Hiệu quả mô hình can thiệp phòng, chống HIV trong nhóm MSM

SKĐS – Âm thầm, lặng lẽ, các tình nguyện viên của nhóm công tác xã hội Liên Minh MSM-TG Nghệ An đang từng ngày, từng giờ thắp sáng niềm tin cho người nhiễm HIV và cả những con người đã có một thời lầm lỡ.

Nhiều cách làm hay

Nhiễm HIV/AIDS không phải là chấm hết. Họ có thể sống một cách hữu ích, có thể cống hiến nhiều cho cộng đồng nếu cộng đồng dang tay ra với họ. Và chính những người này đã làm thay đổi cách nhìn về những người mang trong mình căn bệnh thế kỷ.

 

Tiếp cận người nhiễm HIV, các đối tượng nguy cơ cao như gái mại dâm, người nghiện chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM)… để tuyên truyền, vận động họ thực hiện các biện pháp phòng tránh HIV cho bản thân, cộng động; đưa họ tiếp cận các dịch vụ y tế như xét nghiệm HIV, kết nối điều trị HIV cho người nhiễm HIV/AIDS… là những việc mà các nhóm đồng đẳng viên trên địa bàn Nghệ An đã và đang làm từ nhiều năm nay, nhằm góp phần kéo giảm tình trạng lây nhiễm HIV trên địa bàn.

Nhóm Liên Minh MSM-TG được thành lập từ năm 2010, ban đầu chỉ với 5 thành viên, nhưng thời điểm hiện tại có 7 tiếp cận viên nòng cốt và 10 cộng tác viên tham gia. Công việc chính của nhóm MSM-TG là cung cấp kiến thức về HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), tăng cường truyền thông nhằm giảm sự kỳ thị của cộng đồng tới nhóm MSM, tạo ra các sân chơi lành mạnh cho các nhóm MSM và giao lưu với tất cả mọi người, từ đó có thể tìm ra được những MSM chưa dám bộc lộ giới tính của mình, hướng họ vào các cuộc chơi lành mạnh.

Ngoài ra, nhóm còn thực hiện các hoạt động như cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV tại cộng đồng bao gồm phân phối sinh phẩm tự xét nghiệm HIV; cấp phát các vật dụng giảm tác hại lây nhiễm HIV như bao cao su, chất bôi trơn, chuyển gửi khách hàng đến các dịch vụ phù hợp như: xét nghiệm HIV khẳng định, điều trị ARV, điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV…

Anh Phan Văn N. (SN 1990) – trưởng nhóm MSM -TG có 13 năm gắn bó chia sẻ, Liên Minh MSM-TG mong muốn sẽ đại diện cho tiếng nói của MSM-TG tại Nghệ An, hướng đến một xã hội bình đẳng với cộng đồng MSM/TG. Qua đó gắn kết và hành động vì quyền lợi chính đáng của cộng đồng MSM-TG tại Nghệ An.

Theo anh N., tỷ lệ mới phát hiện nhiễm HIV trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ, đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn.

Bạn M.A. – thành viên nhóm MSM-TG kể, điều đau đớn với nhiều bạn MSM mà nhóm tiếp cận, đó là có những trường hợp nhiễm HIV nhưng giấu tình trạng bệnh của mình vì sợ bị kỳ thị, không có biện pháp quan hệ tình dục an toàn. Chỉ đến khi chia tay, họ mới thông báo cho bạn tình của mình. Khi ấy, thì mọi thứ đã quá muộn, nguy cơ nhiễm HIV đến 90%.

Tỷ lệ mới phát hiện nhiễm HIV trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ, đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Đường lây chủ yếu là qua quan hệ tình dục không an toàn.

Sự kỳ thị của chính người thân trong gia đình, đã khiến nhiều bạn còn rất trẻ, khi bị nhiễm rất khó để thuyết phục điều trị. M.A. nhớ nhất là trường hợp mới đây, là một bạn còn rất trẻ. Đó là T.N. (18 tuổi, quê ở Quỳ Hợp), “Bạn ấy là sinh viên đại học Vinh, vừa chân ướt chân ráo xuống thành phố đã bị dụ dỗ quan hệ tình dục đồng giới với một người lớn tuổi. Sau chỉ một lần quan hệ N. đã nhiễm H. Bạn ấy thật sự sốc, chỉ lo sợ bạn bè bố mẹ biết. M.A. không thể quên ánh mắt của T.N. khi bị nhiễm, bọn em phải mất một thời gian khá dài để tiếp cận, thuyết phục N. đi làm xét nghiệm khẳng định.

Việc tư vấn để các bạn trẻ có thể tự tin đi vào Phòng điều trị PrEP tương đối nhạy cảm. Vì vậy, các thành viên sẽ cố gắng truyền thông cho các bạn trẻ để các bạn ý thức được việc dự phòng PrEP là điều bình thường, không còn nhạy cảm.

“Thông thường, một người MSM (quan hệ đồng giới) có khoảng 2,5 bạn tình, nguy cơ quan hệ tình dục trong nhóm MSM gây ra tình trạng lây nhiễm HIV rất cao. Chúng tôi mong muốn các bạn trẻ coi việc điều trị PrEP rất bình thường để bảo vệ cho bản thân, cho cộng đồng,” trưởng nhóm MSM-TG nói.

