(Chinhphu.vn) – Một trong 10 thành tựu quan trọng mà Việt Nam đã đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 là, Việt Nam dẫn đầu trong công tác triển khai thông điệp K=K, đồng thời là nước đầu tiên trong khu vực và các nước được PEPFAR hỗ trợ ký cam kết triển khai hoạt động K=K với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế.
Thứ nhất, hoàn thiện các hướng dẫn chuyên môn trong đó Cục đã tham mưu một loạt các văn bản pháp quy bao gồm: Quyết định số 24/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Quy định điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV, người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp; Thông tư 04/2023/TT-BYT Quy định hình thức, quy trình thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và tiếp cận thông tin người nhiễm HIV; Thông tư số 05/2023/TT-BYT của Bộ Y tế Quy định Chế độ báo cáo định kỳ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; Thông tư 07/2023/TT-BYT Hướng dẫn quy trình, phương pháp giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và giám sát các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Thứ hai, tiếp tục triển khai Hướng dẫn tạm thời về Triển khai đáp ứng y tế công cộng với chùm lây nhiễm HIV” đã được ban hành kèm theo Quyết định số 247/QĐ-AIDS ngày 11/11/2022. Về công tác xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện với hơn 1.300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành phố với 204 phòng xét nghiệm khẳng định.
Tăng cường năng lực cảnh báo cho 45 tỉnh và nâng cao năng lực thực hiện PHCR cho 29 tỉnh. Thông qua dữ liệu các trường hợp mới được báo cáo, xét nghiệm gần đây và xác định các khoảng trống, hoàn thiện PHCR điển hình, ví dụ ở Kiên Giang, Cần Thơ và Cao Bằng. Xét nghiệm nhiễm mới đã được triển khai 33 tỉnh/thành phố trên cả nước.
Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý và giám sát dịch HIV. Đến nay, hệ thống thông tin quản lý người nhiễm HIV (HIV-INFO) phiên bản 4.0 và phần mềm quản lý điều trị PREP, ARV, cung ứng thuốc (HMED) đã được triển khai cho 63 tỉnh. Triển khai các hoạt động về Tele PrEP.
Thứ tư, Việt Nam dẫn đầu trong công tác triển khai thông điệp K=K, Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực và các nước được PEPFAR hỗ trợ ký cam kết triển khai hoạt động K=K với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế.
Công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và truyền thông tạo cầu cho giới trẻ được đa dạng hóa và đạt hiệu quả cao thông qua nhiều sự kiện truyền thông trong khu công nghiệp, trường học và truyền thông đa phương tiện.
Thứ năm là cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ tại Việt Nam, Cục đã ban hành hướng dẫn phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động và Tổ chức thành công Mít tinh cấp Quốc gia Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1/12 và các hoạt động Hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (10/11 – 10/12/2023) tại Hải Phòng với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm và gần 2.000 người tham dự Mít tinh.
Thứ sáu, duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone với việc duy trì hơn 51.000 người bệnh tham gia điều trị trong đó hơn 3.000 người được cấp thuốc mang về nhà. Điều trị Methadone đã góp phần khống chế được tình hình nhiễm HIV trong người tiêm chích ma túy. Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng được giải thưởng hiệp hội giảm hại về bài báo xuất sắc về Kết quả triển khai chương trình điều trị nghiện bằng thuốc Methadone nhiều ngày.
Thứ bảy, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực châu Á về việc triển khai chiến lược sử dụng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) với số lượng người sử dụng PrEP vượt quá 65.000 người vào năm 2023. Đồng thời, trong giai đoạn từ 2020 đến 2023, đã có tổng cộng 96.500 người tham gia chương trình. Duy trì hơn 70% người dùng PrEP trong 3 tháng.
Bên cạnh đó, những mô hình linh hoạt và đa dạng để triển khai PrEP, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau. Mô hình Phòng khám toàn diện và thân thiện OSS cũng được triển khai và mở rộng mang lại dịch vụ phòng ngừa toàn diện cho người sử dụng PrEP tại Việt Nam.
Thứ tám, nâng cao phân phối dịch vụ đặt con người làm trọng tâm bao gồm: tích hợp quản lý các bệnh đồng nhiễm khuẩn và bệnh không lây nhiễm tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS để đạt được mục tiêu thứ tư về 90 là hạnh phúc của người nhiễm HIV. Hiện có hơn 500 cơ sở điều trị HIV thực hiện sàng lọc lao, điều trị lao tiềm ẩn và hướng dẫn chẩn đoán và điều trị lao. Hơn 60 cơ sở điều trị HIV đang triển khai chương trình sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ nhiễm HIV.
Thứ chín, tăng cường hợp tác quốc tế về HIV avaf nâng cao vị trị của Việt Nam trong phòng ngừa và điều trị HIV/AIDS trên toàn cầu.
Thứ mười, vận động chính sách ở tất cả các cấp và đề xuất các phương án cho phòng ngừa và kiểm soát HIV.
Theo Cổng thông tin điện tử chính phủ Tiếng Chuông