Theo SKĐS – Tình hình dịch HIV đang có xu hướng giảm nhưng tỷ lệ người nam có quan hệ tình dục đồng giới mắc HIV đang có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên từ 15-25 tuổi.
Sáng ngày 1/12, UBND TP.HCM đã tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS ngày 1/12/2022 với chủ đề “Chấm dứt đại dịch AIDS -Thanh niên sẵn sàng” tại Nhà Thiếu Nhi TP. Thủ Đức.
Buổi mít tinh nhằm giáo dục, vận động và tuyên truyền về sự nguy hiểm của HIV/AIDS hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, hiểu biết cho các tầng lớp nhân dân về công tác phòng chống HIV/AIDS, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử, mở rộng việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị bằng thuốc kháng virus ARV cho người nhiễm HIV/AIDS.
HIV được coi là hiểm họa lớn của nhân loại. Tháng 12/1990, Việt Nam phát hiện ca mắc HIV đầu tiên tại TP.HCM. Sau 32 năm trong cuộc chiến phòng, chống HIV/AIDS không ngừng nghỉ, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng mong đợi.
Tính tới tháng 9/2022, TP.HCM đã ghi nhận 68.420 ca nhiễm HIV và đã có 13.678 người tử vong do HIV/AIDS. Năm 2018, tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trên nhóm người tiêm chích ma túy là 6.4%, giảm 5.3% so với năm 2017. Tỷ lệ nhiễm trên nhóm phụ nữ mại dâm là 10% tăng 3.7% so với năm 2017 và trên nhóm người quan hệ tình dục đồng giới nam là 13.8% giảm 3.2% so với năm 2017.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhấn mạnh, HIV/AIDS luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của xã hội. Dù 32 năm qua Thành phố đã kết hợp triển khai toàn diện các giải pháp về xã hội kết hợp với các hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực y tế để chống HIV/AIDS và đã đạt được các kết quả rất khả quan nhưng tình hình dịch HIV đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Đáng chú ý, trong những năm gần đây xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang ngày càng gia tăng đặc biệt là nhóm nam thanh thiếu niên có quan hệ tình dục đồng giới. Xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đã vượt qua xu hướng lây nhiễm HIV qua đường máu. Điều này cho nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất cao.
Tháng 4/2021 liên hiệp quốc đặt ra mục tiêu 95-95-95 tới năm 2025. Tính tới nay, với mục tiêu này Thành phố đã đạt được những kết quả khả quan. Đối với mục tiêu thứ nhất, 95% người mắc HIV biết được tình trạng bệnh của mình Thành phố đã đạt được 92%, mục tiêu thứ hai là 95% người mắc HIV được điều trị ARV đã đạt được 90.8% và mục tiêu 95% thứ 3 là những người đang được điều trị có tải lượng virus dưới mức thấp đã đạt được 99%.
Sau 2 năm khó khăn do dịch COVID-19 cùng nguồn lực tài trợ của các tổ chức quốc tế giảm trong khi HIV đang có xu hướng tăng trở lại thì đây cũng là thách thức lớn trên con đường tới mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025 và chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Với kết quả đạt được trong công tác phòng chống HIV/AIDS thời gian qua TP.HCM vẫn đang trên con đường hướng đến mục tiêu này tới năm 2025 và tăng cường xây dựng các nguồn lực về nhân lực, kinh tế để có thể kết thúc AIDS vào năm 2030.
Dịch HIV luôn tiềm ẩn và có khả năng bùng phát trở lại bất cứ lúc nào nên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM kêu gọi toàn xã hội cùng hưởng ứng và tham gia tích cực các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại TP.HCM. Kêu gọi hệ thống y tế từ tuyến phường xã tới quận huyện, từ hệ thống y tế công, tư chung tay tích cực tăng cường, mở rộng điều trị ARV.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho rằng, chủ đề “Chấm dứt AIDS – Thanh niên sẵn sàng” là vô cùng phù hợp với tình hình dịch tại TP.HCM và Việt Nam vì phần lớn người bệnh HIV đều ở nhóm người trẻ từ 15-25 tuổi. Ông cũng hy vọng luôn nhận được sự quan tâm của các lãnh đạo Thành phố, Sở Y tế, các tổ chức quốc tế và Nhân dân trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS nhằm nâng cao nhận thức cho thế hệ thanh thiếu niên về sự nguy hiểm của dịch này, góp phần đẩy lùi dịch HIV/AIDS.
Theo suckhoedoisong.vn