Hàng loạt người nhiễm HIV ở Khánh Hòa đã tiếp cận và tuân thủ phác đồ điều trị bằng thuốc ARV. Từ đó, sức khỏe được ổn định, có thể lao động bình thường như những người khỏe mạnh.
Hầu hết người có ‘H’ đã dùng thuốc ARV
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, ARV là thuốc kháng HIV. Thuốc ARV sẽ làm ức chế sự nhân lên của vi rút, đưa nồng độ vi rút HIV trong máu về trạng thái thấp nhất.
Thông thường khi người bị nhiễm HIV sẽ bị suy giảm hệ thống miễn dịch cơ thể, bệnh cơ hội dễ xâm nhập vào cơ thể. Nhưng khi duy trì điều trị tốt bằng thuốc ARV thì nồng độ vi rút trong máu thấp, hệ miễn dịch được tăng cường, thể trạng người có ‘H’ được nâng lên, góp phần chống lại sự xâm nhập của các bệnh cơ hội.
Tuân thủ tốt điều trị, thuốc ARV sẽ giúp cho người nhiễm HIV sống khỏe mạnh, không làm lây truyền HIV qua đường tình dục khi người nhiễm HIV đạt được tình trạng “không phát hiện HIV” trong máu.
Thuốc ARV cũng giúp dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV và hiện nay đang là loại thuốc có tác dụng tốt nhất, phổ biến nhất trong việc điều trị HIV cho người bệnh.
Tính đến 30/9, lũy tích số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện tại Khánh Hòa là 2.857 trường hợp. Lũy tích số người nhiễm HIV/AIDS đã tử vong đến 30/9 là 1.324. Có 1.533 trường hợp đang còn sống và được quản lý tại các địa phương. Tỷ lệ người nhiễm HIV trong tỉnh Khánh Hòa chiếm 0,23% dân số.
Trong nhiều năm qua, việc tăng cường bao phủ thuốc ARV đối với người nhiễm HIV được các nhân viên y tế dự phòng chú trọng. Trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, dù khó khăn đến đâu vẫn cố gắng chuyển thuốc, cấp thuốc đầy đủ, kịp thời đến người bệnh.
Đặc biệt, người bệnh có thể thuận lợi nhận thuốc thông qua các Trạm Y tế, định kỳ đi khám và nhận các tư vấn hữu ích từ bác sĩ.
Đến hết ngày 30/9, số bệnh nhân đang duy trì phác đồ ARV bậc 1 sau 12 tháng bắt đầu điều trị ở Khánh Hòa là gần 1.200 người. Bên cạnh đó, số người điều trị PrEP (điều trị dự phòng HIV) ít nhất 1 lần trong năm là 470 người.
Hiện nay, điều trị dự phòng bằng thuốc ARV được sử dụng cho cả những người trước và sau khi bị phơi nhiễm (tiếp xúc trực tiếp với máu của người nhiễm HIV) với HIV. Những người có nguy cơ cao với bệnh HIV như: Nhóm tiêm chích ma túy, nhóm phụ nữ bán dâm…cũng có thể dùng thuốc này để điều trị dự phòng HIV. Vì là thuốc điều trị bệnh nên thời gian uống thuốc, liều lượng uống…đều phải theo chỉ định của bác sĩ
Tự tin điều trị
Nhiều bệnh nhân HIV hay băn khoăn về tác dụng phụ cũng như ảnh hưởng của thuốc ARV khi điều trị dài ngày nhưng thực tế đã chứng minh, hầu hết người dùng đều không gặp tác dụng phụ nào nghiêm trọng. Chỉ số ít người gặp triệu chứng chóng mặt, đau đầu…nhưng các triệu chứng này nhanh chóng qua mau, ít gây phiền toái cho người sử dụng.
Lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cho biết, điều trị ARV sớm sẽ giúp giảm nguy cơ lây lan vi rút sang người khác như vợ chồng, bạn tình, người thân, con cái…từ đó sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Với các biện pháp tiến bộ trong công tác điều trị HIV như hiện nay thì người phụ nữ khi nhiễm HIV khi mang thai vẫn có thể dự phòng bằng ARV. Và tốt nhất nên điều trị từ sớm thì tỉ lệ lây từ mẹ sang con chỉ trên 1%.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn, Phó GĐ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa chia sẻ: Có điều khiến cho chúng tôi rất trăn trở là nhiều người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn. Vậy nên vừa điều trị vừa “vực” dậy tâm lý, giúp họ xóa đi các mặc cảm. Bên cạnh đó các nhóm đồng đẳng hoạt động tốt với nhiều cách chia sẻ, cổ vũ lẫn nhau nên bệnh nhân an tâm điều trị và làm theo các hướng dẫn của nhân viên y tế.
Anh B, một bệnh nhân đã nhiều năm điều trị tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cho biết: “Lây nhiễm HIV từ người bạn tình nên lúc đầu rất lo lắng, không biết xoay sở thế nào. Mỗi lần đối diện với gia đình, người thân B luôn có nỗi mặc cảm. Nhưng khi được các đồng đẳng viên, nhân viên y tế tư vấn, B đã được tiếp cận điều trị kịp thời, vượt qua được giai đoạn khó khăn. Đồng thời tuân thủ các biện pháp quan hệ tình dục an toàn. Đến nay sự mặc cảm không còn. Người thân và cộng đồng xung quanh cũng hoàn toàn không còn kỳ thị với B và xem như đó là bệnh nhân mắc bệnh cần phải điều trị. B cũng thường xuyên khuyến cáo người mình quen hãy tuân thủ quan hệ tình dục an toàn.
Một số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS ở Cam Ranh (Khánh Hòa) cũng chung dòng cảm xúc: Khi cầm kết quả xét nghiệm biết mình mắc bệnh HIV đều suy sụp, muốn sống biệt lập với mọi người. Thế nhưng nhờ các nhân viên y tế, các đồng đẳng viên tư vấn, thường xuyên nhắc nhở uống thuốc đúng giờ, đồng thời giải thích cho hiểu về lợi ích khi tuân thủ điều trị nên các lo âu dần được xua tan đi.
Tại Cam Ranh, hoạt động của hệ thống nhóm đồng đẳng viên trong nhiều năm qua rất hiệu quả. Họ đã tiếp cận các đối tượng làm trong các môi trường có có nguy cơ cao như: tiêm chích ma túy, điểm massage và các dịch vụ hành nghề tiềm ẩn khả năng làm lây nhiễm HIV/AIDS để có những tư vấn, hướng dẫn kịp thời, nhất là công tác điều trị bằng thuốc ARV.
Theo Sức khỏe & Đời sống