(Chinhphu.vn) – Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, tỉ lệ duy trì điều trị thuốc ARV đạt 97%; tỉ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus HIV dưới ngưỡng ức chế đạt 98%. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của chương trình công tác của Ủy ban Quốc gia. Kết quả này đã giúp phòng tránh lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục hay còn gọi là Không phát hiện = Không lây truyền.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giám sát
Trong vài năm gần đây, tỉ lệ nhiễm HIV ở nhóm phụ nữ bán dâm (dưới 3%) và ở nhóm tiêm chích ma túy (9%) ổn định, tuy nhiên tỉ lệ nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tăng lên một cách đáng lo ngại khoảng 12%–13% và tập trung trong nhóm nam trẻ tuổi từ 15-30 tuổi. Ở một số địa phương, tỉ lệ nhóm MSM chiếm đến 50%-70% tổng số các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện trong năm.
Các nghiên cứu cho thấy nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM đã từng sử dụng ma túy cao gấp 8 lần so với nhóm MSM chưa từng sử dụng ma túy. Đồng thời, MSM có nhiều bạn tình, sử dụng ma túy quan hệ tình dục tập thể đang là nguyên nhân chính làm gia tăng nhanh lây nhiễm HIV trong nhóm này.
Để đẩy lùi dịch bệnh HIV/AIDS, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ Y tế đã triển khai đồng bộ giám sát ca bệnh tại 63 tỉnh, thành phố; giám sát trọng điểm tại 20 tỉnh, thành phố trên nhóm đối tượng nam nghiện chích ma túy và triển khai đa dạng mô hình tư vấn xét nghiệm HIV, xét nghiệm phát hiện mới người nhiễm HIV.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giám sát, điều trị HIV/AIDS và báo cáo hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Về công tác Điều trị HIV/AIDS, Bộ Y tế tiếp tục mở rộng điều trị ARV cho gần 180.000 bệnh nhân HIV/AIDS tại 534 cơ sở y tế điều trị HIV, trong đó có 513 cơ sở sử dụng thuốc do bảo hiểm y tế chi trả, có 2.709 bệnh nhân trẻ em. Tỉ lệ duy trì điều trị thuốc ARV đạt 97%; tỉ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus HIV dưới ngưỡng ức chế đạt 98%. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của chương trình công tác của Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Kết quả này đã giúp phòng tránh lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục hay còn gọi là Không phát hiện = Không lây truyền.
Việt Nam là nước dẫn đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương về số lượng điều trị PrEP
Về hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP), hiện Bộ Y tế đang triển khai điều trị cho hơn 67.000 lượt người, trong đó 81% người sử dụng là nhóm MSM ở 219 cơ sở điều trị bao gồm công lập và tư nhân tại 29 tỉnh, thành phố. Với kết quả này, Việt Nam đã vươn lên là nước dẫn đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương về số lượng người được điều trị PrEP. Kết quả này giúp kiểm soát được 98% người sử dụng, tránh được nguy cơ lây nhiễm HIV.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng tiếp tục triển khai điều trị viêm gan C, điều trị lao cho người nhiễm HIV và bệnh nhân điều trị Methadone tại cộng đồng và trại giam.
Về hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV và phối hợp liên ngành trong phòng, chống HIV/AIDS, hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS được tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa về hình thức, nội dung truyền thông tập trung vào các nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV.
Bộ Y tế đã phối hợp với Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức Hội thảo cho 63 tỉnh, thành phố về triển khai Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030.
Bộ cũng đã phối hợp Ủy ban xã hội của Quốc hội tổ chức các hội thảo về phòng, chống HIV/AIDS cho đại biểu Quốc hội và phối hợp với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc triển khai phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân lao động và học sinh, sinh viên các trường đại học.
Chỉ đạo ngành y tế các tỉnh, thành phố đẩy mạnh hoạt động can thiệp giảm tác hại qua việc triển khai phát khoảng 10 triệu bơm kim tiêm sạch, 8,5 triệu bao cao su và 4,4 triệu gói chất bôi trơn miễn phí cho các đối tượng nguy cơ cao nhiễm HIV tại 56 tỉnh, thành phố.