“Cánh tay nối dài” của ngành Y tế với người nhiễm

Anh Phan Văn N. – Trưởng nhóm MSM-TG cho biết thêm, từ năm 2012 đến năm 2015, nhóm tiếp cận khoảng 2000 người, tuy nhiên những năm gần đây số lượng này có giảm, nhóm chỉ tiếp cận khoảng 400 khách hàng, trong đó có khoảng 5-6% dương tính với HIV.

Năm 2022, nhóm tiếp cận được 320 khách hàng MSM-TG. Trong số này nhóm đã đưa đi xét nghiệm, phát hiện được 17 ca dương tính với HIV (chiếm 5.9%). Tất cả 17 ca dương này đã được hỗ trợ điều trị ARV tại các cơ sở OPC (đạt 100%).

Nhóm đã phát ra hàng ngàn bao cao su, chất bôi trơn… cho các đối tượng có nguy cơ cao. Không chỉ tiếp cận trực tiếp để tuyên truyền cho người nhiễm HIV, nhóm đã xây dựng trang Fangpage riêng của mình, mời các bác sĩ có kinh nghiệm trong lĩnh vực HIV về nói chuyện chuyển tải những kiến thức liên quan đến HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, để nâng cao kiến thức cho các thành viên nhằm phục vụ công việc được tốt hơn, nhóm thường xuyên cử các thành viên tham gia các lớp tập huấn, các buổi giao lưu do các cơ sở y tế và các tổ chức phi chính phủ tổ chức thực hiện.

Trưởng nhóm MSM-TG cho biết thêm, đa phần các thành viên trong nhóm là những người hoạt động lâu năm, nên họ rất hiểu tâm lý của người nhiễm HIV. Chính vì vậy khi tiếp cận với những người nhiễm HIV họ tạo được niềm tin và sự chia sẻ từ người bệnh. Hơn nữa, các thành viên trong nhóm đều gắn kết rất chặt chẽ với các cơ sở y tế để có thể trao đổi cũng như hỗ trợ cho những người cần xét nghiệm hay tham gia vào chương trình điều trị HIV.

“Các thành viên của nhóm rất tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc với cộng đồng, có nhiều hoàn cảnh khó khăn, bi quan khi mắc bệnh đã được các thành viên trong nhóm động viên, chia sẻ, giúp đỡ để họ vươn lên trong cuộc sống, thấy cuộc sống vẫn còn ý nghĩa” – anh N. nói.

Các thành viên trong nhóm đều gắn kết rất chặt chẽ với các cơ sở y tế để có thể trao đổi cũng như hỗ trợ cho những người cần xét nghiệm hay tham gia vào chương trình điều trị HIV.

Theo ước tính của nhóm cộng đồng MSM-TG, Nghệ An có khoảng trên 8000 người MSM. Địa bàn Nghệ An rất rộng, với nhân sự của nhóm không đủ trải rộng trên địa bàn nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và chuyển gửi khách hàng đến các dịch vụ.

Hơn nữa, hiện nay cái nhìn của cộng đồng về MSM có thoáng hơn tuy nhiên vẫn còn một số người vẫn còn kỳ thị, vì vậy các tụ điểm, điểm nóng thường hoạt động khép kín nên nhóm cũng khó tiếp cận. Vì thế trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục tăng cường các cộng tác viên để có nhiều người MSM được tiếp cận các kiến thức, các dịch vụ để phòng HIV cho bản thân cũng như những người xung quanh.

Ông Thái Văn Nhàn – Phó Khoa phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An đã đánh giá cao các công việc cũng như thành quả mà các nhóm cộng tác viên chương trình phòng chống HIV/AIDS mang lại. Theo ông Nhàn kết quả phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua, ngoài sự tham gia của cả hệ thống chính trị, ngành y tế, còn có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức xã hội. Các nhóm đồng đẳng viên đã có nhiều việc làm sáng tạo, các thành viên nhóm rất nhiệt tình, thành quả mà các nhóm đạt được góp phần không nhỏ trong việc giảm lây nhiễm HIV ra cộng đồng.

Một lợi thế khác, là các tổ chức cộng đồng ngày nay cũng rất nhanh nhạy và có lợi thế đó là tiếp cận, truyền thông nâng cao nhận thức cho các đối tượng đích: Các tổ chức cộng đồng tổ chức truyền thông qua mạng xã hội như facebook; zalo; ticktok, livestream rất nhanh nhạy, sáng tạo, phù hợp với thị hiếu của đối tượng đích nên thu hút sự quan tâm của cộng đồng những người có hành vi nguy cơ cao.

Các thành viên thuộc các nhóm đồng đẳng viên đã tiếp cận trực tiếp với người nhiễm HIV, các đối tượng nguy cơ cao như: gái mại dâm, người nghiện chích ma túy, MSM… để tuyên truyền, vận động họ thực hiện các biện pháp phòng tránh HIV cho bản thân, cộng đồng; đưa họ tiếp cận các dịch vụ y tế như xét nghiệm HIV, kết nối điều trị HIV cho người nhiễm HIV⁄AIDS.

Do là người có cùng hoàn cảnh nên việc tiếp xúc và chia sẻ của các đồng đẳng viên với người nhiễm HIV, các đối tượng nguy cơ cao dễ đồng cảm hơn, chính vì vậy hiệu quả công việc sẽ cao hơn. Họ chính là “cánh tay nối dài” của ngành Y tế, đã giúp cho các đối tượng nguy cơ cao, người nhiễm HIV sớm tiếp cận các dịch vụ trong dự phòng và điều trị HIV, qua đó giúp giảm bớt sự lây nhiễm ra cộng đồng.

Theo Sức khỏe & Đời Sống

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to top