SKĐS – Việc điều trị y tế cho HIV là rất quan trọng, nhưng một số lưu ý trong ăn uống và sinh hoạt sẽ giúp cho điều trị có hiệu quả và duy trì hệ thống miễn dịch tốt, giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh…
HIV tiêu diệt các tế bào quan trọng trong hệ thống miễn dịch (tế bào lympho CD4, hay tế bào T). Ở những người nhiễm HIV, số lượng tế bào T có thể giảm xuống mức nguy hiểm, dẫn đến hệ thống miễn dịch suy yếu (được gọi là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải hay AIDS).
Vì vậy, đối với người nhiễm HIV, việc duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh đặc biệt quan trọng. Bên cạnh việc tuân thủ điều trị HIV là điều bắt buộc, bạn có thể cần thực hiện các bước sau để tăng cường hệ thống miễn dịch của mình.
1. Người nhiễm HIV nên ăn thực phẩm lành mạnh để duy trì dinh dưỡng tốt
Chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp hệ thống miễn dịch khỏe mạnh khi bị nhiễm HIV. Các loại thực phẩm như cá, đậu và các loại hạt chứa protein, có thể giúp xây dựng cơ bắp.
Việc hấp thụ đủ protein đặc biệt quan trọng, cũng như lượng calo từ carbohydrate và chất béo lành mạnh. Ăn nhiều trái cây và rau quả có thể cung cấp các vitamin, khoáng chất thiết yếu và cũng giúp bạn cảm thấy no.
Duy trì cân nặng khỏe mạnh với chế độ ăn uống phù hợp sẽ giúp người nhiễm HIV hấp thụ tốt thuốc điều trị HIV. Bên cạnh đó, những người có hệ thống miễn dịch suy yếu cũng cần chú ý đến an toàn thực phẩm để ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng do thực phẩm.
2. Không sử dụng ma túy và uống rượu có chừng mực
Đối với người nhiễm HIV, việc sử dụng ma túy và uống rượu có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch vốn đã yếu. Gan là cơ quan giúp loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể, có thể bị tổn thương do sử dụng rượu và ma túy.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, ma túy và rượu có thể làm suy yếu khả năng phán đoán, dẫn đến hành vi nguy cơ như quan hệ tình dục không an toàn, quên uống thuốc điều trị HIV đúng giờ và theo chỉ định.
Một số loại ma túy giải trí cũng có thể gây trở ngại hoặc tương tác nguy hiểm với các loại thuốc được sử dụng để kiểm soát HIV. Nếu bạn uống rượu, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) khuyên, nên uống ở mức độ vừa phải, nghĩa là một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và không quá hai ly đối với nam giới.
3. Chăm sóc răng miệng và thực hành vệ sinh răng miệng tốt
Những người nhiễm HIV có nguy cơ mắc các vấn đề về răng và miệng. Khi hệ thống miễn dịch bị tổn hại do HIV, các tình trạng như mụn cóc ở miệng, mụn rộp, tưa miệng và loét miệng có nhiều khả năng phát triển và có thể khó điều trị hơn.
Nhiều người nhiễm HIV/AIDS cũng bị khô miệng, làm tăng nguy cơ sâu răng và khiến việc nhai, nuốt trở nên khó khăn. Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ khuyến cáo, nên đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên, và đi khám răng miệng ít nhất sáu tháng một lần hoặc theo chỉ dẫn của nha sĩ.
4. Quản lý căng thẳng tốt
Giảm căng thẳng là một phần thiết yếu trong phác đồ điều trị HIV, vì căng thẳng mạn tính khi sống chung với HIV có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tinh thần tổng thể.
Nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa căng thẳng và suy giảm chức năng hệ thống miễn dịch. Căng thẳng cũng có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn, thói quen ngủ và các khía cạnh khác trong cuộc sống hàng ngày.
Một số cách tuyệt vời để kiểm soát căng thẳng bao gồm yoga, thiền, tập thể dục và tư vấn hoặc trị liệu. Để có kết quả tốt nhất, hãy trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu một chương trình tập thể dục mới.
5. Hãy cẩn thận và an toàn khi đi du lịch nước ngoài
Nếu bạn bị nhiễm HIV, điều quan trọng là phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung khi đi du lịch quốc tế. Đặc biệt, hãy đặc biệt cẩn thận về thực phẩm và nước bạn tiêu thụ.
Các bệnh do thực phẩm có thể khó chịu và thậm chí nguy hiểm đối với những người khỏe mạnh và có thể trạng tốt, nhưng chúng có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và thậm chí tử vong ở những người bị HIV.
CDC lưu ý rằng, khi bạn đang lên kế hoạch cho một chuyến đi, hãy nhớ trao đổi với bác sĩ ít nhất bốn đến sáu tuần trước, để được tư vấn về các loại vaccine và thuốc phòng ngừa mà bạn có thể cần, và dự trữ thêm nguồn thuốc điều trị HIV.
6. Quan sát và chú ý tới mọi thay đổi của làn da
Nhiễm trùng da nghiêm trọng không khỏi hoặc không đáp ứng với điều trị đôi khi có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng. Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu do HIV thường có các tình trạng da đồng thời hoặc dai dẳng hoặc là do họ dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng nhất định hoặc do tình trạng viêm.
Phát ban là một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc điều trị HIV. Vì vậy, hãy theo dõi cẩn thận những thay đổi trên da và đảm bảo kiểm tra các vấn đề về da kịp thời.
7. Hãy kiên trì và luôn uống thuốc đúng giờ
Hãy đảm bảo tuân thủ các phương pháp điều trị theo đơn và uống tất cả các loại thuốc cần thiết vào đúng thời điểm đã chỉ định. Việc bỏ liều thuốc hoặc không uống thuốc điều trị HIV đúng giờ theo chỉ định sẽ khiến HIV sinh sôi và nồng độ HIV cao hơn trong cơ thể (được gọi là tải lượng virus) sẽ làm suy yếu thêm hệ thống miễn dịch.
Việc tuân thủ liệu pháp kháng virus (ART) có thể giúp bạn đạt được và duy trì tải lượng virus không phát hiện được. Khi không tuân thủ phương pháp điều trị, virus cũng có cơ hội trở nên kháng thuốc điều trị HIV.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống