Theo SKĐS – Đến nay Việt Nam đã nhận 4,6 triệu liều vaccine Moderna từ Úc để tiêm cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi. Cùng đó, Hà Lan cũng cam kết giúp 2 triệu liều Moderna, Pháp hỗ trợ 2 triệu liều Pfizer. Số vaccine này sẽ đến Việt Nam trong tháng 4; Hơn 30 quốc gia công nhận COVID-19 là bệnh nghề nghiệp…
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 21/4, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã trả lời các câu hỏi xung quanh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em của Việt Nam.
Bà Lê Thị Thu Hằng thông báo theo sự chỉ đạo của Thủ tướng, thời gian vừa qua Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tích cực vận động, trao đổi với các tổ chức quốc tế như COVAX, các nước đối tác và các tập đoàn sản xuất vaccine thúc đẩy nhanh việc cung cấp, hỗ trợ vaccine tiêm cho trẻ em.
Chia sẻ tại buổi họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, Việt Nam chủ trương tổ chức tiêm vaccine cho những trẻ em từ 5 – dưới 12 tuổi nhằm sớm bao phủ phòng chống dịch cho toàn dân.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, đến nay, Chính phủ Úc đã cam kết hỗ trợ Việt Nam 12,8 triệu liều vaccine và Việt Nam cũng đã nhận được 4,6 triệu liều vaccie Moderna từ Úc.
Cùng với đó, Hà Lan cũng cam kết giúp cho Việt Nam 2 triệu liều vaccine Moderna, Pháp hỗ trợ 2 triệu liều vaccine Pfizer. Số vaccine này sẽ đến Việt Nam trong tháng 4.
Hiện Bộ Ngoại giao đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, trao đổi với các tổ chức quốc tế, với các đối tác để làm sao đảm bảo được nguồn vaccine cho trẻ em, góp phần hoàn thành kế hoạch tiêm chủng của trẻ em trong quý 2/2022 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Kể từ khi khởi động chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi tại Quảng Ninh vào ngày 14/4, đến nay đã có 28/63 tỉnh, thành phố triển khai tiêm và có báo cáo kết quả hàng ngày về Bộ Y tế. Đến chiều ngày 21/4, Bộ Y tế cho biết đã có 126.829 liều vaccine được tiêm cho trẻ trong độ tuổi này.
Đến nay ghi nhận một số trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm, chủ yếu là sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, mệt mỏi… Không ghi nhận trường hợp phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 ở trẻ em từ 5 – dưới 12 tuổi. Sơ bộ ban đầu tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm vaccine phòng COVID-19 ở trẻ em từ 5 – dưới 12 tuổi thấp hơn thông báo của nhà sản xuất.
Hơn 30 quốc gia công nhận COVID-19 là bệnh nghề nghiệp
Bên lề hội nghị khoa học về sức khỏe nghề nghiệp và môi trường diễn ra hôm qua, BS Nguyễn Đình Trung, Trưởng Khoa bệnh nghề nghiệp, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), cho biết, Bộ Y tế đang lấy ý kiến và đề xuất bệnh COVID-19 là căn bệnh mới được bổ sung trong nhóm bệnh nghề nghiệp. Cùng đó, tới đây, với bệnh nhiễm độc thiếc, cơ quan chuyên môn sẽ xây dựng dự thảo và lấy ý kiến để bổ sung vào nhóm bệnh nghề nghiệp.
Hiện Bộ Y tế đang hoàn tất việc giải trình và xin ý kiến các bộ ngành về việc đưa Covid-19 vào nhóm bệnh nghề nghiệp. Nếu được thông qua, đây là căn bệnh nghề nghiệp thứ 35 được công nhận. Đến nay, đã có hơn 30 quốc gia công nhận COVID-19 là bệnh nghề nghiệp.
Theo dự thảo mới nhất, Bộ Y tế không quy định tỉ lệ thương tật của những người mắc COVID-19 không có di chứng, mà chỉ xác định đối với những trường hợp có di chứng sau 6 tháng mắc COVID-19 và được giám định loại trừ các yếu tố liên quan khác bởi các cơ sở có chức năng khám bệnh nghề nghiệp. Với những tiêu chí này, tỉ lệ người được xác định mắc bệnh nghề nghiệp sẽ không cao, chiếm khoảng 5-10%.
Tại Việt Nam, đã có những căn bệnh được xếp vào nhóm bệnh nghề nghiệp, như bệnh bụi phổi silic, nhiễm độc chì, bệnh da nghề nghiệp, điếc nghề nghiệp…. Những năm qua, nước ta đã ghi nhận nhiều ca ngộ độc thiếc liên quan đến nghề nghiệp và cần cảnh báo từ sớm để bảo đảm an toàn tại môi trường làm việc.
Khi được xác định là bệnh nghề nghiệp, tùy vào tình trạng bệnh, người bệnh sẽ được quỹ bảo hiểm y tế chi trả.
Cả nước không còn tỉnh thành ghi nhận ca mắc COVID-19 trên 1.000/ ngày
Báo cáo của Bộ Y tế ngày 21/4 cho biết số mắc COVID-19 mới đã giảm mạnh, cả nước còn 12.029 ca trong ngày, nhiều nhất là Hà Nội với 986 ca. Như vậy cả nước không còn tỉnh thành ghi nhận ca mắc COVID-19/1.000 ngày, trong khi giai đoạn cao điểm dịch (khoảng 3 tuần trong tháng 3), liên tục có những ngày có hơn 40 tỉnh, thành ghi nhận ca mắc từ 1.000 ca trở lên, địa phương có số mắc cao nhất trong ngày lên tới hàng chục ngàn ca.Số ca mắc trung bình trong 7 ngày có thời kỳ lên đến hơn 150.000/ngày; tuy nhiên thời gian gần đây số mắc mới trung bình 7 ngày chỉ còn dưới 20.000 ca/ ngày. Thống kê hôm qua cho thấy trung bình số ca nhiễm mới trong 7 ngày qua là 14.860 ca/ngày.
Lần đầu tiên sau hơn 4 tháng, Hà Nội có số ca mắc COVID-19 mới trong ngày xuống dưới 1.000 ca. Trong khi đó tại TP HCM, số ca mắc mới cũng lần đầu tiên giảm xuống dưới 100 ca kể từ đầu tháng 2/2022.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.533.164 ca mắc COVID-19, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 106.490 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.525.416 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.537.814), TP. Hồ Chí Minh (607.793), Nghệ An (478.198), Bình Dương (383.101), Bắc Giang (382.069).
Tổng người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là 9.076.927 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.413.255 trường hợp, trong đó có 826 trường hợp nặng đang điều trị gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 602; Thở ô xy dòng cao HFNC: 98; Thở máy không xâm lấn: 28; Thở máy xâm lấn: 96 và ECMO: 2.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 13 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.991 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).