là rào cản khiến cho quá trình điều trị cho bệnh nhân khó khăn hơn.
Hiện nay, bệnh viêm gan C vẫn chưa có vaccine nên khi điều trị khỏi một số đối tượng nguy cơ như lọc máu, chạy thận sẽ bị tái nhiễm. Những người tiêm chích ma túy, nếu điều trị khỏi rồi mà hành vi tiêm chích ma túy còn hoặc trong cơ sở y tế nếu không áp dung các biện pháp dự phòng, phổ cập, phòng ngừa thì sẽ lây lan trong môi trường y tế hoặc bệnh nhân có thể lây bệnh cho nhau. Vì vậy, nếu bệnh nhân nhiễm lại thì lại phải điều trị lại từ đầu.
Nhiều nghiên cứu, những người đồng nhiễm HIV và viêm gan C có xơ gan giai đoạn đầu, tỉ lệ sống được 3 năm là 87%, xơ gan giai đoạn cuối, tỉ lệ sống được 2 năm chỉ có 50%, do đó bệnh nhân cần được điều trị sớm để tình trạng bệnh không tiến triển nặng nhanh hơn.
Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, theo Chiến lược Y tế toàn cầu của WHO về HIV, các quốc gia cần ưu tiên, tối ưu hóa đáp ứng với HIV, viêm gan virus. Trong thời gian tới, để công tác này đạt hiệu quả cao, ngành y tế đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp để bệnh nhân đồng nhiễm HIV được tiếp cận điều trị sớm, hướng tới các giải pháp để những bệnh nhân đồng nhiễm được điều trị bệnh bằng bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ tiếp tục điều phối, sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ từ Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS và huy động nguồn lực quốc tế để điều trị sớm viêm gan C cho người nhiễm HIV, người đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.
Theo tiengchuong.chinhphu.vn