Về hoạt động hợp tác quốc tế và huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, trong năm 2023, Bộ Y tế đã chủ trì tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học như Hội nghị Ủy ban điều phối nguồn lực Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét lần thứ 49 về huy động nguồn lực cho các quốc gia với sự tham gia hơn 300 đại biểu quốc tế đại diện lãnh đạo Bộ Y tế các nước trên thế giới, các tổ chức quốc tế và các nhà khoa học về HIV/AIDS. Bộ cũng đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về HIV/AIDS có sự tham dự của Nhà khoa học đã từng đạt giải Nobel Y sinh học và các Hội thảo khoa học quốc tế khác…
Dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng số nhiễm mới
Mặc dù công tác phòng chống HIV đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, khó khăn thứ nhất là tình hình dịch HIV/AIDS tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng số nhiễm mới, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố lớn, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gia tăng chủ yếu ở nhóm MSM trẻ tuổi và qua đường tình dục. Việc lây nhiễm tập trung ở lứa tuổi trẻ, mới tốt nghiệp hết cấp 3, di biến động, thay đổi môi trường sống do đó hạn chế về kiến thức, kỹ năng để dự phòng HIV cho bản thân.
Khó khăn nữa là tình hình dịch bệnh truyền nhiễm gia tăng, do có đường lây tương tự HIV như đậu mùa khỉ, viêm gan và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, làm gia tăng sự kỳ thị, phân biệt đối xử và khó khăn trong phòng, chống HIV/AIDS.
Thứ hai là về kinh phí và nhân lực cho phòng, chống HIV/AIDS, điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện và xác định tình trạng nghiện giảm sút và chủ yếu dựa vào nguồn viện trợ quốc tế. Cán bộ y tế cung cấp dịch vụ HIV/AIDS, điều trị nghiện thường xuyên thay đổi do áp lực và chế độ cho ngành Y tế còn thấp.
Thứ ba là điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế chỉ điều trị được nghiện Heroin và chất dạng thuốc phiện. Đây là điều trị bệnh mãn tính và không có thuốc điều trị đặc hiệu, thường phải sử dụng suốt đời. Trong khi nhận thức về điều trị nghiện ma túy còn khác nhau, dẫn đến các địa phương có các cách giải quyết khác nhau trong điều trị nghiện.
Thứ tư là sự gia tăng của các loại ma túy tổng hợp làm cho người nghiện sử dụng đa ma túy và người nghiện ma túy tổng hợp không có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là can thiệp bằng biện pháp tâm lý, hành vi. Tuy nhiên, hệ thống y tế dự phòng chưa đủ năng lực và được đào tạo để thực hiện các biện pháp can thiệp tâm lý hành vi cho người sử dụng và người nghiện ma túy tổng hợp.
Tập trung nguồn lực triển khai đa dạng các mô hình can thiệp
Để tăng cường hiệu quả hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới, Bộ Y tế có một số đề xuất và kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo có các chính sách về nhân lực, đầu tư cho hệ thống y tế nâng cao năng lực đáp ứng công tác quản lý tiền chất, xác định tình trạng nghiện, triển khai đa dạng các mô hình can thiệp giảm tác hại liên quan đến ma túy, hỗ trợ điều trị cắt cơn, điều trị nghiện bằng biện pháp thay thế, điều trị rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy.
Đại diện Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo Bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 6/7/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030.
Bên cạnh đó, đề nghị các Bộ, ngành trung ương và địa phương phối hợp với Bộ Y tế trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030; Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố hỗ trợ và phối hợp với ngành Y tế tại địa phương triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại cho người sử dụng ma túy và xác định tình trạng nghiện ma túy.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố: Đưa mục tiêu, chỉ tiêu công tác phòng, chống HIV/AIDS vào Chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương; Sắp xếp bố trí nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, thực hiện đầy đủ các cơ chế chính sách hỗ trợ cho nhân sự thực hiện phòng, chống HIV/AIDS theo quy định; Quan tâm đầu tư ngân sách, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nguồn lực để thực hiện công tác xác định tình trạng nghiện ma túy và bố trí ngân sách địa phương để triển khai mua thuốc Methadone.
Cho biết những định hướng trọng tâm hoạt động năm 2024, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay, trong năm 2024, Bộ Y tế sẽ triển khai chương trình công tác của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm năm 2024, trong đó tập trung xây dựng lộ trình bền vững cho việc kiểm soát dịch bệnh AIDS đến năm 2030 và thúc đẩy hoạt động xác định tình trạng nghiện ma túy tại địa phương.
Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống Phòng, chống HIV/AIDS nhằm thực hiện các điều khoản do Luật quy định và phù hợp với các quy định pháp luật phòng, chống ma túy và Thông tư quy định định mức kinh tế – kỹ thuật gói dịch vụ y tế dự phòng thuộc lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS trong đó có định mức cho công tác xác định tình trạng nghiện ma túy.
Đồng thời, tăng cường triển khai các hoạt động chuyên môn phòng, chống HIV/AIDS như truyền thông, dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm, tự xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, duy trì điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, duy trì điều trị cho người nhiễm HIV…
Theo Tiếng Chuông Chính Phủ