Theo VnExpress – Sau hai năm chạy đua sản xuất và tiêm vaccine chống Covid-19, số lượng vaccine sẵn có hiện nay đã vượt quá nhu cầu của nhiều khu vực.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, thế giới sản xuất được 13 tỷ liều vaccine, đã tiêm 11 tỷ liều, theo Liên đoàn Sản xuất và Hiệp hội Dược phẩm Quốc tế (IFPMA). Nhóm nghiên cứu khoa học Airfinity dự kiến các hãng sẽ sản xuất thêm 9 tỷ liều nữa trong năm 2022. Riêng Pfizer có kế hoạch sản xuất 4 tỷ liều.
Tuy nhiên, nhu cầu tiêm chủng có thể giảm xuống còn 6 tỷ liều trong năm nay, theo Thomas Cueni, tổng giám đốc IFPMA. “Kể từ giữa năm 2021, sản lượng vaccine toàn cầu đã vượt quá nhu cầu, khoảng cách này tiếp tục tăng lên”, Cueni nói.
Ông nói thêm, năm nay nguồn cung có thể vượt cầu từ 1,3 tỷ đến 3,1 tỷ liều. Nhiều quốc gia phát triển đang ở tình trạng cung vượt quá cầu. Cuối tháng trước, các nước Liên minh châu Âu và nhóm G7 đã thặng dư 497 triệu liều.
Khoảng cách tiêm chủng giữa nước phát triển và thu nhập thấp hiện vẫn rất lớn. Dù thừa vaccine, hàng tỷ người trên thế giới vẫn chưa được tiêm chủng. Hầu hết họ sinh sống tại các quốc gia đang phát triển. Gần 80% dân số Pháp đã tiêm hai liều vaccine, trong khi chỉ 15% dân số tại các nước châu Phi được tiêm chủng đầy đủ, theo dữ liệu của Đại học Oxford.
Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cảnh báo tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine có thể là cơ hội nảy sinh biến chủng mới, dễ lây lan hơn. WHO kỳ vọng 70% dân số thế giới được tiêm chủng vào tháng 7. Chương trình Covax đã phân phối khoảng 1,4 tỷ liều cho 145 quốc gia, kém xa so với kế hoạch 2 tỷ liều vào cuối năm 2021.
Tỷ lệ tiêm chủng trung bình của 92 quốc gia thu nhập thấp và trung bình tham gia Covax là 42%. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hồi đầu năm nay nói: “Tình trạng bất bình đẳng vaccine là thất bại đạo đức lớn nhất của thời đại này, người dân các quốc gia đang phải gánh chịu”.
Covax cho biết hiện đã đủ số vaccine để tiêm chủng cho khoảng 45% dân số tại 92 nước thành viên. Tuy nhiên, 25 quốc gia trong số nước này thiếu cơ sở hạ tầng để thực hiện chiến dịch tiêm chủng hiệu quả. Nhiều nước đang phát triển thậm chí nhận vaccine gần hết hạn.
Giám đốc bộ phận cung ứng của UNICEF, Etleva Kadilli cho biết trong tháng 12, hơn 100 triệu liều vaccine đã bị từ chối, phần lớn do thời hạn sử dụng. Vaccine Covid-19 có thời hạn sử dụng tương đối ngắn. AstraZeneca và Novavax chỉ bảo quản được trong 6 tháng.
Các quốc gia như Nam Phi và Ấn Độ từ lâu kêu gọi Tổ chức Thương mại Thế giới bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine và các phương pháp điều trị Covid-19 để đẩy mạnh sản xuất đại trà. Sau sự phản đối của các ông lớn dược phẩm, Mỹ, Liên minh châu Âu, Ấn Độ và Nam Phi đã đi đến thỏa thuận chuyển giao công nghệ đầu tiên vào tháng trước.
Tuy nhiên, một số nước lớn còn chưa gia nhập. Tổ chức Bác sĩ Không biên giới cũng cho biết thỏa thuận có vài hạn chế, chúng chỉ bao gồm vaccine và giới hạn địa lý. Đại diện các công ty dược phẩm cho biết vấn đề bất bình đẳng vaccine không bắt nguồn từ bằng sáng chế. Thomas Cueni cho rằng thế giới cần ưu tiên giải quyết các vấn đề về hậu cần.
“Thứ chúng ta cần là kinh phí để bảo quản, vận chuyển, thêm nhân lực, chiến dịch đẩy lùi các loại tin giả. Đó mới là những trở ngại thật sự, không phải bằng sáng chế”, ông nói.
Vaccine hiện tại nhắm vào phòng ngừa phiên bản gốc của nCoV, xuất hiện năm 2020. Chúng giúp giảm đáng kể nguy cơ chuyển nặng sau mắc Covid-19, nhưng chỉ bảo vệ người dùng một phần khỏi lây nhiễm ban đầu, bởi biến chủng trội giờ đây là Omicron.
Một số nhà sản xuất đã bắt đầu phát triển loại vaccine mới nhắm mục tiêu vào Omicron. Nghiên cứu có phần trì hoãn, song vaccine có thể ra mắt trong vài tháng tới nếu được phê duyệt.
Mỹ, Anh, Pháp, Israel và nhiều quốc gia khác đã bắt đầu tiêm chủng liều thứ 4, đối tượng ưu tiên là người dễ chuyển nặng và tử vong.