Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), viêm gan C là một trong các căn nguyên hàng đầu dẫn đến bệnh gan mạn tính.
Đường lây truyền của vi rút viêm gan C tương tự HIV (qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con) nên tình trạng người có hành vi nguy cơ cao đồng nhiễm HIV và viêm gan C khá phổ biến. Người đồng nhiễm 2 bệnh lý này có nguy cơ tiến triển thành xơ gan hoặc giai đoạn cuối của xơ gan cao hơn. Nếu không được điều trị, bệnh có nguy cơ chuyển thành ung thư gan và tử vong do các biến chứng của bệnh gan trong vòng 20 – 30 năm.
Tại VN, kết quả giám sát của Bộ Y tế năm 2018 ghi nhận tỷ lệ nhiễm viêm gan C ở người nhiễm HIV khoảng 30%, ở người tiêm chích ma túy từ 40 – 90%. Bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV (thuốc kháng vi rút) và Methadone được hỗ trợ điều trị viêm gan C. Tỷ lệ điều trị khỏi viêm gan C gần 97% ở những người hoàn thành phác đồ và đủ điều kiện làm xét nghiệm tải lượng vi rút viêm gan C. Việc điều trị viêm gan C cho các bệnh nhân đồng nhiễm HIV đã giúp tiếp tục ổn định điều trị ARV. Điều trị viêm gan C đã được bảo hiểm y tế chi trả cho các trường hợp từ tuyến tỉnh trở lên.
Theo chiến lược y tế toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới về HIV, việc điều trị viêm gan C ở người nhiễm HIV cũng là một trong các mục tiêu cần phải đạt được để chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.
Theo thanhnien.vn