SKĐS – Đây là nhận định của TS Nguyễn Lương Tâm – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tại buổi làm việc kiểm tra, giám sát công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ tại TPHCM.
Ngày 24/11, đoàn công tác của Bộ Y tế đã có buổi làm việc, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) tại TPHCM.
Đoàn công tác do TS Nguyễn Lương Tâm – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế làm trưởng đoàn.
Tại buổi thực địa tại Phòng khám ngoại trú Quận 3 (số 311 Nguyễn Thượng Hiền, Phường 4, Quận 3), bác sĩ Ngô Hoàng Nhật Mẫn, Trung tâm Y tế Quận 3 báo cáo sơ bộ với đoàn công tác của Bộ Y tế về kế hoạch tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Theo bác sĩ Nhật Mẫn, Quận 3 là quận trung tâm của thành phố và cũng là nơi tập trung nhiều bệnh viện lớn của thành phố, trung ương như: Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Tai-Mũi-Họng, Viện Pasteur…
Tại đây, số bệnh nhân đang điều trị ARV là 2795 người; điều trị Methadone là 130 người (trong đó 24 bệnh nhân đồng nhiễm HIV); số bệnh nhân đang điều trị PrEP là 243.
Ngay khi có những ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên trên địa bàn, Phòng khám ngoại trú Quận 3 đã chủ động xây dựng kế hoạch, quy trình tiếp nhận bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ. Đồng thời sàng lọc người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh, rà soát danh sách, gửi tin nhắn cho tất cả bệnh nhân nhắc ngày khám bệnh, tự sàng lọc trước tại nhà.
Sau khi nghe đơn vị báo cáo, Đoàn công tác của Bộ Y tế đánh giá cao công tác chủ động phòng chống và kịch bản ứng phó, công tác tầm soát, truyền thông với dịch bệnh đậu mùa khỉ của Phòng khám ngoại trú Quận 3 nói riêng và TPHCM nói chung.
Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đến ngày 20/11/2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận 91.788 trường hợp mắc đậu mùa khỉ, trong đó có 167 ca tử vong tại 116 quốc gia trên toàn thế giới, tỷ lệ tử vong là 0,18%. Hiện nay, Việt Nam có 89 ca đậu mùa khỉ, riêng TPHCM có 74 ca trong đó có 2 ca tử vong (tỷ lệ tử vong là 2,2%). Đây là tỷ lệ quá cao so với thế giới.
Ông Tâm băn khoăn đặt ra câu hỏi: “Liệu có phải trong cộng đồng tiềm ẩn nhiều ca chưa phát hiện ra?”. Theo ông Nguyễn Lương Tâm, 74 ca đậu mùa khỉ ở TPHCM chỉ là “tảng băng nổi”, “tảng băng chìm” phải là 700-800 ca.
“Ngày nào cũng có bệnh nhân đậu mùa khỉ, khi xét nghiệm mới phát hiện ra. Theo tôi, TPHCM còn có nhiều người mắc đậu mùa khỉ trong cộng đồng mà họ chưa đi khám để chúng ta phát hiện ra”, ông Tâm nhấn mạnh.
TS Nguyễn Lương Tâm cũng đề nghị, các phòng khám của TPHCM cần truyền thông nổi bật về công tác phòng, chống bệnh mùa khỉ. Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cần có các biện pháp truyền thông nội bộ mạnh mẽ hơn về dịch tễ học và truy vết, các cán bộ nên tổ chức những buổi nói chuyện cộng đồng với những người có nguy cơ bị đậu mùa khỉ cao.
Cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Y tế cũng có buổi làm việc với đại diện y tế các tỉnh/thành tại Viện Pasteur TPHCM. Tại đây, đoàn đã nghe báo cáo của bà Lê Hồng Nga – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, TS.BS Nguyễn Vũ Thượng – Viện Phó Viện Pasteur và đại diện y tế các tỉnh Long An và Bình Dương.
Báo cáo tình hình bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn TPHCM, bà Lê Hồng Nga – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, tính đến ngày 11/11/2023, thành phố ghi nhận 74 trường hợp mắc đậu mùa khỉ. Trong đó, 41/74 (55%) bệnh nhân khai thác được hành vi nguy cơ, 5 bệnh nhân có đi nước ngoài trước khi khởi phát bệnh, tuy nhiên chỉ có 2/5 bệnh nhân khai thác được có hành vi nguy cơ tại nước ngoài. Thời gian khởi bệnh trung bình 20 ngày (8-37 ngày). Hiện 20/22 quận huyện và TP Thủ Đức ghi nhận có bệnh nhân đậu mùa khỉ (trừ huyện Củ Chi và Cần Giờ). Bình Tân là địa phương có nhiều ca đậu mùa khỉ nhất trên địa bàn TPHCM.
Cũng theo Phó Giám đốc HCDC, hầu hết các trường hợp mắc đậu mùa khỉ khi khởi phát bệnh đều tìm đến các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố. Cụ thể là Bệnh viện Da liễu TPHCM và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Đây cũng là hai bệnh viện chính phát hiện các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn thành phố.
Bà Lê Hồng Nga cho biết thêm, bệnh nhân thường đến cơ sở y tế khám sau khi phát bệnh 4-5 ngày (khi đã xuất hiện mụn nước, mụn mủ). 100% ca bệnh là nam giới, 76% ca bệnh tự nhận bản thân thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Lương Tâm – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện ở Việt Nam có 91 bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ, riêng tại TPHCM thì 100% bệnh nhân là nam giới, trong đó ở các tỉnh thì có cả nữ giới, chuyển đổi giới, đây là nhóm rất nhạy cảm. Điều này đòi hỏi các phòng khám ngoại trú điều trị ARV ở TPHCM ngoài việc giám sát các ca đậu mùa khỉ thì cần làm công tác truyền thông nhẹ nhàng đối với những người mắc đậu mùa khỉ và những người có nguy cơ.
“Có rất nhiều ca bệnh đậu mùa khỉ ở cộng đồng mà chúng ta chưa phát hiện ra. Thực tế, việc điều tra dịch tễ học chưa đều đặn, việc giám sát, điều tra để truy vết những người tiếp xúc với bệnh nhân trong 21 ngày của các cán bộ y tế còn chưa chặt chẽ
TS Nguyễn Lương Tâm – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, đoàn công tác ghi nhận phản hồi của Sở Y tế TPHCM về đề xuất sửa đổi cách ly các bệnh nhân đậu mùa khỉ. Theo Sở Y tế TPHCM, đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm nhóm B và theo Luật Khám, chữa bệnh thì bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ không thuộc đối tượng bắt buộc cách ly điều trị.
TS Nguyễn Lương Tâm cũng đề nghị, trong thời gian tới, các tỉnh và thành phố tập trung, đẩy mạnh giám sát đậu mùa khỉ với hoạt động lồng ghép HIV. Nghĩa là, kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ, các bệnh truyền nhiễm và lây nhiễm HIV phải đi đôi với nhau. Đồng thời chỉ đạo các phòng khám tư nhân, ngoại trú, các phòng khám da liễu, tư vấn dịch vụ phòng chống HIV tại thành phố khi phát hiện các ca bệnh thì điều tra dịch tễ học các ca bệnh với thái độ nhẹ nhàng, tình cảm.
“Chúng ta phải làm sao để các ca bệnh đậu mùa khỉ có ý thức không lây nhiễm thêm. Đây là cái khó cho cán bộ y tế nhưng không phải là không thể làm được”, Phó Cục trưởng Cục y tế dự phòng – Bộ Y tế nhấn mạnh.