Theo SKĐS – Thử nghiệm trên động vật cho thấy, liều tăng cường thiết kế để chống lại biến thể Omicron cũng chỉ hiệu quả như liều 3 vaccine ngừa COVID-19 thông thường khác.
Do Omicron, biến thể của virus SARS-CoV-2 đang tiếp tục lây lan rộng toàn cầu, các nhà sản xuất vaccine đang dồn nguồn lực vào các cuộc thử nghiệm lâm sàng liều vaccine COVID-19 đặc hiệu nhằm chống lại biến thể Omicron.
Tuy nhiên, một loạt nghiên cứu trên động vật ban đầu cho thấy liều vaccine tăng cường đặc hiệu nhằm chống lại biến thể Omicron cũng không hơn gì so với liều 3 các loại vaccine phòng COVID-19 hiện nay.
Điều quan trọng là, liều tiêm tăng cường có tác dụng tích cực đối với tế bào ghi nhớ B của hệ miễn dịch. Tế bào B miễn dịch đóng vai trò tập hợp các kháng thể tạo thành hàng rào bảo vệ chống lại virus. Cả vaccine phiên bản gốc lẫn liều cải tiến đều giúp nâng cao lượng tế bào ghi nhớ miễn dịch nhằm nhắm tới nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2.
Theo ông Robert Seder- đồng tác giả của công trình nghiên cứu và nhà miễn dịch học tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ ở Maryland, đây là một tín hiệu vui. “Điều đó có nghĩa rằng chúng ta vẫn có thể bảo vệ chống lại mọi loại biến thể đã biết với liều tiêm tăng cường của vaccine COVID-19 hiện tại.”
Tuy nhiên, ông cảnh báo nghiên cứu này mới chỉ kiểm tra phản ứng miễn dịch 4 tuần sau liều tiêm tăng cường. Như vậy, chưa rõ cơ thể sẽ tiếp tục sản sinh kháng thể chống virus trong bao lâu.
Liều tăng cường đặc hiệu chống Omicron chưa phải là giải pháp tối ưu
Nhóm nghiên cứu của Seder đã tiết lộ về phản ứng miễn dịch trên những con khỉ được tiêm liều tăng cường khi so sánh giữa liều 3 vaccine ngừa COVID-19 thông thường với phiên bản cải tiến chống Omicron.
“Liều 3 loại nào cũng khóa sự nhân lên của virus trong vòng 2 ngày.”, ông nói. Ở cả thí nghiệm về phản ứng miễn dịch cũng như phân tích về tế bào B ghi nhớ miễn dịch, phiên bản đặc hiệu chống biến thể Omicron không có lợi thế nào đáng kể hơn so với vaccine phiên bản gốc.
Đồng nhất với những kết quả nghiên cứu trên linh trưởng, một nghiên cứu trên chuột cho thấy liều tăng cường cải tiến chống Omicron sau 2 liều cơ bản vaccine mRNA cũng không mang lại lợi ích nhiều hơn so với liều tăng cường thông thường.
Nghiên cứu này cũng xem xét hiệu quả vaccine đặc hiệu chống Omicron ở chuột, những con trước đó chưa từng được tiêm chủng và nhận thấy rằng cơ thể chúng sản sinh ra lượng kháng thể cao chống lại Omicron. Tuy nhiên, lượng kháng thể này lại chỉ có hiệu quả giới hạn trong việc ức chế các biến thể chủ đạo khác của COVID-19.
Một nghiên cứu khác ở chuột được tiêm vaccine mRNA phiên bản cải tiến Omicron cũng cho kết quả tương tự.
Trong nghiên cứu thứ 4, các nhà khoa học thử nghiệm 3 liều vaccine nhân bản RNA của HDT Bio ở Seattle, Washington trên chuột. Đầu tiên, chuột được tiêm 2 liều vaccine phiên bản gốc kèm theo 1 liều vaccine tăng cường đặc hiệu chống Omicron. Trong thí nghiệm này, liều 3 đã không nâng cao phản ứng miễn dịch chống Omicron. Tuy nhiên, phản ứng miễn dịch chống Omicron nâng lên rõ rệt khi chuột được tiêm kết hợp 1 liều vaccine phiên bản gốc với 2 liều đặc hiệu chống Omiron.
“Những nghiên cứu này cho chúng ta thấy quy luật của hệ miễn dịch khi bạn được tiêm liều tăng cường đặc hiệu chống biến thể”, chuyên gia Montefiori nói. Những quy luật này cho thấy chỉ một liều đơn lẻ vaccine cải tiến chống một loại biến thể không phải là giải pháp, ông nói. “Vẫn còn đó những câu hỏi quan trọng cần được giải đáp. Hy vọng nghiên cứu thử nghiệm của Pfizer và Moderna trên người sẽ làm được điều đó”.