Cà phê và tổ chức cộng đồng – “chìa khóa” mở lối để loại bỏ HIV/AIDS ở Việt Nam

Tại thành phố Cần Thơ thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, niềm đam mê cà phê sâu thẳm của người dân nơi đây là vũ khí bí mật của một tổ chức cộng đồng (TCCĐ) mang tên S Đỏ.

Bên ly cà phê đá đậm vị, các đồng đẳng viên của S Đỏ chia sẻ thông tin về HIV/AIDS, giang mai và viêm gan. Họ đang tiếp cận được đến những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của HIV, nhưng đồng thời sợ hãi việc tìm đến các cơ sở y tế để lấy thông tin, xét nghiệm và cả chữa trị.

“Năm 2009, khi tôi biết bạn trai mình nhiễm HIV, tôi đã rất sợ và liền đi xét nghiệm HIV,” Trưởng nhóm S Đỏ – anh Đặng Quốc Phong cho biết.

“Trong khi chờ kết quả, tôi nhận ra rằng nếu tôi không có ai để tâm sự, việc chờ đợi là cả một cực hình. Tôi đã ứng tuyển làm một nhân viên cộng đồng để có thể chia sẻ trải nghiệm của mình với những người cùng hoàn cảnh,” anh nói.

Vì bản thân các đồng đẳng viên của S Đỏ là nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), bao gồm cả nam song tính hoặc nữ chuyển giới, nên họ hiểu nhu cầu của những người tìm đến họ – họ không phán xét, có thể nhanh chóng tạo dựng niềm tin và cung cấp dịch vụ một cách bảo mật. S Đỏ tổ chức các cuộc thảo luận nhóm nhỏ để người tham gia chia sẻ những điều họ quan tâm, hoặc đặt câu hỏi trực tiếp bên tách cà phê. Tổ chức còn sử dụng mạng xã hội để khuyến khích mọi người đi xét nghiệm và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs).

S Đỏ là một trong những TCCĐ tại Thành phố Cần Thơ đang hợp tác cùng WHO và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Cần Thơ (CDC) để hỗ trợ Bộ Y tế trong việc mở rộng quy mô xét nghiệm trong TCCĐ tại Việt Nam.

Ảnh: WHO

Việc tiếp cận cộng đồng đang đóng vai trò then chốt trong việc hướng tới hoàn thành Chiến lược Quốc gia Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Việt Nam hướng đến đạt được mục tiêu 90-90-90 vào năm 2025, trong đó 90% người có  HIV biết tình trạng HIV của mình, 90% người biết mình đang sống cùng HIV tham gia điều trị bằng thuốc kháng vi rút có khả năng bảo toàn mạng sống, và 90% số người đang điều trị đạt ức chế vi rút, tức là họ không còn khả năng lây nhiễm HIV cho bạn tình của mình và có nguy cơ thấp trong việc truyền bệnh sang cho con. Sau khi đạt được mục tiêu này, Việt Nam nhắm đến đạt mục tiêu 95-95-95 vào năm 2030.

Tuy nhiên, phạm vi xét nghiệm ở các nhóm đối tượng đích còn thấp. Ví dụ, chỉ có 61% người tiêm chích ma túy, 72% người bán dâm và 84% người MSM biết tình trạng nhiễm HIV của mình vào năm 2021 và 2022, theo UNAIDS. Những con số khá thấp này là một trong những thách thức mà các TCCĐ như S Đỏ đang nỗ lực giải quyết.

Từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2023, các đồng đẳng viên tận tâm và hết lòng của S Đỏ đã tư vấn và xét nghiệm HIV, giang mai và viêm gan C cho gần 300 người. Họ cũng đã xét nghiệm viêm gan B cho 260 người, xác định 23 người nhiễm HIV, 12 người mắc bệnh giang mai và 5 người mắc bệnh viêm gan B. Khi có cơ hội, tổ chức đã giúp những người này liên kết với các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị như sử dụng thuốc kháng vi rút (ARV) cho HIV.

Một đánh giá đã cho thấy S Đỏ đã rất thành công trong việc tiếp cận nam thanh niên từ 16-24 tuổi; khoảng 87% trong số họ là MSM và 77% chưa bao giờ được xét nghiệm trước đó.

Mặc dù tổng số lượng xét nghiệm tương đối nhỏ nhưng chúng góp phần quan trọng trong việc bổ sung các phương pháp tiếp cận khác như xét nghiệm tại các cơ sở y tế và cho phép mọi người yêu cầu tự xét nghiệm HIV (HIVST) thông qua website.

Anh Phong của S Đỏ cho biết: “Trong cộng đồng chúng tôi vẫn còn nhiều người nhiễm HIV nhưng họ chưa xét nghiệm vì không muốn đến cơ sở y tế. Các trường hợp nhiễm HIV mới vẫn được phát hiện hàng tuần hoặc hàng tháng, điều này chứng tỏ việc cung cấp xét nghiệm tại cộng đồng là hướng đi đúng đắn. Chúng tôi không chỉ cung cấp xét nghiệm HIV mà còn cung cấp xét nghiệm giang mai, viêm gan C và B.

“Công việc của chúng tôi giúp các thành viên trong cộng đồng biết được tình trạng nhiễm HIV của họ và bắt đầu điều trị sớm, để họ có thể duy trì sức khỏe, sự nghiệp và cuộc sống của mình.”

Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết: “Tại Việt Nam và trên toàn cầu, chúng ta đang có một cơ hội tuyệt vời. Chúng ta có thể chấm dứt dịch bệnh AIDS không còn là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030. Chúng ta thậm chí đã biết phải làm thế nào: hỗ trợ cộng đồng ở tuyến đầu.”

“Chủ đề của Ngày Thế giới Phòng chống AIDS năm nay, ngày 1 tháng 12, là Hãy để Cộng đồng Dẫn dắt. Chúng tôi nhấn mạnh vào tầm quan trọng của các biện pháp can thiệp do cộng đồng dẫn đầu, như công việc của S Đỏ, nhằm mục đích chấm dứt bệnh AIDS như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng. Đây không chỉ là sự tôn vinh những thành tựu của các TCCĐ mà còn là lời kêu gọi hành động để tạo điều kiện và hỗ trợ TCCĐ trong vai trò lãnh đạo của họ.”

“Các tổ chức như S Đỏ cung cấp thông tin sức khỏe có thể cứu mạng người bằng những cách rất tuyệt vời và đáng tin cậy – qua uống cà phê và trò chuyện.”

“Xét nghiệm HIV là cách duy nhất để biết bạn có bị nhiễm bệnh hay không. Biết được tình trạng của mình cho phép bạn bảo vệ sức khỏe của bản thân và của những người xung quanh”.

Theo WHO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to top